Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nấm: Ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí đầu vào
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và phát triển đa ngành Hưng Vượng, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) mỗi năm sản xuất từ 300-500 tấn nguyên liệu nấm, cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn nấm thương phẩm các loại như: Sò, mộc nhĩ, linh chi, rơm, mỡ… doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Hoạt động của HTX tạo việc làm cho lao động tại chỗ, trong đó chủ yếu là người trung tuổi và tăng thu nhập cho nông dân.
![]() |
Thu hoạch nấm đùi gà tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương, xã Quang Châu (Việt Yên). |
Dù vậy, khảo sát thực tế tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, nấm kim châm, đùi gà hay ngọc châm (thuộc dòng nấm cao cấp phải sản xuất trong điều kiện khắt khe) giá bán chỉ khoảng 40 nghìn đồng/kg, bằng một nửa so với nấm tại các cơ sở sản xuất tại tỉnh. Chị Nguyễn Thị Oanh, cán bộ Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát tại chợ Long Biên (Hà Nội), loại nấm như của Công ty đóng trong bao bì không rõ nguồn gốc chỉ 20-30 nghìn đồng/kg. Nếu Công ty bán ở giá này thì lỗ nặng”. Theo chị Oanh, các loại nấm này đều được mang về từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, để được lâu trong điều kiện bình thường mà không bị hỏng.
Phải tốn công vận chuyển, đóng gói bảo quản và qua nhiều khâu trung gian vậy mà giá nấm đến tay người tiêu dùng chỉ bằng một nửa hay 1/3 so với nấm tại địa bàn. Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) lý giải, giá nấm tại thị trường, nhất là nấm có nguồn gốc Trung Quốc rẻ là do công nghệ của họ hiện đại; bên đó điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất nấm nên năng suất rất cao. Còn ở Việt Nam nói chung cũng như Bắc Giang nói riêng, sản xuất các loại nấm, nhất là nấm cao cấp phải đầu tư hạ tầng, kinh phí cao. Cùng đó, việc kiểm soát sâu bệnh trên nấm chưa tốt. Đa phần giống nấm chưa chủ động được, phải nhập từ nước ngoài về nuôi cấy khiến chất lượng đôi khi không ổn định, năng suất thấp. Những yếu tố này đã đẩy giá thành nấm trong nước tăng cao.
![]() Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nấm, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất hỗ trợ các mô hình sản xuất nấm phù hợp, ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ cao; mô hình chế biến nấm thành các sản phẩm dựa trên cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành về hỗ trợ chuỗi liên kết; HTX và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”. Ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật |
Để khắc phục điều này, HTX Nông nghiệp và phát triển đa ngành Hưng Vượng đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng giúp HTX mở rộng quy mô, có điều kiện ứng dụng phương tiện, thiết bị hiện đại trong các khâu đóng gói, sơ chế, bảo quản… nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Cùng đó, một số cơ sở sản xuất nấm trong tỉnh đã liên kết với đơn vị nghiên cứu đầu tư công nghệ sấy nấm, làm giò nấm và chế biến mặt hàng ăn chay từ nấm, góp phần đa dạng, nâng sức cạnh tranh, giá trị của sản phẩm.
Nắm bắt rõ những bất cập, kiến nghị cũng như lợi thế về sản xuất nấm tại tỉnh, ông Vũ Trí Đồng cho biết, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nấm, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất hỗ trợ các mô hình sản xuất nấm phù hợp, ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ cao; mô hình chế biến nấm thành các sản phẩm dựa trên cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành về hỗ trợ chuỗi liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Thực tế, nghề trồng nấm xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ hàng chục năm qua và đến nay trụ lại làm nấm đều là những người tâm huyết với nghề. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất việc hỗ trợ hạ tầng hay thiết bị phải tập trung vào những mô hình sản xuất tập trung và chủ mô hình phải thực sự coi sản xuất nấm là một nghề “sinh nhai” mới phát triển bền vững được. Một yếu tố nữa cần quan tâm là, những ai đã thưởng thức món nấm tươi của các cơ sở trên địa bàn và nấm mua không rõ nguồn gốc sẽ có cảm nhận khác biệt. Do không phải bảo quản lâu ngày, nấm tươi của tỉnh đều có vị ngọt, đậm còn nấm trôi nổi vị nhạt.
Bởi lẽ, nấm có nhiều dinh dưỡng nên để lâu thường mất đi, chưa kể chất bảo quản còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Một số nhà khoa học cũng cảnh báo, nấm dược liệu như: Linh chi, đông trùng hạ thảo… có thể đã được chiết xuất hết tinh chất, khi đến người sử dụng chỉ còn bã nấm. Vì vậy, người tiêu dùng cần tìm mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý, nắm bắt hàng hóa không rõ nguồn gốc để có hướng xử lý, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như người sản xuất nấm.
Ý kiến bạn đọc (0)