Phát biểu tại hội nghị công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trước đây, chúng ta có quy hoạch nhưng phải điều chỉnh nhiều vì không liên kết với nhau, có hiện tượng quy hoạch chồng quy hoạch khiến việc thực hiện gặp trở ngại. Vì vậy, tỉnh xác định xây dựng Quy hoạch tỉnh bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tích hợp các quy hoạch, dẫn dắt sự phát triển trong tương lai là nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua Quy hoạch tỉnh giúp các ngành, địa phương nhìn nhận rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh từ đó dồn lực chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Ngày 20/1/2020, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Bắc Giang là một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước được phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh. Ngay sau khi được phê duyệt, tháng 2/2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể về việc lập quy hoạch, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, thời gian và giao trách nhiệm cụ thể đối với từng ngành, địa phương, đơn vị tư vấn, cơ quan lập quy hoạch. Các ngành, cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã không quản khó khăn vất vả, tập trung cao cho nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh.
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Tỉnh triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch trong bối cảnh có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn. Về thuận lợi đó là với những thành tựu đạt được trong phát triển KT-XH, hình ảnh, vị thế của tỉnh đã được nâng lên. Sức hút của tỉnh đối với các nhà đầu tư tăng mạnh; xu thế chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài do được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Còn khó khăn, thách thức đặt ra đó là làm sao bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội; vấn đề phát triển bao trùm, bền vững…
Tỉnh lập Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Điều dễ nhận thấy đó là Bắc Giang nằm ở vị trí thuận lợi, trong vùng Thủ đô, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hệ thống giao thông đa dạng, gần sân bay, cảng biển, cửa khẩu và có nhiều lợi thế trong liên kết vùng. Quỹ đất lớn, gần 3.900 km2; địa hình có tiềm năng phát triển đồng đều giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Nguồn nhân lực có lợi thế cả về số lượng và chất lượng với dân số hơn 1,85 triệu người, 72% lao động qua đào tạo nghề... Cùng đó, Bắc Giang là vùng đất cổ thuộc vùng Kinh Bắc xưa, sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nền tảng, giá trị văn hóa sẽ trở thành sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Nhìn nhận rõ thuận lợi, khó khăn, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phương châm “ý tưởng từ trên xuống, cụ thể từ dưới lên”, tháng 3/2021, tỉnh Bắc Giang là địa phương đầu tiên của cả nước được Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh của quốc gia thẩm định đồ án quy hoạch. Ngày 17/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động KT-XH đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia; đồng thời bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và vùng liên huyện, các địa phương; xác định cụ thể khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt khoảng 15-16%; GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 1,5 triệu tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa chiếm 55- 60%; 90% lao động qua đào tạo, 35- 40% lao động có chứng chỉ văn bằng; tỷ lệ che phủ rừng 37%; 100% khu, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp trong chuyến thăm, làm việc tại Singapore.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả; không gian phát triển khoa học; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh; khu vực nông thôn phát triển hài hòa; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt trên 10%/năm (giai đoạn 2031- 2050); GRDP bình quân/người gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động đạt mức cao trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước
Khác với những lần quy hoạch trước, quy hoạch lần này đã tích hợp đầy đủ, đồng bộ các nội dung kinh tế, xã hội gắn với nhu cầu sử dụng đất và khắc phục được nhiều bất cập trong công tác quy hoạch trước đây. Trong quy hoạch, tỉnh đã thể hiện rất rõ không gian phát triển KT-XH theo vùng. Ba vùng kinh tế trọng điểm gồm: Vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam, lấy TP Bắc Giang là trung tâm vùng, có vai trò động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế trong tỉnh, trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc; là đô thị phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực. Vùng phía Đông, lấy thị trấn Chũ (Lục Ngạn) là trung tâm vùng. Đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng miền núi phía Đông tỉnh Bắc Giang, phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Vùng phía Bắc, lấy thị trấn Vôi (Lạng Giang) là trung tâm vùng. Vùng này có tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng miền núi phía Bắc tỉnh Bắc Giang. Vùng phía Bắc sẽ tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch lịch sử văn hóa; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ kết nối phía Bắc của tỉnh.
Một điểm mới trong tổ chức không gian quy hoạch là tỉnh xác định 10 cửa ngõ chính kết nối với tỉnh dựa trên việc bố trí không gian, kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh, cửa khẩu, sân bay, cảng biển. Đây sẽ là các khu vực được tập trung quy hoạch, đầu tư các trục giao thông chính, các khu dịch vụ tổng hợp, vận tải, kho bãi, logistics để tận dụng và phát huy lợi thế của tỉnh….
Thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, tỉnh quy hoạch hơn 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp cho giai đoạn 10 năm tới. Đến năm 2030 tỉnh sẽ có 29 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 7.000 ha, trong đó quy hoạch mới 20 KCN, diện tích KCN mới và mở rộng tăng thêm gần 5.700 ha. Điểm mới của phương án phát triển công nghiệp được gắn liền với phát triển đô thị, dịch vụ. Trong số các KCN quy hoạch có 12 KCN đô thị dịch vụ. Bên cạnh đó, đến năm 2030, toàn tỉnh có 63 cụm công nghiệp với diện tích hơn 3.000 ha. Các khu vực phát triển công nghiệp được bố trí tập trung tại vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, là khu vực phát triển dải đô thị trung tâm; nơi có điều kiện thuận lợi về vị trí kết nối giao thông, sân bay, cảng biển thuận lợi.
Tỉnh quy hoạch 3 trục hành lang động lực giao lưu phát triển, liên kết vùng và không gian KT-XH, gồm: Trục hành lang quốc lộ 1A, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn: 10 KCN, 15 cụm công nghiệp...; trục hành lang đường tỉnh 398 (vành đai IV), đường tỉnh 296 - đường tỉnh 295 - quốc lộ 37 - quốc lộ 17 - đường tỉnh 299: 14 KCN, 18 cụm công nghiệp...; trục hành lang đường tỉnh 293- quốc lộ 37, vành đai V: 8 KCN, 16 cụm công nghiệp.
Không gian phát triển dịch vụ thương mại trải dài ở các khu vực dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Trong đó, không gian phát triển thương mại: Khu phía Nam - Tây Nam; công nghiệp và dân cư. Khu phía Bắc - Đông Bắc: Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. Khu phía Bắc: Dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi tập trung.
Bắc Giang đã quy hoạch 8 hành lang thương mại theo hai trục Bắc - Nam và Đông Tây. Sắp xếp các trung tâm đầu mối dịch vụ thương mại, logistics tại 9 khu vực chủ yếu tại các đô thị trung tâm huyện, các khu vực cửa ngõ đầu mối giao thương trên các tuyến hành lang thương mại chính và tại một số khu vực tập trung khu, cụm công nghiệp.
Để trở thành trung tâm golf của cả nước và thúc đẩy sản phẩm du lịch này, tỉnh quy hoạch thêm 10 sân golf. Cùng với 3 sân golf hiện có, đến năm 2030 toàn tỉnh có 13 sân golf. Hầu hết sân golf bố trí quy hoạch trong và gần vùng trọng điểm kinh tế, các khu du lịch của tỉnh, thuận tiện cho việc di chuyển.
Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, Bắc Giang sẽ hình thành và phát triển các khu du lịch quốc gia, tập trung đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với nhiều sản phẩm. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, thể thao golf, du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp nông thôn và các di sản văn hóa, du lịch sinh thái, tâm linh. Tỉnh xác định rõ 5 không gian các khu vực du lịch, nghỉ dưỡng, 3 khu du lịch quốc gia, 4 khu du lịch cấp tỉnh.
Trong giai đoạn 10 năm tới, đô thị tại Bắc Giang phân bố ở 5 khu vực. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 29 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I là TP Bắc Giang; 1 Đô thị loại III là thị xã Việt Yên; 4 đô thị loại IV là thị xã Hiệp Hòa, thị trấn Chũ mở rộng, thị trấn Vôi và thị trấn Đồi Ngô; 26 thị trấn là đô thị loại V, trong đó có 14 đô thị thành lập mới; nâng cao tỷ lệ đô thị hóa từ gần 22% lên 55-60%.
Rừng kinh tế tại xã Đông Sơn (Yên Thế).
Một điểm nhấn trong Quy hoạch tỉnh là có sự đột phá trong phát triển giao thông. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến cao tốc, vành đai, 5 tuyến quốc lộ và có nhiều điểm đấu nối vào các khu, cụm công nghiệp, các khu quy hoạch dân cư..; duy trì các tuyến đường thủy, cảng thủy nội địa hiện có và quy hoạch thêm 24 cảng thủy nội địa. Hệ thống giao thông cấp tỉnh được chú trọng, giữ nguyên chiều dài 10 tuyến, kéo dài 6 tuyến, quy hoạch nâng 10 tuyến đường huyện lên đường tỉnh, tổng chiều dài 291 km; mở mới 12 tuyến, tổng chiều dài 351 km. Tỉnh cũng đầu tư mở rộng các tuyến giao thông đối ngoại, kết nối với Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn nhằm tăng cường liên kết, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH..
Để khai thác lợi thế về nông nghiệp của từng địa phương, tỉnh bố trí không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả điều kiện đất đai, sinh thái và hạ tầng thủy lợi để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế...
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang vừa đưa mô hình hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS) trị giá hơn 6 tỷ đồng vào giảng dạy.
