Hoạt động sản xuất gạch ngói nung: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thất thoát tài nguyên
Tiện đâu lấy đấy
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến tháng 4 năm nay toàn tỉnh có 39 lò gạch tuynel đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 1,26 tỷ viên/năm. Những lò này mỗi năm sử dụng 1,4 triệu m3 đất sét, đất đồi để sản xuất gạch cung ứng cho thị trường.
![]() |
Nhà máy gạch Bình Sơn, thôn Kẹm, xã Minh Đức (Việt Yên) là một trong những cơ sở sản xuất gạch trong tỉnh chưa có vùng nguyên liệu nhiều năm nay. |
Thế nhưng thời điểm này, trong số các lò gạch trên địa bàn tỉnh mới có 3 DN được cấp phép vùng nguyên liệu, đó là Nhà máy gạch ngói Tân Xuyên (Lạng Giang), Nhà máy gạch Bích Sơn (Việt Yên) và Công ty cổ phần Cầu Sen (Lục Nam). 14 cơ sở được UBND tỉnh chấp thuận cho thăm dò, khai thác khoáng sản đất làm gạch.
Số DN còn lại chưa xin cấp phép khai thác mỏ đất phục vụ sản xuất, chủ yếu mua gom từ các tổ chức, hộ dân khi thực hiện dự án nạo vét ao hồ nuôi thủy sản, hạ cốt nền hoặc của các đối tượng khai thác trái phép. Thậm chí có nhà máy lấy đất sét tại chỗ làm nguyên liệu.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, trong thời gian dài, Công ty TNHH Gạch Thanh Nhàn, thôn Đồng Công, xã Vũ Xá (Lục Nam) mỗi năm sản xuất 15 triệu viên gạch với lượng đất nguyên liệu hơn 7,5 nghìn m3 đất. Do chưa xin cấp phép vùng nguyên liệu nên đơn vị này đã tự ý khai thác đất sét trong khu vực đất của dự án để sản xuất gạch.
Điều này dẫn đến lượng khoáng sản trên bị thất thoát do DN không hoàn thiện thủ tục xin cấp phép, không nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Công ty cổ phần Thiên Phú, thôn Đồng Dinh, xã Tiên Nha (Lục Nam) hoạt động từ cuối năm 2015 với công suất 25 triệu viên/năm. DN này hiện chưa có mỏ nguyên liệu mà lấy đất tại khu đồi thực hiện dự án làm nguyên liệu sản xuất. Ông Đỗ Ngọc Minh, Giám đốc Công ty cho biết, tính đến thời điểm này, DN đã khai thác tại chỗ hơn 10 nghìn m3 đất san lấp trong khu vực dự án để làm gạch, còn lại mua từ nhiều cơ sở khác.
Công ty TNHH Nam Cường SĐ, trụ sở ở thôn Sầy và Chủa, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) đi vào hoạt động từ năm 2014, mỗi năm sản xuất từ 4 đến 5 triệu viên gạch nhưng hiện DN này vẫn chưa có mỏ nguyên liệu được cấp phép. Gần 4 năm qua, Công ty sử dụng máy móc, phương tiện khai thác đất sét trong khu vực xây dựng nhà máy để làm nguyên liệu sản xuất. Tổng lượng đất đã lấy làm gạch hàng chục nghìn m3.
Tình trạng trên còn xảy ra ở một số nhà máy gạch trên địa bàn huyện Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang. Kết quả kiểm tra của Sở TN&MT cho thấy, hầu hết các nhà máy đều không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu và chưa nộp đủ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền đối với đất nguyên liệu sử dụng nhiều năm qua.
Không để thất thoát khoáng sản
Năm 2012, tỉnh phê duyệt quy hoạch 68 khu vực sét trên địa bàn tỉnh để đưa vào khai thác phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy gạch trong tỉnh đến năm 2020. Quy hoạch đã có nhưng số nhà máy xin cấp phép mỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sở dĩ có tình trạng trên là do chủ các DN sản xuất gạch không muốn đầu tư thuê đơn vị thăm dò trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, nộp thuế, phí, tiền cấp quyền để xin cấp phép khai thác mỏ. Bởi vậy, nhiều chủ lò gạch chọn phương án “ăn sổi”, mua nguyên liệu trôi nổi giá rẻ hơn hoặc tự ý “đánh cắp” tài nguyên trong khu vực đất dự án cấp để hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Tấn Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) cho rằng việc các DN không xin cấp phép vùng nguyên liệu, tùy tiện lấy đất tại khu vực dự án hoặc mua trôi nổi của các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép đã làm thất thoát đáng kể tài nguyên, thất thu cho ngân sách. |
Lý giải cho hành vi khai thác đất trong khu vực dự án, ông Nguyễn Phú Túng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Cường SĐ (Sơn Động) cho rằng, do khó khăn về kinh phí nên DN chỉ tập trung cải tạo lò, chưa thể bố trí ngay kinh phí hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép vùng nguyên liệu.
Nói là vậy song theo quy định, trước khi đi vào hoạt động, các cơ sở sản xuất phải xác định được vùng nguyên liệu hợp pháp hoặc xin cấp phép mỏ. Nhiều chủ lò khác cũng lý giải tương tự. Ngoài nguyên nhân trên, chính quyền địa phương là UBND cấp huyện, lực lượng công an, ngành thuế, Sở TN&MT chưa rốt ráo kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.
Tình trạng trên dù đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng đề cập, đôn đốc nhiều lần song đến nay kết quả vẫn đạt thấp. Nhiều ý kiến đề nghị UBND các huyện, TP, Sở TN&MT, ngành thuế, công an cần tổ chức kiểm tra toàn diện các lò gạch đang hoạt động, khẩn trương chấn chỉnh, xử phạt nghiêm để răn đe, chấm dứt vi phạm.
Đồng thời yêu cầu các chủ lò hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép theo quy định hoặc chứng minh rõ nguồn nguyên liệu. Chủ lò nào cố tình vi phạm, Sở TN&MT, Công an tỉnh xem xét tham mưu với UBND tỉnh đình chỉ hoạt động đối với các nhà máy gạch vi phạm nhiều lần.
Mới đây, Sở TN&MT giao cho cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn 14 chủ lò hoàn thiện hồ sơ xin thăm dò, khai thác để xin cấp phép vùng nguyên liệu, trong đó có 3 hồ sơ đã được chấp thuận thăm dò.
Ý kiến bạn đọc (0)