Họ Giáp - Dòng họ khoa bảng, hiếu học
![]() |
Thế hệ trẻ tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Giáp Hải tại đình Cốc, xã Dĩnh Trì. Ảnh: ĐỖ QUYÊN |
Tự hào dòng họ
Vào một chiều thu, dưới nắng vàng quện trong hương lúa của vùng ngoại thành thanh bình, chúng tôi đến thăm đình Cốc, xã Dĩnh Trì - nơi đặt văn bia ghi chép về thân phụ Trạng nguyên Giáp Hải và gia đình. Tự hào về dòng họ Giáp Việt Nam, ông Giáp Ngọc Giới, Trưởng Ban liên lạc giới thiệu cuốn gia phả và sổ vàng ghi công đức về truyền thống hiếu học.
Họ Giáp hình thành từ thế kỷ XI, có nguồn gốc ở phường Dĩnh Kế, là đại tộc có tiếng vùng Kinh Bắc, thành danh Trạng nguyên, Tiến sĩ. Trải qua thăng trầm lịch sử, từ xa xưa, truyền thống hiếu học, lập nghiệp nhờ con chữ đã được con cháu trong dòng họ ý thức để cố gắng học hành, đỗ đạt. Dòng họ luôn tự hào có Trạng nguyên Giáp Hải (Trạng Kế), một danh nhân khoa bảng tiêu biểu, lẫy lừng lịch sử.
Trong số 82 văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) khắc tên hai vị Trạng nguyên Giáp Hải và Tiến sĩ Giáp Lễ (con trai Giáp Hải). Thời kỳ phong kiến, toàn tỉnh có 58 Tiến sĩ, riêng dòng họ Giáp có hai Tiến sĩ là rất đỗi tự hào.
Phát huy truyền thống khoa bảng, hiếu học, Ban liên lạc dòng họ Giáp Việt Nam thành lập năm 2013. Hàng năm vào ngày giỗ Trạng Kế (18-2 âm lịch), con cháu quây quần đông đủ dâng hương lễ tổ tại khu đồi Kế, ôn lại truyền thống của dòng họ, răn dạy con cháu nỗ lực học tập, lao động, sản xuất.
Ông Giáp Văn Phúc, thành viên Ban liên lạc dòng họ chia sẻ: “Dòng họ có sổ vàng ghi chép tỉ mỉ, chi tiết từng người, số lượng, thời gian, thành tích học tập, đỗ đạt của con em. Mỗi năm vào dịp Quốc khánh 2-9, họ Giáp tổ chức tuyên dương học sinh giỏi trước Văn bia thờ Trạng nguyên Giáp Hải”. Hiện nay, dòng họ có gần 20 thạc sĩ, hàng năm khoảng 50 cháu thi đỗ đại học.
Một số gia đình hiếu học tiêu biểu như: Thầy giáo Giáp Đắc Khả, thôn Um Ngò, xã Việt Lập (Tân Yên) có 4 con là thạc sĩ, cử nhân; cựu chiến binh Giáp Văn Hảo, thôn Cầu, xã Dĩnh Trì có 3 con học đại học. Dòng họ có hơn 200 đảng viên, nhiều người được giao giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan nhà nước như: Ông Giáp Văn Cương, nguyên Đô đốc Hải quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam; Giáp Văn Trí, nguyên Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn; Giáp Hoài Thăng, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…
Ban liên lạc dòng họ Giáp Việt Nam vừa tổ chức khởi công xây dựng nhà văn bia thờ thân phụ Trạng nguyên Giáp Hải tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì với tổng kinh phí 350 triệu đồng từ nguồn vận động con cháu trong các chi họ đóng góp. Đến nay, Ban liên lạc quyên góp được hơn 100 triệu đồng. Việc xây dựng nhà văn bia thờ thân phụ Trạng nguyên Giáp Hải đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các thế hệ con cháu, đồng thời góp phần giữ gìn truyền thống, lưu trữ tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ khoa bảng, năm 2012, UBND TP thành lập Trường THPT Giáp Hải. Phường Dĩnh Kế có con đường, tổ dân phố mang tên Giáp Hải. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội thảo khoa học về dòng họ Giáp và danh nhân khoa bảng Giáp Hải để có căn cứ khoa học và thực tiễn phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo biên soạn tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử cho con em địa phương.
Ông Trần Minh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: Thời gian tới, UBND TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức tuyên truyền, xây dựng tủ sách lịch sử, tôn tạo các di tích gắn với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Giáp Hải. Các nhà trường đưa vào giảng dạy những bài học về danh nhân Giáp Hải trong chương trình ngoại khóa lịch sử địa phương. Từ nguồn xã hội hóa giáo dục, TP dự kiến xây dựng quỹ “Hoa Trạng nguyên” nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Bằng những việc làm thiết thực, tin rằng dòng họ Giáp tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)