Sản xuất nông nghiệp: Lơ là vệ sinh an toàn lao động
![]() |
Nông dân xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc BVTV. |
Sơ sểnh… bị thương
Mỗi khi nhắc đến vụ tai nạn xảy ra khi làm đất cấy lúa mùa vào mấy tháng nay, anh Nguyễn Văn Mùi, thôn Khả, xã Vân Sơn (Sơn Động) vẫn không khỏi rùng mình. Anh Mùi kể, thời điểm đó mưa xuống rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, đang trong khung thời vụ nên bà con cần gieo cấy gấp. Vì vậy, anh dậy từ sáng sớm lái máy làm đất ra đồng. Đáng lẽ phải ngồi lên ghế thì anh lại lội chân trần xuống ruộng điều khiển máy. Khi lùi lại, anh không kịp nhấc chân trong khi phương tiện cứ tiến gần về phía mình. Thế là bánh răng của máy nghiến vào bàn chân làm anh đau điếng, mất nhiều máu. Rất may có người hỗ trợ, đưa anh đi cấp cứu và điều trị kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Anh Mùi chia sẻ: “Đến nay, chân bị thương để lại vết sẹo to, đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời. Sau sự cố đó, tôi không còn gánh vác được công việc như trước nữa”.
Không bị thương nặng nhưng ông Thân Văn Tài, thôn 3, xã Hương Lạc (Lạng Giang) nhớ mãi cảm giác của ngày đi phun thuốc trừ sâu vừa qua. Không đeo khẩu trang, kính hay mặc áo mưa, hòa thuốc xong, thấy thuốc không có mùi nặng như một số lần trước, nghi ngờ mua phải hàng giả nên ông lắc bình và ngửi thử. Chỉ sau vài phút, ông bị choáng váng, hoa mắt, chân tay bủn rủn phải ngồi im một chỗ. Nghĩ lại, người đàn ông này thấy mình thật dại.
Theo Bộ luật Lao động thì từ ngày 1-7-2016, các huyện, TP mới thống kê các trường hợp tai nạn xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp và công bố kết quả vào đầu năm 2017 nên hiện nay chưa có số liệu đầy đủ về nội dung này. Tuy nhiên, số vụ tai nạn trong nông nghiệp luôn ở mức cao, thường xảy ra khi vận hành máy tuốt lúa, thái rau, dẫm phải vật sắc nhọn; thu hoạch cây ăn quả, cây lâm nghiệp; nhiễm độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng cách; bị thương lúc chăm sóc vật nuôi. Điển hình tại xã Xuân Hương (Lạng Giang) có người ngã tử vong do trèo rút rơm cho trâu ăn; nhiều người bị thương nặng do lợn cắn trong lúc đang tiêm phòng.
Khắc phục tâm lý chủ quan
Khi sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, nông dân cần trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động tối thiểu như quần áo dài tay, khẩu trang, găng tay, kính bảo hiểm, mang ủng hoặc giày nhựa. Kiểm tra bình bơm trước khi phun, không sử dụng bình bị rò rỉ. Dùng dụng cụ riêng để xé, mở thuốc, cần phun xuôi theo hướng gió. |
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, dù được cảnh báo song nông dân vẫn xem nhẹ yếu tố an toàn lao động. Cùng với đó, tình trạng đổ rác thải trộm xuống kênh, mương diễn ra phổ biến khiến rủi ro trên đồng ruộng gia tăng. Riêng máy nông cụ, người dân thường sử dụng theo kiểu người này bắt chước người kia mà không được hướng dẫn bài bản; không đọc và hiểu rõ về các thông số kỹ thuật. Khi khai thác cây lâm nghiệp đa phần người dân không chuẩn bị đầy đủ phương tiện như: Dây thừng, máy móc nên đã dẫn đến một số trường hợp đổ cây vào người.
Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Trong quá trình tập huấn kỹ thuật sản xuất, đơn vị thường kết hợp tuyên truyền về phương pháp sử dụng thuốc BVTV đúng cách để tránh bị ngộ độc. Nhưng thực tế, không ít nông dân bỏ qua khuyến cáo”.
Mục sở thị cánh đồng chuyên canh rau màu của thôn Nhất, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) vào ngày 10-11 cho thấy nhiều nông dân đang phun thuốc BVTV ngược chiều gió không mặc bảo hộ lao động. Tại đây, ông Nguyễn Văn Kim còn lấy tay không xé, đổ thuốc vào bình bơm, không đeo khẩu trang hay mặc áo mưa trong khi mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc. Ông Kim thản nhiên nói: “Cũng mang theo găng tay, khẩu trang nhưng tôi để ở đầu bờ vì đeo vào thấy vướng lắm”.
Ngoài đồng ruộng, sản xuất nấm trong nhà, lán hiện nay sử dụng rất nhiều mùn cưa, bông phế thải song những người trực tiếp đóng nguyên liệu cũng không có biện pháp ngăn ngừa bụi bặm.
Theo cơ quan chuyên môn, người hít phải bụi thường xuyên sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp. Nhiễm độc thuốc BVTV sẽ để lại di chứng như: Rối loạn thần kinh, mất ngủ, trí nhớ kém, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể. Phụ nữ dễ bị các tai biến sinh sản, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em.
Trước thực trạng trên, để giảm thiểu tai nạn, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình sản xuất nông nghiệp, cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở cần thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ, tình huống xấu có thể xảy ra để người dân thấy được, từ đó có trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về: Quy trình vận hành máy nông cụ; sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp “4 đúng”. Đi đôi với biện pháp trên cần phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đổ rác thải xuống kênh mương, ruộng đồng. Bởi lẽ trong rác có chứa nhiều vật dụng sắc nhọn, chất độc hại gây nguy hiểm cho người làm ruộng.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)