Sớm xác định nguyên nhân bạch đàn bị bệnh
Hàng trăm ha bạch đàn bị bệnh
Điểm đầu tiên đoàn đến khảo sát là đồi bạch đàn tại thôn Bãi Gianh, xã Đồng Hưu (Yên Thế). Đây là diện tích rừng trồng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế. Dù đã trồng được hơn 6 năm song rừng không phát triển bình thường, nhiều cây thân nhỏ.
Ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Công ty cho biết: “Đây là giống bạch đàn Cự Vỹ, là một trong những giống cho năng suất cao. Tuy nhiên, một phần lá của cây bị khô sẽ khiến năng suất gỗ giảm, ước chỉ đạt khoảng 100 m3 gỗ, bằng 50% so với định mức”.
![]() |
Một khu rừng bạch đàn bị bệnh khô lá tại thôn Đống Cao, xã Canh Nậu.(Yên Thế). |
Tại thôn Đống Cao, xã Canh Nậu (Yên Thế), gia đình chị Nguyễn Thị An có 5 ha bạch đàn trồng hơn một năm tuổi bị khô lá từ gốc lên đến gần ngọn. Chị An chia sẻ, cây đang lên thẳng tắp thì gần đây trút lá hàng loạt làm tôi không khỏi lo lắng. Trồng rừng đến nay gần 20 năm, thu nhiều lứa nhưng chị An chưa bao giờ gặp hiện tượng này.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay toàn tỉnh có hơn 300 ha bạch đàn bị bệnh tập trung ở các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động. Bệnh khô lá bạch đàn xuất hiện rải rác từ vài năm trước nhưng ảnh hưởng đến sinh trưởng của rừng trồng không rõ rệt. Cây bị bệnh sinh trưởng, phát triển kém, năng suất gỗ giảm. Khi cây không quang hợp được sẽ héo khô, dẫn đến chết dần.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay toàn tỉnh có hơn 300 ha bạch đàn bị bệnh tập trung ở Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động. Cây bị bệnh sinh trưởng, phát triển kém, năng suất gỗ giảm. Khi cây không quang hợp được sẽ héo khô, dẫn đến chết dần. |
Ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Triệu chứng của bệnh là ban đầu xuất hiện ở những lá già, các cành dưới tán, lá vàng có những chấm tím, chấm đen, sau đó khô quăn lại lan dần lên các cành phía trên ngọn. Những cây biểu hiện nặng, tán lá khô gần như hoàn toàn, chỉ còn một số lá tươi trên đầu cành. Trông xa, rừng như mới bị cháy. Một số lô, trên thân cây xuất hiện những nốt sần hình tròn, đường kính 1-2 cm”.
Kiểm soát chặt nguồn giống
Được biết, các giống bạch đàn bị nhiễm bệnh chủ yếu thuộc dòng: PN14, UP99, PNCT3. Lô rừng bị nhiễm bệnh thuộc các đối tượng như: Đất đã trồng 2 - 3 chu kỳ, đất vừa cải tạo cây bụi. Sau khi khảo sát thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, bệnh trên bạch đàn là do một loại nấm gây ra.
Kỹ sư Nguyễn Minh Chí, Trung tâm nghiên cứu bảo vệ rừng (Viện Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin bệnh xuất hiện trên cây bạch đàn tại Bắc Giang, chúng tôi đã về lấy mẫu lá và phân tích. Trước mắt phát hiện ra một số chủng nấm gây bệnh nhưng đang thực nghiệm tiếp, khoảng một tuần nữa mới có kết luận chính thức”.
Theo giảng viên Nguyễn Thành Tuấn, Trường Đại học Lâm nghiệp, nhiều năm gắn bó nghiên cứu về công tác bảo vệ thực vật, chúng tôi đã phát hiện ra khoảng 10 loại bệnh thường gây hại trên cây lâm nghiệp. Qua thăm một số diện tích rừng, bước đầu tôi cho rằng bạch đàn có thể mắc bệnh gỉ sắt. Cũng có thể là bệnh hại xuất hiện từ thân, cành hay từ đất.
