Bác sĩ pháp y: Những chiến công thầm lặng
Nghề chọn người
Sau nhiều lần hẹn tôi mới được các bác sĩ, giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự nhận lời trò chuyện, vậy mà cũng bị chậm mất hơn 1 tiếng so với giờ hẹn. Bác sĩ - Đại úy Đoàn Anh Đông (SN 1987) giãi bày:
- Đấy, nghề của chúng tôi là thế. Ngày cũng như đêm, hễ có yêu cầu giám định là sẵn sàng. Như hôm nay, đến giờ ăn trưa, đơn vị nhận được yêu cầu khám nghiệm từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thế về một vụ tai nạn giao thông mới xảy ra tại xã Tam Hiệp nên anh em lập tức lên đường.
![]() |
Bác sĩ pháp y Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) trao đổi nghiệp vụ. |
Tiếp xúc với Đại úy Đoàn Anh Đông, chúng tôi cảm nhận được sự giản dị, gần gũi và lòng yêu nghề. Anh chia sẻ, nuôi ước mơ trở thành điều tra viên, năm 2005, anh thi vào Khoa An ninh điều tra của Học viên An ninh nhân dân. Những tưởng hành trình thực hiện ước mơ trở thành một điều tra viên giỏi bắt đầu thì anh được nhà trường cử sang Học viện Quân y theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Ban đầu, chàng sinh viên trẻ thấy hơi hụt hẫng nhưng khi bước vào môi trường học tập ở giảng đường đại học, anh nhanh chóng bắt nhịp.
Tốt nghiệp ra trường, Đoàn Anh Đông được điều động về Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang) làm bác sĩ pháp y. “7 năm theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa, tôi cùng 9 người bạn khác đều nghĩ sau này sẽ về phục vụ tại các bệnh viện lớn của ngành. Bởi vậy, khi có thông báo về công an các địa phương, mọi người cũng có đôi chút băn khoăn. Trải qua thời gian, công việc, giờ nghĩ lại những ngày đầu ấy, tôi lại thấy đúng là nghề này đã chọn mình. Nếu không chắc gì tôi đã trụ được đến giờ, bởi trong số 10 người được cử đi học cùng tôi đã có 5 đồng chí xin ra khỏi ngành, chuyển ra làm tại các bệnh viện bên ngoài” - Đại úy Đông bộc bạch.
Tương tự như bác sĩ Đông, những ngày đầu mới được tuyển dụng về Công an tỉnh Bắc Giang thực sự là một cuộc đấu tranh tư tưởng của bác sĩ, Đại úy Nguyễn Văn Bộ (SN 1977), người con quê hương Hiệp Hòa. Sau khi hoàn thành hệ trung cấp Học viện Quân y, anh được nhận vào làm nhân viên y tế của một doanh nghiệp trong quân đội, thường xuyên vào các tỉnh miền Nam công tác. Cuối năm 2009, anh lập gia đình với một bác sĩ trẻ gần nhà nên quyết định chuyển về quê lập nghiệp. Đúng lúc này, biết thông tin Công an tỉnh đang tuyển bác sĩ nên anh nộp hồ sơ và trúng tuyển.
“Khi nộp hồ sơ, tôi chỉ nghĩ sẽ được tuyển vào chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ chứ ai ngờ sẽ làm bác sĩ pháp y. Sau 6 tháng tạm tuyển, tôi cũng định xin “dừng” công việc này nhưng được gia đình, đồng đội động viên nên quyết định theo nghề. Những ngày sau đó, tôi chẳng dám “khoe” hay giới thiệu với mọi người về công việc của mình. Ngay cả vợ, con tôi khi được ai hỏi về nghề nghiệp của tôi thì họ chỉ trả lời là: Bác sĩ”.
Đi tìm công lý
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) tham gia khám nghiệm vụ trọng án xảy ra tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên), tháng 9-2019. |
Trong mọi vụ án, việc đầu tiên của cơ quan công an là khám nghiệm. Kết quả khám nghiệm là căn cứ khoa học chính xác nhất để cơ quan điều tra tiến hành những bước tiếp theo. Vì vậy, công việc này đòi hỏi phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ, khách quan. Từng khám nghiệm tử thi rất nhiều vụ án, ám ảnh nhất với Đại úy Ngô Văn Bộ chính là vụ nạn nhân Vi Thị V (SN 1984) trú tại một xã vùng cao của huyện Lục Ngạn.
Vụ án xảy ra vào ngày cuối cùng của năm 2009, khi gia đình phát hiện thì xác nạn nhân đã nằm dưới lớp đá và lá cây tại một con suối cạn trong rừng. Sau khi giám định, anh cùng đồng đội rất xót xa khi thấy nạn nhân bị đánh và hiếp dâm nên quyết tâm phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Mở rộng hiện trường, giám định viên phát hiện nhiều vết máu, tóc, khuyên tai, đôi dép và con dao nạn nhân mang đi rừng tại một con đường mòn cách đó 250 m. Tiếp tục lần theo dấu vết, lực lượng chức năng đã tìm ra thủ phạm là một đối tượng cùng thôn với nạn nhân.
