Bệnh vô cảm trong giới trẻ
![]() |
Nhìn cảnh nữ sinh đánh nhau nhưng nhiều người vẫn thờ ơ. Ảnh minh hoạ. |
![]() |
Thái độ thờ ơ, vô cảm
Chị Nguyễn Thị N, giáo viên một trường THCS ở thành phố Bắc Giangtâm sự: Tôi thực sự thấy buồn bởi cách đây không lâu, trên đường từ trường về nhà chứng kiến cảnh mấy học sinh đang xúm vào đôi co, đánh một bạn nam cùng trường. Mọi người xem rất đông, trong đó có cả các em học sinh, nhưng không ai đứng ra can ngăn.
Thậm chí có mấy em còn giơ điện thoại quay phim, chụp ảnh. Bức xúc quá, tôi đỗ xe và quát các em dừng lại. Các em tỏ ra sợ hãi và lên xe đi thẳng. Tôi đỡ em học sinh bị đánh, hỏi rõ lý do thì được biết em đang bị mấy bạn cùng trường hiểu lầm, chặn đánh. Điều làm một giáo viên như tôi thực sự trăn trở là sự vô cảm của những người đang chứng kiến sự việc đó.
Cũng là một biểu hiện của sự vô cảm, đó là trường hợp của chị Ngô Thị T ở thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Chị T làm nghề buôn bán, chồng là bộ đội, đóng quân ở xa. Nhà thường chỉ có 3 mẹ con, bố thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Trò chuyện với tôi, chị T chia sẻ: "Nhiều khi cũng thấy nản vì 2 đứa con nhà mình, con cái mười mấy tuổi đầu, mẹ bị ốm mà không một câu thăm hỏi, động viên, cứ như người dưng ấy, chỉ biết cắp sách đi học, nghĩ mà ứa nước mắt vì tủi thân...".
Chị T giải thích thêm: "Bọn trẻ như vậy cũng một phần tại mình. Bố chúng vắng nhà, mình mải lo chợ búa kiếm tiền mà ít để tâm dạy bảo các con. Mình cứ nghĩ lo cho chúng được đầy đủ, bằng chúng bạn là được rồi, chẳng hòng gì chúng lo lắng, quan tâm lại đến mình...". Suy nghĩ như vậy nên hết lần này đến lần khác, chị bỏ qua sự thờ ơ, vô tâm của bọn trẻ.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều biểu hiện của sự vô cảm đang diễn ra hàng ngày trong xã hội, kể cả trong gia đình, nhất là ở giới trẻ. Thái độ vô cảm, sống vô trách nhiệm trước những buồn vui, đau khổ của những người xung quanh, kể cả người thân thật sự khiến cho mỗi người lớn chúng ta không thể không lo lắng. Vậy, đâu là nguyên nhân của "căn bệnh" đáng sợ này?
Tại sao giới trẻ mắc "bệnh" vô cảm?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ vô cảm, tha hóa đạo đức trong một bộ phận giới trẻ hôm nay, nhưng sâu xa hơn là lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ, “sống chỉ biết mình”. Lối sống này được hình thành một phần do giới trẻ hôm nay đã bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ thông tin, họ sống trong một thế giới ảo mà ở đó có đầy những sự lạnh lùng.
Đó cũng có thể là do cuộc sống hiện đại đã hình thành cho con người, trong đó có giới trẻ lối sống độc lập, không cần biết đến người khác vì lý do sợ phiền phức, sợ bị liên đới trách nhiệm, thậm chí sợ bị lừa đảo… cho nên họ chọn cách sống thờ ơ để phòng vệ. Bạn Đinh Việt Hoàng, phường Trần Phú, TP Bắc Giang tâm sự: "Có lần trên đường đi học, em gặp một phụ nữ bị tai nạn giao thông, em dừng xe cùng mọi người đỡ cô ấy dậy và đưa vào viện, sau đó em bị công an triệu tập nhiều lần để làm chứng, thấy phiền phức quá. Em tự nhủ với bản thân lần sau có gặp trường hợp như vậy thì đứng ngoài cho an toàn".
Lối sống vô cảm của giới trẻ hôm nay còn có trách nhiệm từ gia đình, nhà trường. Trong nhà trường, khi giáo dục về những tấm gương tốt, các em chưa có được nhiều dẫn chứng minh họa thực tế để tạo niềm tin cho các em. Ở nhiều gia đình hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đã không có được sự quan tâm, bảo ban con những điều cần thiết trong đối nhân, xử thế, hình thành cho con tính trách nhiệm đối với cha mẹ, người thân; không những thế, họ lại chiều con quá mức khi đáp ứng mọi thứ, tạo cho giới trẻ ngay từ nhỏ thói quen “chỉ biết nhận mà không biết cho”, ích kỷ và vô tâm trước người khác và xã hội, dần dần tạo cho giới trẻ cách hành xử lạnh lùng, vô cảm.
Đẩy lùi chứng vô cảm
Thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước, vì vậy hãy giúp các em có được sự hoàn thiện về nhân cách bằng cách đẩy lùi chứng vô cảm. Với mỗi bạn trẻ đang trên ghế nhà trường hay chập chững vào đời, điều quan trọng là tập cho mình cách sống hòa nhập, kết nối, có trách nhiệm bằng cách thường xuyên tham gia vào những hoạt động mang tính tập thể hoặc các chương trình tình nguyện vì cộng đồng để học cách quan tâm, sẻ chia và thoát khỏi cái vỏ bọc của lối sống ích kỷ, của thế giới ảo. Qua đó giúp trẻ biết sống và biết yêu thương, biết đồng cảm với nỗi đau hay niềm vui của những người chung quanh.
Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội có một vai trò hết sức quan trọng. Gia đình chính là môi trường đầu đời hình thành nên những cảm xúc yêu thương, lòng nhân ái, giáo dục và trang bị cho trẻ những chuẩn mực đạo đức, giúp họ học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Khi người lớn sống có trách nhiệm, quan tâm tới nhau, có những hành vi, ứng xử đẹp, mang tính nhân văn thì đó sẽ là tấm gương để giới trẻ noi theo.
Cùng với gia đình, nhà trường nên trang bị cho thanh, thiếu niên những kỹ năng sống thiết thực, biết giúp đỡ mọi người, khơi dậy ở họ lòng nhân ái và tinh thần đấu tranh trước cái xấu và cái ác. Xã hội phải đề cao và tôn vinh những tấm gương sống đẹp, sống có trách nhiệm và nghĩa tình, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng; tôn vinh và phát huy các giá trị truyền thống và đạo lý của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”. Có như vậy, lối sống vô cảm trong xã hội, trong giới trẻ mới bị đẩy lùi, xã hội ta mới phát triển trong sự hài hòa và nhân văn.
Ý kiến bạn đọc (0)