Cách chăm sóc cây cảnh trong chậu
![]() |
Chăm sóc cây cảnh trong chậu cần thực hiện đúng kỹ thuật |
Sau khi trồng cây cảnh ổn định trong chậu, trong quá trình phát triển của cây, cần phải tưới nước và bón phân thường xuyên. Tưới nước là khâu quan trọng trong việc trồng cây cảnh nhằm cung cấp nước cho cây bị thiếu hụt do phạm vi trồng hay sống của cây hạn hẹp. Việc tưới nước cho cây cần phải chú ý đến nguồn nước tưới như thế nào, lượng nước tưới 1 lần bao nhiêu, số lần tưới và phương pháp tưới cho thích hợp.
Lưu ý khi tưới nước cho cây như sau:
![]() |
Nguồn nước tưới phải không có các chất độc, sạch mầm bệnh. |
• Kích thước của chậu, bồn trồng: Chậu hay bồn trồng càng nhỏ thì cần phải tưới nhiều lần.
• Yêu cầu của cây: Các loại cây mọng nước kiểu sa mạc, xương rồng… không yêu cầu tưới nước cho cây như các cây khác. Các cây thuỷ sinh yêu cầu tưới nhiều và đất ẩm.
• Yêu cầu đặt ra hạn chế sinh trưởng của người trồng: Nếu muốn hạn chế sinh trưởng của cây, lá chỉ tưới nước đủ để duy trì sự sống cho cây cảnh.
• Nguồn nước tưới không có các chất độc, sạch mầm bệnh. Nước bẩn, mặn không được dùng để tưới. Nước lấy ở sâu dưới đất như nước giếng khoan cần phải để ngoài trời 1-2 ngày mới tưới cho cây.
Nói chung, kỹ thuật tưới nước cho cây cảnh thường tiến hành như sau:
Sau khi đã chọn nguồn nước thích hợp và tính toán các yêu cầu đặt ra thì xác định lượng nước tưới thích hợp. Lượng nước tưới 1 lần phải tối thiểu đủ để làm ẩm trong chậu đạt độ ẩm 60% sức giữ ẩm của đất để tránh sự co, dãn của đất khi tưới làm đứt rễ hoặc tổn thương rễ.
• Nên tưới 1 ngày 2 lần vào thời gian sáng 7-8 giờ hoặc chiều từ 16-17 giờ hàng ngày.
• Tưới phun bằng dụng cụ tạo hạt nước nhỏ và tưới đều đưa đi đưa lại không vào 1 chỗ nhất định sao cho đất không đóng váng, nước tưới được ngấm ngay vào đất.
Nếu không có mặt ở nhà thường xuyên, người trồng có thể dùng phương pháp tưới thấm bằng việc lợi dụng sức hút nước của đất trong chậu để cho cây có nước bằng cách tăng dùng một chậu đựng nước và đặt chậu cảnh vào trong chậu đó. Khi đó, đất trong chậu trồng cây sẽ hút dần nước trong chậu đựng nước đó lên. Chú ý là mức nước ở trong chậu đựng nước chỉ bằng hoặc cao hơn 1 chút so với đáy trong của chậu trồng cây, nếu cao hơn đất trong chậu trồng cây sẽ hút nhiều và làm đất bị úng gây ngạt cho rễ cây.
![]() |
Liều lượng một lần bón cho cây trước hết phụ thuộc vào nhu cầu của cây, giai đoạn sinh trưởng. |
Việc bón phân thường chỉ tiến hành bón cho những cây cảnh được trồng quá lâu với thời gian dài trong chậu hoặc bồn cảnh hoặc là tiến hành bón theo yêu cầu điều chỉnh sinh trưởng của người trồng trên luống đất của vườn nhà.
Có 2 phương pháp bón phân cho cây cảnh: Bón vào đất và bón thông qua tưới nước vào bộ lá cho cây. Phương pháp bón phân cùng với nước tưới được áp dụng nhiều đối với cây trồng trong chậu hay trong phạm vi hẹp.
Với mục đích cung cấp dinh dưỡng khoáng cho cây sinh trưởng và phát triển trong quá trình trồng trong bồn, chậu hoặc trên luống đất nên các loại phân để bón thường dùng là các loại phân dễ tiêu, nhanh phân giải và cây mau chóng sử dụng được. Việc bón như vậy được gọi là bón thúc khác với việc bón cơ bản là sử dụng các loại phân chậm phân giải, khó tiêu bón trước khi trồng hoặc khi thay đất và chậu cho cây.
![]() |
Trồng cây cảnh trong chậu tạo một góc nhỏ xanh tươi cho sân, vườn của bạn |
Ngoài các yếu tố đa lượng, người trồng cây còn phải chú ý bón các loại phân vi lượng cho cây. Thông thường các phân bón đa lượng được bón trực tiếp vào đất, còn phân vi lượng bón cho cây thông qua việc tan vào nước phun hoặc tưới cho cây.
Liều lượng một lần bón cho cây trước hết phụ thuộc vào nhu cầu của cây, giai đoạn sinh trưởng, mùa vụ bón, loại phân bón, khả năng hấp thụ phân bón của đất cũng như khối lượng đất hay kích thước của chậu, bồn trồng.
Các cây cảnh thường được bón phân đạm, lân, kali theo tỷ lệ N:P:K=1:3:1 và kết hợp với phân vi lượng. Hiện nay phân vi lượng đã có một số cơ sở chế biến tạo thành túi nhỏ cho các cây trồng nông nghiệp nói chung, chúng ta có thể sử dụng loại chế phẩm này cho cây cảnh.
![]() |
Cây lưỡi hổ trồng trong chậu cảnh. |
Việc bón phân còn phải chú ý đến thời kỳ và thời gian bón cho cây cảnh nhất là các cây cảnh có hoa, quả. Đối với các cây cảnh có hoa, quả việc bón chú ý không nên bón vào thời kỳ cây đang ra hoa kết quả mà nên bón trước thời kỳ này hoặc sau đó từ 15-20 ngày. Thông thường bón cho cây còn non, ít tuổi nhiều lần trong năm, còn các cây lớn tuổi cao thì bón ít lần hơn.
Thời kỳ bón thích hợp cho cây cảnh là vào đầu mùa mưa hoặc gần cuối mùa mưa, hoặc vào vụ xuân và vụ thu hàng năm cho cây. Đối với các loại phân dễ tiêu cần bón trực tiếp vào đất thì trong cách thức bón người trồng phải xới đất.
Văn Vĩnh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)