Khơi thông nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
![]() |
Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. |
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ngay khi được ban hành, Nghị quyết 113 đã được Tỉnh ủy và các cấp, ngành, cơ quan, Ủy ban MTTQ, đoàn thể chính trị, xã hội quán triệt, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, hội viên từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết.
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 113 cùng ba đề án, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông (HTGT), đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị với lộ trình, nguồn lực đầu tư cụ thể. Đối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, Sở tham mưu chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng và công bố dự án ưu tiên thực hiện và dự án mời gọi đầu tư. Các huyện ủy, thành ủy; UBND các huyện, TP chủ động xây dựng đề án, kế hoạch đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, UBND huyện đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành kế hoạch thực hiện từng năm, ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng cùng các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp rà soát, thống kê, xác định quy mô xây dựng các công trình giao thông, ưu tiên dự án phù hợp với nhu cầu ở cơ sở. Phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ, thẩm định nguồn đối ứng từ cơ sở. Các đơn vị, xã bám sát hướng dẫn của Sở Xây dựng, Sở GTVT về áp dụng thiết kế mẫu điển hình trong làm đường giao thông nông thôn (GTNT). Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân tham gia hiến đất, tài sản, góp tiền, ngày công, ca máy cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường.
Từ việc cụ thể hóa Nghị quyết 113 bằng các giải pháp cụ thể, nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm đã được đầu tư, xây dựng như: Dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được triển khai từ năm 2016 nhằm kết nối quốc lộ 31 với quốc lộ 17 và các khu công nghiệp: Song Khê - Nội Hoàng (Yên Dũng), Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu (Việt Yên), tạo tiền đề phát triển các khu dân cư, đô thị trong Khu đô thị phía Nam (TP Bắc Giang). Ông Trần Xuân Đông, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch, trong đó cơ bản xong đường dẫn nối từ quốc lộ 17 đến cầu với chiều dài 3 km; đang đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Đồng Sơn, cầu Văn Sơn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) và đường dẫn từ quốc lộ 31 lên cầu. Dự kiến, công trình hợp long vào dịp Quốc khánh 2-9 tới, thông tuyến vào tháng 10. Từ khi triển khai Nghị quyết 113 đến nay, đã có khoảng 10 công trình giao thông lớn, trọng điểm được thực hiện như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 295 đoạn thị trấn Vôi đi cầu Bến Tuần (Lạng Giang); dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khởi động lại theo hình thức BOT đạt khoảng 60% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Hay như, Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293 đoạn từ thị trấn Thanh Sơn đi xã Long Sơn (Sơn Động) đang có bước tiến dài trong thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. UBND các huyện: Việt Yên, Hiệp Hòa đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo điều kiện thi công dự án xây dựng đường vành đai IV Hà Nội, đoạn qua địa bàn tỉnh…
![]() |
Người dân xã Xương Lâm (Lạng Giang) cứng hóa đường giao thông nông thôn. |
Bước đột phá cứng hóa đường nông thôn
Xuất phát từ thực tế triển khai, thực hiện Nghị quyết số 113, UBND tỉnh đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07/2017/NQ-HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cứng hóa đường thôn, liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn. Với cơ chế ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% xi măng, người dân góp công, tiền mua vật liệu đã tạo phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Đơn cử, từ năm 2017 đến nay, gần 100 hộ dân thôn Kép, xã Việt Tiến (Việt Yên) đã góp tiền, ngày công cứng hóa khoảng 3 km đường giao thông. Toàn xã cứng hóa gần 10 km trục thôn, ngõ xóm. Cùng cách làm trên, huyện Việt Yên đã bê tông hóa gần 25 km, trong đó người dân góp hơn 10,7 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% chi phí làm đường. Được UBND tỉnh hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng (100% xi măng), huyện bố trí hơn 1 tỷ đồng tiền vận chuyển vật liệu từ nhà máy đến công trình; ngân sách xã huy động gần 5,2 tỷ đồng mua vật liệu.
