Khắc phục khó khăn trước biến động giá thị trường
Chi phí sinh hoạt, sản xuất tăng
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) có 2 xe máy và một ô tô (dùng đưa đón con đi học là chính và thỉnh thoảng về quê). Trước đây, mỗi tháng xe máy hết khoảng 400 nghìn đồng tiền xăng, ô tô hết khoảng 2 triệu đồng. Nay, với giá xăng gần 27 nghìn đồng/lít, chị nhẩm tính sẽ tốn thêm mỗi tháng khoảng 80 nghìn đồng với xe máy và 500 nghìn đồng đối với ô tô.
![]() |
Dù gặp khó khăn do biến động giá song chủ đầu tư quyết tâm hoàn thành công trình tòa nhà 8 tầng và các hạng mục phụ trợ Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng trong tháng 4/2023. |
Không chỉ có vậy, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thỉnh thoảng chị phải mua một số sản phẩm phục vụ cho việc phòng dịch như: Kit xét nghiệm, C sủi, nước muối sinh lý, dung dịch sát khuẩn, cồn 90 độ... với số tiền vài trăm nghìn/lần.
Chị Lan nói: “Vợ chồng tôi là công chức, thu nhập hàng tháng cố định. Trong khi đó nhiều mặt hàng tăng giá từ ăn uống đến đi lại và phòng bệnh nên mỗi tháng tốn thêm cả triệu đồng. Để tiết kiệm, những hôm trời mưa chồng tôi mới đưa đón con đi học bằng ô tô, còn bình thường đi xe máy”.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng đáng kể do biến động giá cả thị trường, nhất là lĩnh vực xây dựng. Công ty cổ phần Đầu tư 379 đang triển khai xây dựng 8 công trình, trong đó có 3 công trình đơn vị là nhà thầu thi công, gồm: Đường trục chính Tây Nam Á Lữ-Tân Mỹ (TP Bắc Giang), dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 292 (Yên Thế) và đường giao thông thôn Tân Mỹ đi Phấn Sơn, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang).
Ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Hơn 70% chi phí cho công trình xây dựng là vật liệu. Dịch bệnh làm nhiều loại vật liệu xây dựng trong nước tăng giá. Các công trình xây dựng do Công ty làm nhà thầu là hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá ảnh hưởng không nhỏ với đơn vị. Bên cạnh đó, do dịch bệnh nên việc thuê lao động khó khăn, giá nhân công cũng tăng. Đó còn chưa kể chi phí xăng dầu cho phương tiện thi công cơ giới cũng tăng lên...”.
Từ cuối năm 2021 đến nay, xăng dầu đã 6 lần tăng giá liên tiếp. Hiện giá xăng E5 RON 92 đã lên tới 26.070 nghìn đồng/lít; xăng RON 95 lên 26.830 đồng/lít, giá dầu diesel lên 21.310 nghìn đồng/lít. Thép xây dựng và các sản phẩm làm bằng kim loại cũng có biến động về giá.
Giá thép tại các cửa hàng, đại lý trên địa bàn TP Bắc Giang hiện nay khoảng 18,5 triệu đồng/tấn nhưng vận chuyển tới công trình có thể lên tới 19-20 triệu đồng/tấn. Đồng thời, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao làm các sản phẩm phòng, chống dịch tăng giá, thậm chí nhiều thời điểm khan hiếm. Những yếu tố trên đã tác động mạnh tới thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, so với tháng trước, nhóm giao thông tăng mạnh nhất (2,29%); tiếp đó đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,71%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (0,57%). Trong tháng 2 chỉ có nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,23%.
Chủ động ứng phó, hỗ trợ kịp thời
Trước tình hình giá cả thị trường hiện nay, biện pháp ứng phó hiệu quả nhất đối với mỗi gia đình có lẽ là tiết kiệm tối đa chi tiêu, không mua sắm những thứ không thực sự cần thiết.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ trượt giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng cao và hỗ trợ người lao động khi vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất để bảo đảm cuộc sống. |
Khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp xây dựng cũng chủ động khắc phục khó khăn bằng việc cắt giảm tối đa chi phí gián tiếp, đẩy mạnh thi công cơ giới, phát huy sáng kiến, giải pháp thi công tối ưu nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, sớm hoàn thành công trình.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ trượt giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng cao và hỗ trợ người lao động khi vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất để bảo đảm cuộc sống.
Chia sẻ khó khăn với nhà thầu, nhiều chủ đầu tư đã có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Ông Trần Công Tưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang cho biết: Năm nay, đơn vị được giao làm chủ đầu tư hơn 100 công trình xây dựng trên địa bàn huyện.
Trước biến động giá cả thị trường, chúng tôi đã tiến hành ứng vốn sớm để nhà thầu đặt mua vật liệu. Những dự án liên quan tới giải phóng mặt bằng đơn vị phối hợp với các cơ quan của huyện và các xã, thị trấn bàn giao mặt bằng sớm nhất cho đơn vị thi công.
Đẩy nhanh việc thanh toán, quyết toán khi có khối lượng hoặc công trình hoàn thành. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết, cùng với hỗ trợ kịp thời nhà thầu, đơn vị tăng cường giám sát thi công nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Đến nay, trong tổng số 26 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư chưa có công trình nào chậm tiến độ do biến động giá và ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với những giải pháp trên, tin rằng người dân và doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, hạn chế ảnh hưởng do biến động thị trường, giá cả tới đời sống và sản xuất.
Bài, ảnh: Huy Nam
Ý kiến bạn đọc (0)