Vào những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thăm thôn Xuân Phú nằm ngay dưới chân dãy núi Huyền Đinh. Thôn có số dân và diện tích lớn nhất nhì xã, với 293 hộ, gần 1.200 nhân khẩu.
Khi câu chuyện giữa chúng tôi với Ban lãnh đạo thôn vừa bắt đầu thì ngoài cổng nhà văn hóa thôn có tiếng xe máy. Như một phản xạ tự nhiên, Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Đức Long đứng dậy ngoái ra cửa sổ, nói: “Sếp Minh về rồi”!
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Long cười giải thích: “Đó là nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lũng Nguyễn Hữu Minh, cũng là nguyên Bí thư Chi bộ thôn Xuân Phú. Mặc dù đã nghỉ hưu, không làm Bí thư Chi bộ nữa nhưng ông vẫn giữ vai trò cố vấn đắc lực cho Chi ủy và Ban quản lý thôn”.
Trong câu chuyện về lịch sử hình thành, phát triển của thôn, chúng tôi được biết, ông Minh là một trong số những người có mặt đầu tiên cùng dân làng vượt sông sang khai hoang, lập xóm ở vùng đất này.
Ông Minh kể: Cách đây 63 năm, được sự cho phép của chính quyền, khoảng 20 hộ dân thôn Dẫm Đình, xã Bắc Lũng dùng thuyền vận chuyển người, công cụ sản xuất cùng lương thực, thực phẩm qua sông Lục Nam sang định cư dưới dãy Huyền Đinh.
Cuộc di cư xuất phát từ đòi hỏi thực tế do đất sản xuất ở thôn Dẫm Đình không còn nhiều, cuộc sống khó khăn. Trong khi đó, đối diện bờ sông bên kia là cánh đồng phì nhiêu. Lúc đầu, thôn Xuân Phú được gọi là trại Xé, một năm sau thì đổi tên là Xuân Phú. “Bố tôi khi đó là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) của thôn. Việc lấy tên Xuân Phú là mong muốn cuộc sống nơi đây sẽ ngày càng sung túc, phú quý hơn”, ông Minh tâm sự.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng mẫu lớn của thôn, Trưởng thôn Xuân Phú Nguyễn Đức Tranh giới thiệu, trước đây, cánh đồng này chỉ cấy được một vụ lúa, nhưng từ khi Nhà nước xây dựng thủy điện Hòa Bình, điều tiết lũ đầu nguồn nên bà con cấy được 2 vụ lúa ăn chắc.
Cũng từ khi thôn được chọn là điểm của huyện, tỉnh để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, tháng 9/2018, người dân trong thôn đã tự nguyện dồn đổi 110 ha đất sản xuất nông nghiệp cho nhau, giảm từ mỗi hộ có 24 thửa xuống còn 4 thửa. Nhờ đó tạo thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
“Làm ruộng ở đây giờ không vất vả, mất nhiều thời gian, công sức như xưa. Mọi khâu từ làm đất đến thu hoạch, vận chuyển sản phẩm đều dùng máy móc. Vì thế, lớp trẻ có điều kiện đi làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động, song năng suất lúa của thôn vẫn đạt 2,5-3 tạ/sào, cao nhất nhì xã”, trưởng thôn bày tỏ.
Không chỉ thâm canh lúa, người dân thôn Xuân Phú còn biết cách khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từ đất lâm nghiệp. Cả thôn hiện có hơn 300 ha rừng sản xuất và rừng tái sinh với các loài cây bạch đàn, thông, dẻ.
Trung bình, mỗi hộ có 1,5 ha rừng, trong đó, nhiều hộ có diện tích từ 10-20 ha, mỗi năm cho thu vài trăm triệu đồng nhờ bán nhựa thông, gỗ bạch đàn hay hạt dẻ. Ông Nguyễn Bá Đua, chủ một hộ dân trong thôn cho biết: “Hiện, gia đình có khoảng 7 ha rừng thông, mỗi năm cho thu hoạch 6-7 tấn nhựa, bán được gần 250 triệu đồng”.
