"Sức mạnh chân chính của một quốc gia" vào đề thi Văn khối C
Đề thi đại học môn Ngữ văn khối C năm nay đã lồng ghép rất nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đó là tình cảm của những người thân trong gia đình qua hồi ức tuổi thơ của Nguyễn Duy, là hình tượng sông Hương trong bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông", là triết lý về kẻ mạnh, kẻ yếu, về sức mạnh chân chính...
Ở câu 2 (3 điểm), đề yêu cầu thí sinh viết về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người, quốc gia dựa vào ý kiến: "Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình".
10h15 mới hết 180 phút làm bài, nhưng nhiều thí sinh rời phòng thi sớm với tâm trạng rất vui vẻ.
"Đề vừa có kiến thức trong nhà trường, vừa đòi hỏi kiến thức xã hội. Mỗi câu đều gần gũi, thân thuộc, tạo cho em rất nhiều cảm hứng", nữ sinh tên Thảo, dự thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền cho hay.
"Em chỉ làm hết khoảng 2/3 thời gian, tuy không có dạng đề mang tính thời sự nhưng đặt ra nhiều câu hỏi về lối sống. Đặc biệt, nhiều thí sinh rất lúng túng khi gặp bài "Đò Lèn" của tác giả Nguyễn Duy, vì bài thơ này nằm trong phần giảm tải nên rất ít thí sinh để ý tới", Lư Thị Mẫu điểm thi THPT Nguyễn Trãi nói. Thí sinh còn được yêu cầu phân tích sự vô tâm của người cháu và nỗi cơ cực của người bà.
Với câu này, Mẫu cho rằng sự vô tâm của người cháu là sự "hồn nhiên" của tuổi thơ khi mải mê câu cá, bắt chim, trộm nhãn... mà không biết bà mình phải mò cua xúc tép, gánh chè đi bán "thập thững những màn đêm". Đây chính là những ký ức trăn trở tiếc thương của người cháu về tuổi thơ của mình với người bà.
Còn Nguyễn Thị Huyền thì cho biết, đề thi môn Văn khá nhẹ nhàng, duy có câu phân tích sức mạnh chân chính qua câu nói của Nam Cao là thuộc chương trình Ngữ văn nâng cao lớp 11. Còn câu cuối yêu cầu thí sinh nhận định về hình tượng sông Hương qua bài thơ "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
"Em và nhiều thí sinh khác khá bất ngờ khi bài thơ Đò Lèn có trong đề thi vì bài này thuộc phần đọc thêm. Tuy nhiên, đề đã cho đoạn thơ nên em vẫn có thể làm bài rất tốt", Huyền chia sẻ.
Không vui vẻ như các thí sinh ở Học viện Báo chí Tuyên truyền, sĩ tử tại điểm thi Đại học Khoa học xã hội và Nhân khá căng thẳng. "Đề Văn mở, bài nghị luận văn học khó" là nhận xét chung của nhiều bạn.
Câu nghị luận xã hội 3 điểm hỏi về điều làm nên sức mạnh chân chính của cá nhân và các quốc gia được nhiều sĩ tử nhận xét là: "hay, thú vị, hợp thời".
"Em đã nêu bối cảnh Trung Quốc xâm chiếm vùng biển Việt Nam hiện nay vào trong bài để phân tích về sức mạnh chân chính của các quốc gia. Theo em, để làm nên sức mạnh ấy, mỗi đất nước cần có tinh thần dân tộc, mục đích chính đáng, tình yêu thương con người và sự tôn trọng các quốc gia khác", Nguyễn Thị Tính, THPT Lục Ngạn 4, Bắc Giang nói.
"Nhà sư đi thi" Thích Quảng Thạc cho rằng, bài làm cần phân tích được chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa nước lớn trong tình hình biển Đông căng thẳng hiện nay. Đề cho phép thí sinh thoải mái nêu quan điểm. Tuy nhiên, ý hỏi về chủ nghĩa cá nhân có thể gây khó dễ cho người làm, bởi "mỗi người viết có một suy nghĩ, một quan điểm khác nhau và không biết có hợp với người chấm".