![]() |
Các đại biểu thăm rừng bạch đàn bị bệnh của bà Nguyễn Thị An, thôn Đống Cao, xã Canh Nậu. |
Tuy nhiên cần nghiên cứu, theo dõi thêm mới có thể đánh giá chính xác được nguyên nhân, cơ chế gây bệnh. Giảng viên Tuấn cũng cho rằng, với diện tích nhiễm bệnh 300 ha, so với các địa phương khác thì Bắc Giang chưa phải là tỉnh có mức độ nhiễm lớn. Tuy nhiên, không được chủ quan, phải nhanh chóng có giải pháp khắc phục ngay.
Đồng tình với các ý kiến phát biểu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng nhấn mạnh, để hạn chế bệnh phát sinh, phát triển, cần thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, Sở giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn cụ thể cho người dân thu hoạch đối với diện tích rừng bị nhiễm bệnh đã đến kỳ khai thác, chặt bỏ cây chết.
Rừng bị nhiễm nhẹ cần tỉa cành, chăm sóc để cây có khả năng hồi phục. Đối với diện tích rừng trồng mới phải quan tâm xử lý giống; xử lý đất trước khi trồng, chú trọng quy trình chăm sóc. Về lâu dài, nghiên cứu, điều tra mức độ gây hại của bệnh trên bạch đàn và có hướng phòng trừ.
Đi đôi với biện pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm xác định nguyên nhân của bệnh để cảnh báo, khuyến cáo rộng rãi, tránh tình trạng gây hoang mang về tình hình bệnh hại trong người dân; kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ cây giống, hạn chế giống trôi nổi lưu thông.
Bà Dương Thị Ngà, Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) PHÍA Bắc (Cục BVTV) Không bón đạm đơn cho cây bị bệnh
Bạch đàn là giống nuôi thân, ở một giai đoạn nhất định sẽ trút lá gốc, cành tăm, hương để tập trung dinh dưỡng phát triển. Tuy nhiên, với một số vườn bạch đàn tôi đến thăm tại Yên Thế thì có vườn nhiễm bệnh không nặng. Vì vậy, đối với diện tích này, bà con nên tỉa bỏ cành vô hiệu, thu dọn tàn dư thực vật, lá khô đến địa điểm khác để đốt diệt mầm bệnh; đồng thời chăm sóc để cây hồi phục. Tuy nhiên, bà con không được bón đạm đơn cho bạch đàn mà cần sử dụng NPK tổng hợp, cân đối. Nếu dùng đạm đơn ở giai đoạn này sẽ rất nguy hiểm, làm bệnh tăng nặng, thất thu rừng. Đối với diện tích cây rừng đang nhiễm bệnh, có thể nghiên cứu sử dụng một số thuốc đặc hiệu diệt trừ nấm đối kháng để chữa trị. Ông Đỗ Hữu Sơn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Thay thế dần giống PN14
Thời gian qua, chúng tôi đã thăm nhiều vùng trồng rừng ở khắp cả nước. Qua đó, nhận thấy giống bạch đàn PN14 bị bệnh khô lá nặng. Một số diện tích bạch đàn giáp ranh với giống PN14 thường bị lây bệnh. Có khoảnh rừng từng trồng PN14, sau khi thu hoạch xong trồng bằng giống khác cũng bị nhiễm bệnh. Do đó, Bắc Giang cần có giải pháp thay thế dần giống PN14 bằng các giống chống chịu tốt hơn với sâu bệnh. Để hạn chế bệnh, cần khuyến cáo người dân nên trồng luân canh, có thể luân canh với keo; trồng nhiều dòng với diện tích rừng lớn nhằm đa dạng tính di truyền. Như vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ thiệt hại kinh tế. |
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)