Thăm những cánh rừng của Xuân Phú, chúng tôi cứ ngỡ lạc vào khu du lịch sinh thái, những tán thông vi vu cùng những đồi sim chín. Ông Minh chia sẻ: “Chính những cánh rừng trên dãy Huyền Đinh đã nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây. Rừng bao bọc, chở che cho bà con sống yên ổn, không bị lũ, đồng thời cung cấp nguồn nước trong lành hằng ngày cũng như tưới mát cho những cánh đồng rộng lớn”.
Buổi chiều, cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống. Ngồi trú mưa dưới hiên nhà bà Nguyễn Thị Lâm, Giám đốc HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền. Bà Lâm tiết lộ: “Rượu được cất từ gạo lúa thơm ở cánh đồng mẫu lớn của thôn hòa quyện với nước mạch ngầm chảy ra từ dãy núi Huyền Đinh nên có hương vị đặc biệt, ít nơi nào có được”.
HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền được thành lập năm 2018, với 21 thành viên. Cũng năm đó, sản phẩm rượu Núi Huyền được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận thương hiệu và năm 2019 được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Trung bình, mỗi ngày HTX xuất bán 200 lít rượu cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện, thôn có 62 trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Khoảng 90% số hộ trong thôn xây được nhà tầng kiên cố. Cả thôn có hơn 100 xe ô tô các loại và chỉ còn 3 hộ nghèo.
Về Xuân Phú, điều ấn tượng đầu tiên là cảnh quan sơn thủy hữu tình. Những ngôi nhà kiểu biệt thự dựa vào dãy Huyền Đinh hùng vĩ, nhìn ra sông Lục hiền hòa. Vừa qua cổng chào thôn là hai hàng cây cảnh, hoa được cắt tỉa, chăm chút tỉ mỉ, không khác gì công viên. Bên cạnh đó là những bức tường hai bên đường được tô vẽ, tạo thêm bức tranh sống động.
Trước kia, đường giao thông ở Xuân Phú đi lại khó khăn, mưa lầy lội, nắng bụi bặm. Gần đây, người dân đã tập trung góp công, góp của, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để đổ bê tông toàn bộ đường làng, ngõ xóm và đường nội đồng.
Chỉ trong 2 năm 2018, 2019, hơn 5,7 km đường giao thông của thôn đã được cứng hóa, với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp 70%. Nhiều gia đình tự nguyện hiến hàng chục m2 đất để mở rộng mặt đường từ 2,5 m lên 3,5-4,5 m. Có đường mới, người dân lại tiếp tục đóng góp kinh phí lắp đặt đèn đường.
Nét đặc biệt ở Xuân Phú còn được thể hiện qua việc tạo thành nền nếp, thói quen của mọi người dân tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo Trưởng thôn Nguyễn Đức Tranh, trừ thời gian dịch Covid-19 vừa qua, địa phương phải thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch, đã 3 năm nay, cứ đến ngày 5 hằng tháng, mỗi gia đình trong thôn lại cử một người tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Vào những ngày khác, các thành viên Câu lạc bộ Cựu Thanh niên xung phong đảm nhận thu gom, xử lý rác thải. “Mỗi khi gia đình nào đó trong thôn có việc hiếu, hỷ, thì trước đó một ngày, các thành viên Câu lạc bộ tự nguyện quét dọn vệ sinh mọi đường làng, ngõ xóm để đón khách”, ông Tranh nói.
Trước khi chia tay Xuân Phú, tôi hỏi ông Nguyễn Hữu Minh: “Điều gì khiến ông tâm đắc nhất khi nhắc đến thôn mình”? Vừa nhìn lên dãy Huyền Đinh trùng điệp- nơi có dấu tích ngôi chùa Mã Yên gắn với Thiền phái Trúc Lâm mấy thế kỷ trước, ông Minh vừa chậm rãi nói: “Đó là sự đoàn kết, cùng với bản tính hiền hòa, chịu thương chịu khó, không có sự ganh ghét, bè phái trong thôn. Mọi người đều một lòng hăng say lao động, tham gia các công việc chung của cộng đồng”. Có lẽ vì thế, từ trước đến nay, Xuân Phú không có đơn thư khiếu kiện hay tệ nạn xã hội, xứng đáng với danh hiệu thôn NTM kiểu mẫu.
Ý kiến bạn đọc (0)