Vụ phóng viên tống tiền từ doanh nghiệp tại Bắc Giang: Nữ phóng viên không phải Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Theo lãnh đạo Hội Nhà báo VN, nữ phóng viên tống tiền 70.000 USD đã mang danh nghĩa nhà báo đi hành nghề và có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín người làm báo.
![]() |
Nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình. |
“Người làm báo Việt Nam hành nghề khách quan, trung thực, công tâm, không vụ lợi, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Những ai lợi dụng danh nghĩa người làm báo hành nghề vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì phải bị xử lý nghiêm minh để bảo vệ uy tín và danh dự của người làm báo Việt Nam”- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc nữ phóng viên báo Thương hiệu và Công luận bị bắt vì cưỡng đoạt 70.000 USD của doanh nghiệp nước ngoài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, qua kiểm tra xác định, phóng viên Đào Thị Thanh Bình không phải là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và không có thẻ nhà báo.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, phóng viên Đào Thị Thanh Bình lại mang danh nghĩa nhà báo đi hành nghề và có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của người làm báo Việt Nam.
Ông nhấn mạnh, những ai lợi dụng danh nghĩa người làm báo hành nghề vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì phải bị xử lý nghiêm minh để bảo vệ uy tín và danh dự của người làm báo Việt Nam.
Trước đó, lãnh đạo Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, ngay khi có thông tin về vụ việc, Ban đã liên hệ với Tổng Biên tập báo Thương hiệu và Công luận để xác minh sự việc. Lãnh đạo báo đã có thông tin ban đầu, xác nhận vụ việc đối với phóng viên Bình.
Theo vị này, nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người làm báo Việt Nam nên Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị cung cấp thông tin.
Đồng thời, Ban đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tổng Biên tập báo Thương hiệu và Công luận Vũ Đức Thuận cũng xác nhận, nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình sinh năm 1978, bắt đầu thử việc ở báo từ tháng 4-2018 và mới được ký hợp đồng từ tháng 10-2018.
Nữ phóng viên này chưa có thẻ nhà báo cũng như chưa phải Hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Hiện báo đang phối hợp với Công an Bắc Giang để tiếp tục làm rõ vụ việc.
Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tạm giữ hình sự đối với Đào Thị Thanh Bình về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” để phục vụ điều tra.
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, để biết mức án cụ thể dành cho nữ phóng viên này phải đợi kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nếu đúng thông tin ban đầu như báo chí đã nêu, hành vi của nữ phóng viên có thể có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ” theo điều 354, BLHS 2015.
Vị luật sư này phân tích, theo Điều 354 BLHS năm 2015 thì nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên.
Khách thể của tội nhận hối lộ là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Xét hành vi của nữ phóng viên, thấy người này đã lợi dụng danh nghĩa nghề báo để tống tiền doanh nghiệp, trục lợi bản thân. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.
Theo luật sư Hòe, với số tiền nữ phóng viên này nhận của doanh nghiệp là 70.000 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng), người này có thể sẽ bị xử lý theo điểm a, khoản 4 của tội nhận hối lộ.
Cụ thể khoản này quy định người nào nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 (1 tỷ) đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cũng liên quan đến vụ việc này, Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trước hết, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án. Nếu có đủ căn cứ thì khởi tố bị can để làm rõ hành vi của nữ phóng viên trên.
Tuy nhiên, theo thông tin báo chí nêu, thấy hành vi của nữ phóng viên có dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170, Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo vị luật sư này, cưỡng đoạt tài sản được hiểu là, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Xét hành vi của người phụ nữ trên thấy có đủ dấu hiệu cấu thành tội này.
Về mức xử phạt, theo Luật sư Trần Tuấn Anh, với số tiền là 70.000 USD có thể bị xử phạt theo Điểm A, khoản 4 của tội Cưỡng đoạt tài sản. Điểm này quy định, người nào chiếm đoạt tài sản của người khác từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt từ 12 đến 20 năm tù.
Ý kiến bạn đọc (0)