Xác định Nghị quyết 07 là cơ hội đột phá để hoàn thiện hạ tầng GTNT, Huyện ủy, UBND huyện Lạng Giang cũng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã rà soát; các thôn, nhóm hộ họp bàn đăng ký thực hiện. Theo ông Hoàng Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, sau khi tiếp nhận đăng ký của người dân, đơn vị và UBND các xã phối hợp kiểm tra, chấp thuận cho thực hiện theo đúng các quy định. Do làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã góp sức, đồng lòng hiến đất, góp tiền cứng hóa hơn 50 km đường nông thôn, giúp lưu thông thuận lợi, hoàn thiện tiêu chí trong xây dựng NTM.
Thống kê của Sở GTVT, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ khoảng 100 nghìn tấn xi măng, giúp người dân cứng hóa hơn 400 km đường liên thôn, trục thôn, nội đồng gắn với giao thông liên thôn; mở rộng mặt đường tối thiểu từ 3,5 m trở lên. Một số huyện đạt kết quả cao như: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng… Nhờ cơ chế hỗ trợ của tỉnh và nguồn lực xã hội hóa, GTNT ở nhiều miền quê “khoác áo mới”, giúp bà con lưu thông thuận tiện, thúc đẩy phát triển KT-XH. Phong trào cứng hóa đường làng, ngõ xóm cũng được đông đảo người dân tham gia. Ví như, người dân thôn Hạ Làng, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) đóng góp 12 triệu đồng/hộ; hộ ông Trần Công Sáu, thôn Cẩm Vân, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) ủng hộ 725 triệu đồng cứng hóa đường nông thôn. Hàng trăm hộ tự nguyện tháo dỡ công trình, nhường đất mở rộng, bê tông hóa đường làng.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh bố trí hơn 1,7 nghìn tỷ đồng từ ngân sách thực hiện các công trình giao thông; thu hút hơn 11,8 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa thực hiện dự án BOT, BT. Nhờ đó, hơn 36% chiều dài quốc lộ; 52% đường tỉnh mặt rộng từ 8 m trở lên; 100% đường huyện, gần 64% đường xã và gần 59% đường thôn, xóm được cứng hóa. |
Mặc dù việc thực hiện nghị quyết về phát triển kết cấu HTGT đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực nâng cấp giao thông nhưng vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để Nghị quyết 113 phát huy hiệu quả hơn nữa. Một số tuyến quốc lộ, đường tỉnh và GTNT có chiều dài lớn trong khi nguồn ngân sách dành cho nâng cấp, mở rộng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chất lượng, quy mô mặt đường nhiều nơi không bảo đảm, chưa được quan tâm bố trí nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng kịp thời; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hành lang giao thông còn phổ biến… Nhiều người dân và một số huyện, xã phản ánh, đơn vị cung cấp xi măng làm đường GTNT là Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang thường xuyên chậm cung ứng, còn có tình trạng xi măng kém chất lượng ảnh hưởng lớn đến phong trào cứng hóa đường.
Nhằm khắc phục hạn chế, tiếp tục phát huy các nguồn lực hoàn thiện HTGT, thời gian tới, các cấp, ngành đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận trong nhân dân để tất cả công trình cứng hóa GTNT không phải GPMB. Các sở: Xây dựng, GTVT tích cực vào cuộc kiểm tra chất lượng các công trình, đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế đấu thầu, lựa chọn thêm đơn vị cung ứng, bảo đảm số lượng, chất lượng xi măng làm đường. Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn hoàn thành các dự án trọng điểm như: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 17, 37, đường tỉnh 293, 295, đường vành đai IV Hà Nội… Tiếp tục thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư các dự án BT, BOT làm đường tỉnh 289 kéo dài (Lục Ngạn) và một số tuyến đường tại thị trấn Vôi, Kép (Lạng Giang), Neo (Yên Dũng), Đồi Ngô (Lục Nam). UBND các huyện, TP tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cứng hóa đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh và hoàn thành trước kế hoạch vào năm 2019.
Bảo Khánh - Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)