Đăng ký thi khoa Báo chí đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, sư Thích Quảng Thạc tỏ ra vui vẻ với bài làm đã "gắng hết sức".
Đề nghị luận văn học 5 điểm rơi vào bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường với yêu cầu nghị luận vẻ đẹp trữ tình và vẻ đẹp văn hoá của sông Hương. Câu hỏi này khiến đa số thí sinh phải than vắn, thở dài.
"Bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông" quá sâu sắc, đầy triết lý nên khó phân tích. Em chẳng tự tin với bài làm ở câu hỏi này. Các bạn trong phòng em cũng kêu đề nghị luận văn học khó. Nhiều bạn không làm được nộp giấy ra sớm", Hoàng Thị Tình, thí sinh khoa Công tác xã hội nhăn mặt nói.
Hoàng thị Hoài, Thái Bình, dự thi vào trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn cho biết em thích nhất câu hỏi về sông Hương trong đề năm nay. Các câu hỏi cũng mở hơn với học sinh và ngập tràn lòng yêu nước.
"Câu 3 nói về sức mạnh của kẻ mạnh nhằm lấn át kẻ yếu, em đã đưa tình hình Biển Đông hiện nay vào bài thi. Theo em, Trung Quốc là nước lớn, từng giúp đỡ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh. Nhưng gần đây họ lại bắt nạt nước ta, hạ đặt giàn khoan trái phép, đưa tàu chiến đến các vùng biển của Việt Nam, hung hăng đâm va tàu của lực lượng lượng chấp pháp...", Hà Thu Thảo (Tuyên Quang, dự thi khoa Nhân học) nói.
Trong khi đó, Hà Minh Hảo, khoa Chính trị học khóa 56, người từng có kinh nghiệm thi ĐH cho biết, đề thi có tính phân cấp hơn năm ngoái, yêu cầu học sinh phải liên hệ nhiều.
"Để đạt được điểm cao em nghĩ là khó. Câu hỏi em thích nhất chính là câu 3, nếu thí sinh liên hệ đến các sự kiện bên ngoài chắc chắn sẽ được điểm số tốt", Hảo chia sẻ.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Văn trường THPT Anhxtanh cho biết, cấu trúc đề thi văn khối C và khối D tương tự nhau. Đề thi có 3 câu hỏi thuộc hai phần: Đọc hiểu văn bản (câu 1) và Tạo lập văn bản (câu II, câu III), không có phần tự chọn. Câu đọc hiểu về một đoạn thơ trích từ sách giáo khoa Ngữ văn 12 (phần đọc thêm), kiểm tra được những kỹ năng đọc - hiểu: nhận diện phương thức biểu đạt, kỹ năng xác định các biện pháp nghệ thuật, phân tích giá trị biểu cảm từ ngữ, phân tích cảm xúc của nhân vật, xác định nội dung của văn bản... Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bày tỏ chủ kiến về kẻ mạnh, kẻ yếu, về sức mạnh chân chính của một quốc gia rất hay, hướng học sinh đến những lối sống cao đẹp, lành mạnh. Đồng thời, học sinh có thể sử dụng những sự kiện thời sự gần đây, như việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép làm ví dụ để lập luận dày hơn. "Rõ ràng Trung Quốc là nước lớn nhưng đã ỷ mạnh, hành động trái với luật pháp quốc tế. Việt Nam tuy là nước nhỏ nhưng có sức mạnh chân chính từ chính nghĩa, từ sự đoàn kết dân tộc và được sự ủng hộ của quốc tế. Đây là một dẫn chứng rất hay để viết về sức mạnh chân chính", thầy Hùng nói. Câu nghị luận văn học (câu 3) theo thầy Hùng là câu hỏi quen thuộc cả về nội dung và hình thức nên nắm chắc nội dung tác phẩm sẽ làm tốt. Nhiều học sinh lo đề thi văn khối C "nặng" hơn D, nhưng sự khác biệt trong yêu cầu về dung lượng, kỹ năng không nhiều. "Chắc chắn sẽ xuất hiện những bài viết sâu sắc. Tôi hy vọng có nhiều điểm giỏi ở môn Văn năm nay", thầy Hùng chia sẻ. |
Ý kiến bạn đọc (0)