Công ty DNP có được thu tiền lắp đặt thiết bị cấp nước sạch?
Tháng 12- 2018, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng nước DNP- Bắc Giang (gọi tắt là Công ty DNP) triển khai thi công phát triển mạng lưới cấp nước sạch tại huyện Lạng Giang. Xã Xuân Hương có hơn 3.000 hộ dân, đến nay hơn 1.000 hộ đăng ký và hàng trăm hộ đã có nước sạch sử dụng. Song nhiều hộ còn băn khoăn về khoản tiền phải nộp cho DN nên chưa đăng ký lắp đặt thiết bị.
![]() |
Đường ống nước sạch của Công ty DNP tại địa bàn xã Xuân Hương. |
Theo thông báo của cán bộ các thôn, mỗi hộ đăng ký cấp nước sạch phải nộp cho Công ty DNP 2 triệu đồng. Đây là khoản tiền nộp "cứng", điều kiện để được đấu nối sử dụng nước sạch (chưa tính chi phí kéo đường ống từ đồng hồ vào hộ). Theo thông báo của DN, hộ lắp sau thời điểm này sẽ phải nộp cao hơn là 2,5 triệu đồng. Điều này khiến nhiều công dân thắc mắc.
Một người ở thôn Gai, xã Xuân Hương có số điện thoại 036… hỏi: Theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với khách hàng sử dụng bao gồm cả đồng hồ đo nước. Vậy tại sao Công ty DNP lại tự đặt ra mức thu yêu cầu người sử dụng nước phải nộp?
Lý giải về nội dung trên, theo ông Trịnh Đức Hoàng, Giám đốc Công ty DNP, khoản tiền 2 triệu đồng không phải là tiền mua đồng hồ đo nước mà là thỏa thuận dùng nước giữa DN và người sử dụng. Thực tế ở một số công trình nước sạch có vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy, khi không phải nộp khoản tiền nào, hầu hết hộ dân đăng ký dùng nước sạch nhưng nhiều hộ chỉ "đăng ký cho vui" chứ không sử dụng, gây thiệt hại cho DN. Về phía Công ty DNP, khi thực hiện dự án này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hiện doanh thu vẫn phải bù lỗ rất nhiều.
![]() |
Phiếu thu tiền của Công ty DNP ghi "Thu tiền thỏa thuận sử dụng nước sạch” nhưng người dân lại không được thỏa thuận. |
Tháng 8 vừa qua, đơn vị lắp đặt 2.500 đồng hồ trên toàn huyện Lạng Giang nhưng hiện mới có khoảng 1.600 đồng hồ hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, giảm thiểu thiệt hại, Công ty thỏa thuận dân sự với bên mua, thu 2 triệu đồng coi như cam kết sử dụng nước. Khi được hỏi trường hợp người dân sử dụng nước rồi, DN có hoàn trả lại khoản tiền này không thì ông Hoàng trả lời: "Cái này trong thông báo là không". Vậy, việc thu tiền của Công ty DNP có trái quy định pháp luật?
Khoản 3, Điều 42, Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nêu rõ: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước, bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước.
Đối chiếu quy định này, việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho việc kinh doanh nước là trách nhiệm của DN. Tuy nhiên, để khuyến khích các đơn vị đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, tại Quyết định 131/2009/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.
Khoản 3, Điều 4 nêu rõ: “Các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên doanh liên kết với các DN, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước”.
Về phía tỉnh Bắc Giang, trong quy định ban hành kèm theo Quyết định 747/2016/QĐ-UBND về hỗ trợ đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn nông thôn của tỉnh cũng cho phép các dự án cấp nước sạch được huy động vốn góp từ cộng đồng. Số tiền này có thể hiểu là khoản người dân cho DN vay để đầu tư trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện. Do đó, về nguyên tắc, khi kinh doanh có lãi, DN phải trả lại cho dân trừ khi có thỏa thuận khác.
Đối chiếu với các văn bản pháp luật trên, Công ty DNP huy động đóng góp của hộ dùng nước sạch không sai, nhưng cách thức huy động chưa đúng quy định. Làm việc với lãnh đạo UBND xã Xuân Hương và một số người dân cho thấy, quá trình triển khai, Công ty DNP chưa làm tốt việc thông tin, tuyên truyền, không tổ chức họp lấy ý kiến, thỏa thuận với người dân mà tự ý đặt mức thu buộc các hộ nộp tiền mới được dùng nước. Khi nhiều người dân có ý kiến, UBND xã đã kiểm tra, lập biên bản vụ việc, yêu cầu DN phối hợp với các thôn tích cực tuyên truyền về dự án để người dân hiểu.
Đưa nước sạch về nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là chủ trương đúng đắn, thiết thực. Thực tế việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch ở khu vực nông thôn hầu như chưa có ưu đãi nên khó thu hút DN tham gia. Do đó, cơ chế cho phép DN huy động vốn từ dân để đầu tư là hợp lý nhưng cần công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao trong nhân dân.
Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)