Trung bình mỗi năm, các bác sĩ, giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự khám nghiệm khoảng 200 tử thi; ngoài ra còn hàng trăm ca giám định, xét nghiệm thương tích do tai nạn giao thông, đánh nhau... Các kết luận khám nghiệm, giám định có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm rõ các hành vi phạm tội, đưa ra ánh sáng nhiều hung thủ giết người, công lý được thực thi.
Đã có không ít vụ án mà nguyên nhân được làm rõ từ những căn cứ mà các bác sĩ pháp y tìm thấy trên thi thể nạn nhân. Ví dụ như từ dấu vết nhỏ trên cổ bà Chu Thị B (SN 1951) ở thôn Tiên Lý, xã Yên Định (Sơn Động) mà các bác sĩ phát hiện được, lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, làm rõ hành vi giết mẹ chồng rồi đẩy xuống giếng của đối tượng Lưu Thị Nga (SN 1987). Trước đó, Nga khai với cơ quan chức năng là do mẹ chồng bị trượt chân ngã xuống giếng.
Vượt qua nỗi ám ảnh
![]() Với quyết tâm hỗ trợ cùng cơ quan điều tra nhanh chóng phá án, chúng tôi đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, đưa vụ án ra ánh sáng, bắt thủ phạm phải đứng trước vành móng ngựa, trả lại nỗi oan ức cho nhiều người. Mỗi vụ án mạng được “vén màn” bí ẩn chúng tôi lại có động lực để vượt qua những khó khăn, vất vả”. Thượng tá Thân Ngọc Thắng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh). |
Trong câu chuyện giữa chúng tôi với các bác sĩ pháp y của Công an tỉnh, “ám ảnh” luôn là hai từ được các anh nhắc đến. Bất kể lúc nào, nắng mưa, ngày đêm, khi ngành chức năng yêu cầu giám định là anh em đều có mặt. Đã có nhiều trường hợp làm nhiệm vụ phải đi bộ đường rừng hàng chục cây số.
Nhọc nhằn hơn với bác sĩ pháp y là khi phải giải phẫu những tử thi đã phân huỷ, đến mấy ngày sau nghĩ lại còn ớn lạnh.
Nhớ lại vụ án đầu tiên được tham gia với vai trò là giám định viên, Đại úy Đoàn Anh Đông kể: Tháng 4-2014, anh hoàn thành khóa học kèm cặp về pháp y thì một tháng sau xảy ra vụ án mạng tại tổ dân phố Hòa Yên, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang). Nạn nhân là bà Phương Thị X (SN 1961), chết trong tình trạng trên người có nhiều vết thương, hiện trường đã bị lau chùi, tẩy rửa kỹ. Khi được giao nhiệm vụ mổ tử thi, anh thật sự lo lắng và sợ hãi bởi mình chưa từng làm công việc này.
Được lãnh đạo đơn vị động viên rồi anh cũng hoàn thành nhiệm vụ, làm rõ vật gây thương tích cho nạn nhân là cây kéo ở tình trạng mở. Từ căn cứ này cũng như dấu vân tay tại hiện trường, cơ quan điều tra làm rõ Nguyễn Văn Toàn (SN 1990), cùng tổ dân phố với nạn nhân là hung thủ. “Hôm đó dù đã tắm, rửa nhiều lần song tôi vẫn không thể nào nuốt nổi bát cơm, đi ngủ không dám tắt điện. Dù đã cố trấn tĩnh và tự nhủ đây là nghề của mình, phải thích nghi song nhiều ngày sau đó tôi vẫn bị ám ảnh”.
Không chỉ trăn trở về nghề, công việc của các chiến sĩ, bác sĩ pháp y còn phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả khác. Thực tế đã có những giám định viên "dứt áo ra đi" vì công việc độc hại nhưng chế độ đãi ngộ thấp và không chịu được ánh mắt thiếu thiện cảm của bạn bè, người thân.
Thượng tá Thân Ngọc Thắng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự chia sẻ: “Tiếp xúc với xác chết ai cũng sợ hãi song với quyết tâm hỗ trợ cùng cơ quan điều tra nhanh chóng phá án, chúng tôi vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, đưa vụ án ra ánh sáng, bắt thủ phạm phải đứng trước vành móng ngựa, trả lại nỗi oan ức cho nhiều người. Mỗi vụ án mạng được “vén màn” bí ẩn thì chúng tôi lại có động lực để vượt qua những khó khăn, vất vả”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)