Xây dựng kho học liệu dùng chung: Số hóa dữ liệu, nâng hiệu quả khai thác
Mỗi nơi một phần mềm
Đầu năm 2022, Viettel Bắc Giang hỗ trợ một số trường THPT trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm phần mềm dạy học, thi trực tuyến K12 Online. Nền tảng giúp nhà trường giải quyết cùng lúc cả ba công việc là giảng dạy, học tập và quản lý; đổi mới hình thức tổ chức tiết dạy theo mô hình đảo ngược, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, Viettel đã xây dựng xong kho học liệu dùng chung gồm 2,5 triệu bài giảng, bài kiểm tra, ôn tập được giáo viên giỏi các trường học uy tín trong nước soạn giảng.
![]() |
Giáo viên TP Bắc Giang bồi dưỡng nghiệp vụ chương trình mới trong dịp hè. |
Sau một thời gian sử dụng phần mềm K12 Online, thầy giáo Lê Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) cho biết, đây là phần mềm dễ sử dụng, nhiều tiện ích. Đầu năm học 2021-2022, Viettel Bắc Giang hỗ trợ nhà trường xây dựng kho học liệu để đưa lên hệ thống 15 nghìn câu hỏi của 8 môn: Giáo dục công dân, Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý, Địa lý, Lịch sử, Tiếng Anh. Nhà trường đã sử dụng phần mềm này để tổ chức các bài thi đánh giá năng lực cho học sinh. Cách làm này tiết kiệm khoảng 60% chi phí so với phương án thi trên giấy trước đây và là một trong những trường hoàn thành kế hoạch năm học sớm nhất tỉnh.
Thống kê của Viettel Bắc Giang, hiện đơn vị đã cấp 10.071 tài khoản cho giáo viên, 26.535 tài khoản cho học sinh. Khi cần thiết hệ thống có thể đáp ứng số lượt truy cập đồng thời khoảng 30 nghìn tài khoản. Ngoài Trường THPT Ngô Sĩ Liên, hiện các trường: THPT Yên Dũng số 3, THCS Việt Tiến (Việt Yên) cũng sử dụng thí điểm phần mềm này. Năm học qua, toàn bộ học sinh khối 12 của 47 trường THPT được tạo tài khoản K12 Online để ôn tập, thi thử môn Tiếng Anh do Viettel, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cung cấp học liệu.
Tại Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang) việc lưu giữ bài giảng, tài liệu được thực hiện trên Google Drive. Cô giáo Ngô Thị Thoan, Hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã thử lưu dữ liệu trên thư điện tử, sau này là Google Drive. Tuy nhiên dịch vụ chỉ chia sẻ được giữa ban giám hiệu với giáo viên và giáo viên với nhau; không có tính thống kê, chia sẻ, phục vụ công tác sinh hoạt chuyên môn mà chủ yếu là lưu trữ.
![]() |
Một tiết dạy ở Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên) sử dụng phần mềm K12 Online. |
Qua đánh giá, hiện các trường học trong tỉnh đều xây dựng được kho dữ liệu, kho lưu trữ riêng song còn thủ công, chưa có nhiều tính năng. Thêm nữa, việc sử dụng cũng gói gọn trong một đơn vị, không có sự chia sẻ, tương tác, chất lượng không đồng đều nên chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Cần sự thống nhất trong toàn ngành
Hiện nay, ngành giáo dục tỉnh duy trì hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Năm học 2021-2022, ngành đã triển khai áp dụng chính thức hồ sơ sổ sách điện tử (từ cấp tiểu học đến THPT và giáo dục thường xuyên), tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho giáo viên và nhà trường; đáp ứng cơ bản yêu cầu cập nhật thông tin chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển cũng như các chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngoài cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành đã đưa vào sử dụng đang được nâng cấp, năm nay Sở xây dựng 3 phần mềm: Trường học số (thư viện học liệu điện tử toàn ngành; hỗ trợ các trường chuyển đổi số); xây dựng hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến chuẩn hóa phục vụ đổi mới dạy và học; xây dựng công cụ chuyển đổi số toàn diện công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông. Sau khi hoàn thành, các phần mềm này sẽ tích hợp với nhau để sử dụng chung trong ngành.
![]() Để thực hiện thành công chuyển đổi số, con người vẫn là yếu tố quyết định. Sở GD&ĐT sẽ tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ theo ba phân tầng gồm: Trình độ cao, nâng cao và đại trà. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường". Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT. |
Trước đây, chủ trương của tỉnh là xây dựng mỗi trường học một thư viện điện tử, như vậy sẽ rất tốn kém. Để khắc phục, Sở nghiên cứu xây dựng thư viện học liệu điện tử toàn ngành trong phần mềm trường học số, đáp ứng yêu cầu dùng chung cho 760 cơ sở giáo dục.
Thư viện sẽ được thiết kế theo 3 hướng: Thư viện điện tử (các loại sách tham khảo đã được số hóa); video clip, bài giảng theo từng môn học, khối lớp phục vụ học sinh học trực tuyến và có thể ôn lại bất cứ lúc nào. Ngoài ra đây cũng được coi là kênh hữu ích để các nhà trường khai thác dữ liệu, tổ chức trao đổi, sinh hoạt chuyên môn.
Cùng đó cung cấp các học liệu khác, trong đó có thiết kế bài giảng. Dự kiến khi hoàn thành sẽ có khoảng 600 nghìn tài khoản được cấp quyền truy cập phần mềm gồm nhà trường, giáo viên, học sinh.
Giáo dục là một trong 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số và được xác định trong Nghị quyết số 111 ngày 11/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Riêng năm 2022, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 15 tỷ đồng cho ngành giáo dục xây dựng các phần mềm dùng chung, phục vụ công tác quản lý, dạy và học. Hiện ngành phối hợp với đơn vị tư vấn, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ các phần việc, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2022.
Tuy vậy, khi có kho học liệu thì việc vận hành ra sao để khai thác, phát huy hiệu quả là rất quan trọng. Hướng của Sở là chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, TP, nhà trường chọn đội ngũ giáo viên cốt cán thiết kế bài giảng/tiết học mẫu để đưa lên hệ thống và làm tài liệu cho các trường tham khảo.
Riêng đối với Trường THPT Chuyên Bắc Giang, ngoài sử dụng kho học liệu chung, sở sẽ trang bị máy chủ riêng, xây dựng thêm một kho học liệu nâng cao để đáp ứng yêu cầu giảng dạy mũi nhọn của đơn vị.
Ý kiến bạn đọc (0)