Trường THPT Yên Dũng số 2: Thầy cô thay đổi, học sinh tích cực
Thầy giáo Nguyễn Tiến Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2 cho biết: "Nhiệm vụ đổi mới phương pháp giáo dục được Ban Giám hiệu quan tâm quán triệt thường xuyên đến đội ngũ cán bộ, giáo viên. Gần đây, tinh thần này đặt lên cao hơn để mỗi giáo viên, học sinh đều cảm thấy an toàn, vui vẻ khi đến trường.
![]() |
Cô Trần Thị Hòa, giáo viên tiếng Anh trao đổi về bài giảng với học sinh. |
Đầu năm học, mỗi cán bộ, giáo viên đăng ký với tổ chuyên môn và Ban Giám hiệu thực hiện từ 1 đến 3 việc nhằm đổi mới về phương pháp giảng dạy, quản lý, giáo dục học sinh. Cá nhân tôi cùng Ban Giám hiệu luôn tôn trọng, tiếp thu ý kiến phản ánh của đồng nghiệp để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh sao cho phù hợp trong quá trình điều hành, quản lý".
Năm học 2018-2019, Trường tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Thầy cô thay đổi, học sinh tích cực”. Tại đây, lần đầu tiên Trường phát phiếu khảo sát ý kiến học sinh nhận xét về thầy cô. "Trước lúc triển khai, một số người e ngại nhưng rồi nhà trường quyết tâm thực hiện với mong muốn được nghe ý kiến chân thành từ các em học sinh" - thầy Quang nhấn mạnh. Và rồi gần 500 lá phiếu gửi về truyền tải bao nguyện vọng: “Con muốn thầy cô cười nhiều hơn, ít trách mắng”, “mong thầy H giảng bài trên lớp chậm hơn”, “con muốn trường mình sạch, đẹp hơn”...
Kết thúc năm học 2018-2019, Trường THPT Yên Dũng số 2 không có học sinh hạnh kiểm yếu; xếp thứ hai trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh về số lượng và chất lượng; nằm trong nhóm 10 trường có điểm bình quân kỳ thi THPT quốc gia cao nhất tỉnh. |
Tiếp thu ý kiến của học sinh, ngay sau đó, Ban Giám hiệu tiến hành bổ sung thêm các chậu hoa, cây cảnh tại sảnh lớp và khuôn viên sân trường; huy động gần 1 tỷ đồng cải tạo công trình nhà vệ sinh.
Trong trường xuất hiện nhiều diễn đàn hoạt động thường xuyên trên mạng Facebook, Zalo nhằm trao đổi cởi mở kinh nghiệm học tập giữa giáo viên với học sinh. Bản thân mỗi giáo viên tự soi lại mình và quyết tâm điều chỉnh phương pháp giảng dạy.
Cô Trần Thị Hòa, dạy môn tiếng Anh cho hay: “Tiếp thu ý kiến từ học trò, gần đây, tôi chú ý giảng bài chậm rãi, kiên nhẫn, tỉ mỉ hướng dẫn đối với từng học sinh lực học trung bình có thể bắt nhịp với các bạn khá. Ngoài ra, tôi tăng cường cho học sinh tham gia vào quá trình trao đổi, tìm hiểu bài học”. Xuất phát từ quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng suy nghĩ, hành động của tuổi mới lớn mà nhiều ý tưởng được các thầy gợi ý, học sinh thực hiện thành công như: Video giới thiệu về Di tích lịch sử nơi Bác Hồ về thăm Tân An; chùa Vĩnh Nghiêm; phim ngắn về tuổi học trò, hoạt động gây quỹ giúp đỡ bạn của Câu lạc bộ Sách và Hành động...
Trường có số lượng học sinh đông với gần 1,5 nghìn. Giáo dục học sinh cá biệt là việc khó, đòi hỏi các thầy cô phải dành nhiều tâm sức. Gần đây, việc đưa ra hình thức kỷ luật với học sinh cá biệt không còn khi có tổ tư vấn tâm lý học đường do Bí thư Đoàn trường phụ trách hoạt động. Qua tìm hiểu nhận thấy, một số em có biểu hiện xích mích, vi phạm nội quy là do suy nghĩ bồng bột của tuổi mới lớn hoặc sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn, đi làm ăn xa không có thời gian quản lý, giáo dục. Trước mỗi tình huống, trực tiếp Bí thư Đoàn trường cùng giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ trò chuyện hoặc gián tiếp thông qua người thân, bạn bè giúp học sinh đó nhận ra sai lầm, chấp hành tốt nội quy.
Đoàn trường cũng quan tâm tổ chức các câu lạc bộ tổ, đội nhóm thuộc các lĩnh vực để mỗi học sinh được tham gia ít nhất một câu lạc bộ phù hợp với sở thích thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, phát thanh, tiếng Anh, võ thuật, an toàn giao thông... Mới đây, Câu lạc bộ Sách và Hành động của trường đoạt giải Nhất khu vực phía Bắc do Dự án Sách và Hành động toàn quốc bình chọn.
Quan tâm giúp đỡ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi được thầy cô quan tâm thường xuyên. Trước hoàn cảnh éo le của em Lưu Phương Linh, lớp 10 A6, thôn Kim Xuyên, xã Tân An mồ côi bố mẹ ở với bà ngoại, ngoài những phần quà của thầy cô và bạn bè, năm học trước trường đã giới thiệu địa chỉ này với Huyện đoàn Yên Dũng. "Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, từ tháng 3-2019, em được Hội Doanh nghiệp trẻ của huyện nhận đỡ đầu với số tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng cho đến khi học xong lớp 12". Lưu Phương Linh vui mừng cho biết.
Đến với nhà trường, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của giáo viên, học sinh khi hằng ngày làm việc, học tập trong môi trường an toàn, thân thiện. Thực tế khẩu hiệu hành động "Thầy cô thay đổi, học sinh tích cực" đã tạo nên chuyển biến về chất lượng giáo dục.
Kết thúc năm học 2018-2019, Trường THPT Yên Dũng số 2 không có học sinh hạnh kiểm yếu; xếp thứ hai trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh về số lượng và chất lượng; nằm trong nhóm 10 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất tỉnh. Kết quả này là động lực để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm học 2019-2020 và bắt nhịp với những thay đổi của Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai trong thời gian tới.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)