Nghiên cứu khoa học trong ngành y tế: Nhiều đề tài ứng dụng hiệu quả
Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến
Sau gần hai năm nghiên cứu, mới đây, nhóm bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu nồng độ của Brain Natriuretic Peptid (BNP) huyết tương ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối thận nhân tạo chu kỳ”.
Theo đó, khi chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng suy tim, các chuyên gia không chỉ dựa vào kết quả siêu âm tim như từng làm trước đây mà thực hiện qua xét nghiệm máu với việc xác định nồng độ BNP (chất chỉ điểm sinh học để chẩn đoán suy tim).
![]() |
Các y, bác sĩ Khoa Nội thận, tiết niệu, lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) theo dõi sức khỏe bệnh nhân. |
Bác sĩ Nghiêm Tam Dương, đại diện nhóm tác giả cho biết: Khi bệnh nhân vào viện trong trạng thái khó thở, người ta rất dễ chẩn đoán với các bệnh lý khác như hô hấp, viêm phổi, suy thận do quá tải dịch.
“Bằng phương pháp này, các bác sĩ đưa ra kết quả chính xác trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh nhân suy tim. Hiện nay, cả nước có rất ít bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng thành công phương pháp này”, bác sĩ Dương nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Như Phố, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, ngoài đề tài trên, năm 2018, đơn vị còn có 20 đề tài cấp cơ sở được công nhận, các đề tài được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh, bác sĩ Lê Công Tước đã nghiên cứu phương pháp chỉ định, điều trị phẫu thuật nội soi cắt tử cung. Trước kia, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tử cung để bóc nhân sơ có trọng lượng lớn (0,8- 1kg) ở vị trí khó, các bác sĩ của Bệnh viện (kể cả một số bệnh viện tuyến T.Ư) đều phải mổ mở. Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới, bệnh nhân được mổ nội soi, giảm chi phí cho gia đình và bảo đảm an toàn sức khỏe người bệnh.
Tổng hợp chung, ba năm gần đây, mỗi năm, toàn ngành có khoảng 85 đề tài, dự án, giải pháp sáng tạo được công nhận ở nhiều lĩnh vực như: Khám chữa bệnh, y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS...
Tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua
Để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, ngoài hỗ trợ kinh phí (khoảng 2-5 triệu đồng/đề tài tùy từng đơn vị), các cơ sở y tế coi đây là một trong những tiêu chí cứng để đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm của cá nhân, tập thể; thi nâng ngạch bác sĩ, chuyên viên chính; xét danh hiệu thầy thuốc ưu tú, nhân dân. Những đơn vị có nhiều đề tài, sáng kiến khoa học được ứng dụng như: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Ung bướu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật…
Ba năm gần đây, mỗi năm, toàn ngành y tế có khoảng 85 đề tài, dự án, giải pháp sáng tạo được công nhận ở nhiều lĩnh vực như: Khám chữa bệnh, y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm... |
Đáng chú ý, không ít kỹ thuật khó trước đây chỉ được thực hiện ở bệnh viện tuyến T.Ư thì nay có thể ứng dụng ở tỉnh như phẫu thuật thay khớp háng tại BVĐK tỉnh, phẫu thuật tim bẩm sinh (Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh)...
Đặc biệt, phương pháp tán sỏi thận qua da (BVĐK) cho phép tán viên sỏi đường kính 2 cm trở lên, vết rạch qua da có độ sâu chỉ 1 cm, thay vì mổ mở, rạch sau lưng chiều dài 30 cm như trước, thời gian tán chỉ 60 phút (trước đây 120 phút); bệnh nhân ít có cảm giác đau đớn, mau hồi phục sức khỏe.
Ông Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để phong trào nghiên cứu, ứng dụng KHKT ngày càng lan tỏa, ngành tích cực chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong chuyên môn; tổ chức hội thảo khoa học; lựa chọn các giải pháp sáng tạo, kỹ thuật tham gia các hội thi. Cùng đó, làm tốt công tác thi đua khen thưởng để khích lệ, động viên cán bộ trong ngành tham gia nghiên cứu khoa học.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)