Diện tích trồng lúa duy trì 48.300 ha. Chú trọng phát triển các vùng trồng rau tập trung, hình thành gần 80 vùng trồng rau tập trung có quy mô từ 20 ha trở lên, trong đó có hơn 25% vùng tập trung ứng dụng công nghệ cao. Hình thành và phát triển 28 khu chăn nuôi tập trung vật nuôi đặc sản an toàn sinh học, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao tại 8 khu vực nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư... Vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung chuyên canh, đến năm 2030 không còn diện tích nuôi thủy sản kết hợp... Mở rộng kết nối các vùng rừng tập trung liên huyện, phát triển vành đai không gian rừng che phủ từ Đông sang Tây, phát triển không gian che phủ rừng tại các khu vực đầu nguồn sông, suối lớn và các hồ lớn. Tăng độ che phủ của rừng và cây xanh lâu năm ở khu đồi núi đất dốc tại vùng đồng bằng bán sơn địa. Rừng sản xuất quy hoạch tập trung tại 4 huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế với khoảng 80 nghìn ha.
Với quan điểm phát triển toàn diện, bao trùm, mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo được quy hoạch phù hợp với phân bố dân cư và kinh tế. Phát triển quy mô các trường đáp ứng nhu cầu của học sinh, mở rộng quy mô, thành lập thêm trường học khối THPT, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Chú trọng nâng cao quy mô, chất lượng, năng lực của các cơ sở đào tạo nghề, tạo đột phá về quy mô đào tạo, tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng, đưa Bắc Giang trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.
Tỉnh quy hoạch mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng cơ sở y tế để người dân tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải ở các cơ sở khám, chữa bệnh; nâng tỷ lệ số giường bệnh/10.000 dân đạt 40 giường... Khuyến khích, huy động xã hội hóa nguồn lực phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế bảo đảm từng bước đồng bộ, hiện đại. Thu hút đầu tư các cơ sở bảo trợ xã hội. Chú trọng mở rộng nhiều khu nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, nhất là công nhân ngoài tỉnh. Các khu nhà ở này nằm trong không gian phát triển công nghiệp gắn liền với các khu đô thị, dịch vụ khác, tạo lập không gian sống tiện ích.
Quy hoạch tỉnh cũng đưa ra các phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trong quy hoạch, tỉnh xác định các nhóm giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực: Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; chuyển đổi số và phát triển sản phẩm chủ lực; phát triển, cung ứng nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn; thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển
Trên cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng trên 1,5 triệu tỷ đồng và để huy động đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thực hiện quy hoạch, tỉnh xác định cần có giải pháp cụ thể đối với từng nguồn vốn cũng như định hướng sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư. Huy động nguồn lực đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, điện, khu, cụm công nghiệp, đô thị và các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản tỉnh có lợi thế cạnh tranh; các ngành mũi nhọn như: Công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ...
Tập trung triển khai xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh, quản lý xã hội; thanh toán không dùng tiền mặt... Nâng cao nhận thức về phát triển nền kinh tế số, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng số, phát triển sản phẩm nội dung số… Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đối với ngành cơ khí; tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định và mở rộng quy mô sản xuất. Tiếp cận các tập đoàn sản xuất sản phẩm điện tử lớn để tìm hiểu định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, giới thiệu định hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từ đó mời gọi về đầu tư tại tỉnh. Thu hút cả các DN trong nước để tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia. Hỗ trợ DN kết nối và liên kết thông qua các chương trình kết nối kinh doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp nhận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đối với sản phẩm may mặc, tiếp tục tạo điều kiện để các DN hoạt động ổn định. Hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu, mẫu mã, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm may mặc của DN Bắc Giang. Thu hút đầu tư các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt và may mặc.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, thể thao golf, du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp nông thôn và các di sản văn hóa. Quan tâm xúc tiến, mời gọi các DN lớn đầu tư vào tỉnh với các dự án trọng điểm tại hồ Khuôn Thần, Tây Yên Tử, suối Mỡ, Đồng Cao, Nham Biền. Phối hợp với các tỉnh trong khu vực xây dựng các tour, tuyến du lịch để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch. Xây dựng quy hoạch các điểm phát triển logistic gắn với đầu tư các tuyến giao thông thuận lợi, sẵn sàng hỗ trợ giải phóng mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư; đẩy mạnh hoạt động liên kết tạo nguồn hàng, áp dụng các phương thức quản trị logistic tiên tiến; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thành lập Cục Hải quan của tỉnh.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức. Nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo phương án quy hoạch, tạo đột phá quy mô đào tạo. Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng.
Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Nâng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp vào phát triển KT-XH... Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng khoa học và công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút nguồn lực cho phát triển như: Cơ chế, chính sách phát triển vùng động lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, chính sách phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa... Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng phát triển chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, mang tính tích hợp. Xác định đẩy mạnh tinh giản bộ máy hành chính và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng mô hình quản trị Nhà nước hiện đại. Ưu tiên nâng cao chất lượng bộ máy hành chính; đẩy mạnh thực hiện phân cấp và trao quyền trong thời gian tới. Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm các đô thị. Kiểm soát chặt quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng, cân bằng và chuyển hóa một phần quỹ đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất phi nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Ý kiến bạn đọc (0)