Xử lý vi phạm đất đai theo Chỉ thị 19: Nơi rốt ráo, chỗ thờ ơ
Buộc trả lại hiện trạng đất
Thực hiện Chỉ thị 19, thời gian qua, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) đã tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời một số trường hợp vi phạm về đất đai, nhất là các hộ vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị.
Theo ông Trịnh Nam Thắng, Chủ tịch UBND xã, qua kiểm tra, xã phát hiện 9 trường hợp vi phạm ở các thôn Việt Thắng Làng, Việt Thắng Núi, Văn Sơn về: Xây dựng tường rào; quây tường rào thép gai chôn cọc bê tông trái phép... Xã đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức lực lượng tháo dỡ công trình vi phạm. Ví như năm ngoái hộ ông Lê Quý Ngọ, thôn Việt Thắng Làng xây dựng công trình phụ trái phép trên đất nông nghiệp. Xã cũng yêu cầu ông Ngọ tháo dỡ công trình trả lại hiện trạng đất, đến nay không tái phạm.
![]() |
Hộ ông Nguyễn Văn Chung, xã Cao Xá (Tân Yên) tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp. |
Xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm để xử lý, đồng thời phân công cán bộ chuyên môn mỗi ngày 2 lần trực tiếp kiểm tra thực địa, kể cả ngày nghỉ. Nhờ đó, hơn một năm qua, địa phương đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý gần 10 trường hợp vi phạm từ khi manh nha.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, toàn huyện có 1.489 trường hợp vi phạm về đất đai với diện tích hơn 180 ha. Huyện đã phân loại, thiết lập hồ sơ để xử lý từng trường hợp; phấn đấu năm 2022 cơ bản xử lý xong các vi phạm liên quan đến đất đai. Riêng 93 trường hợp vi phạm phát sinh sau khi Chỉ thị ban hành, địa phương chỉ đạo các xã, thị trấn cơ bản tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất.
TP Bắc Giang có hơn 1 nghìn trường hợp vi phạm với tổng diện tích hơn 26 ha, chủ yếu là chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm; chuyển đất nông nghiệp, đất vườn sang đất ở. TP Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm theo Chỉ thị số 19, thành lập Ban Chỉ đạo; kiện toàn tổ công tác kiểm tra đôn đốc xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Đến nay các phường, xã đã xử lý xong gần 800 trường hợp vi phạm; nhiều trường hợp đã khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình.
Được biết, trong tỉnh có một số địa phương đã tích cực xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm như: Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên và TP Bắc Giang. Qua đó xử phạt 1.453 trường hợp với số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.
Nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt
Được biết, ngày 8/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 120-KL/TU về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19. Theo đó, cấp ủy, chính quyền quán triệt thống nhất quan điểm công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện Chỉ thị.
Mọi trường hợp vi phạm về đất đai sau ngày Chỉ thị ban hành được coi là hành vi cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm; xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Mục tiêu năm 2021, toàn tỉnh xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị; năm 2022 cơ bản xử lý xong các vi phạm đã thống kê.
Toàn tỉnh mới xử lý 202/559 trường hợp vi phạm về đất đai sau thời điểm ban hành Chỉ thị, đạt tỷ lệ 36,6%. Số trường hợp vi phạm phát sinh song chưa được xử lý dứt điểm tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Lục Nam, Tân Yên. |
Mục tiêu là vậy song đến nay, tiến độ xử lý vi phạm về đất đai còn chậm, các địa phương chủ yếu vẫn dừng lại ở việc thống kê, rà soát số liệu, kết quả xử lý chưa cao.
Qua kiểm tra, toàn tỉnh có 72,8 nghìn trường hợp vi phạm về đất đai, tổng diện tích hơn 10,6 nghìn ha, lỗi chủ yếu là: Tự ý chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cây lâm nghiệp, đào ao, hồ nuôi trồng thủy sản… Trong đó, hàng chục nghìn trường hợp vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị chưa được xử lý. Lo ngại hơn, vi phạm phát sinh sau thời điểm ban hành Chỉ thị này tại một số nơi chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Toàn tỉnh mới xử lý xong 202/559 trường hợp vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị, đạt tỷ lệ 36,6%. Ví như hộ ông Nguyễn Văn Chung, thôn Xuân Tân 1, xã Cao Xá (Tân Yên), năm 2020 tự ý xây nhà xưởng trái phép quy mô lớn trên đất lúa giáp ranh với đường giao thông nông thôn để tập kết nông sản như ớt, lạc… Tháng 7 năm ngoái, huyện xử phạt ông Chung và buộc khắc phục hậu quả sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Thế nhưng đến nay, nhà xưởng vẫn chưa được tháo dỡ.
Nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do cấp ủy, chính quyền sở tại chưa thực sự quan tâm, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Công tác xử lý vi phạm chưa kiên quyết, dứt điểm, để tổ chức, cá nhân vi phạm nộp phạt xong vẫn tái diễn.
Trước thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 13/12/2021 về việc chấn chỉnh một số nội dung trong công tác quản lý đất đai. Trong đó yêu cầu Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập tập trung đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19, Kết luận 120 của BTV Tỉnh ủy.
Cùng đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh thiết lập hồ sơ khởi tố một số vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai có tính chất hệ thống, dấu hiệu tội phạm để răn đe. Được biết, Đoàn Giám sát của BTV Tỉnh ủy đang tiếp tục giám sát chuyên đề về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đối với các địa phương.
Ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Sở đề nghị các huyện, TP xây dựng phương án, xử lý đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể; kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm song không xử lý dứt điểm đối với trường hợp phát sinh sau ngày ban hành Chỉ thị 19; kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm còn lại.
Bài, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)