Chương trình môn Âm nhạc sẽ được dạy ở cấp THPT ?
![]() |
Dự thảo chương trình môn học Âm nhạc được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu trong tháng 1 để nhận các ý kiến đóng góp. Ảnh minh họa Internet. |
Chương trình cũng được hoàn thiện về nội dung dạy học khi lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào giảng dạy.
Chương trình vừa có nội dung tích hợp (lý thuyết âm nhạc), vừa có nội dung phân hóa (nhạc cụ); vừa là môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình có hướng mở, để tác giả sách giáo khoa (SGK) và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải. Chương trình tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, với 4 thành phần: Thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, sáng tạo và ứng dụng âm nhạc.
Chương trình có những đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, ví dụ đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể, hát bè...
Chương trình có điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc...
Chương trình môn Âm nhạc giúp học sinh: Nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, có đời sống tinh thần phong phú, hình thành và phát triển những phẩm chất cao đẹp; trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua nhiều hình thức hoạt động, phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác; hình thành và phát triển các năng lực âm nhạc đặc thù dựa trên nền tảng kiến thức và kỹ năng âm nhạc phổ thông, qua đó phát triển năng lực tự chủ và tự học; nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Môn Âm nhạc giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ thể hiện ở lĩnh vực âm nhạc như sau:
Thể hiện âm nhạc: Biết tái hiện, trình bày hoặc biểu diễn âm nhạc thông qua các hoạt động hát, đọc nhạc, chơi nhạc cụ, đánh nhịp, vận động...với nhiều hình thức và phong cách.
Cảm thụ âm nhạc: Biết thưởng thức và cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc, tế nhị và đẹp đẽ của âm nhạc, được thể hiện trong tác phẩm hoặc một bộ phận của tác phẩm. Biểu lộ thái độ và cảm xúc bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể.
Phân tích và đánh giá âm nhạc: Biết vận dụng kiến thức, kỹ năng, tư duy âm nhạc để phân tích và đánh giá về các phương tiện diễn cảm của âm nhạc và phong cách biểu diễn.
Sáng tạo và ứng dụng âm nhạc: Biết vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm âm nhạc vào thực tiễn; ứng tác và biến tấu, đưa ra những ý tưởng hoặc sản phẩm âm nhạc hay, độc đáo. Hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác.
Cùng đó, nghe nhạc là một hoạt động phổ biến trong giáo dục âm nhạc và chương trình có thêm nội dung nhạc cụ. Căn cứ vào nội dung dạy học, yêu cầu cần đạt, thời lượng và đặc điểm của lớp học, giáo viên sẽ linh hoạt sử dụng các quy trình âm nhạc (nghe - đọc - tái hiện - phản ứng - sáng tạo - trình diễn - phân tích, đánh giá - ứng dụng) cho phù hợp và hiệu quả. Các trường THPT có thể mời giảng viên, nghệ nhân về dạy.
Trên đây là những nét tóm lược về chương trình môn Âm nhạc. Dự thảo chương trình môn học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu trong tháng 1 để nhận các ý kiến đóng góp.
Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc (0)