eMagazine
Thứ 3: 07:08 ngày 05/11/2024
Thứ 3: 07:08 ngày 05/11/2024
bacgiang-emagazine

Bài 3: Sống trong lòng dân

Bài 3: Sống trong lòng dân

“Là cán bộ luân chuyển, tôi chọn cách đi về với dân. Có dân mới có cán bộ. Đi về với dân mới nghe được nhiều, mới biết dân cần gì để giải thích, giải quyết, bằng trách nhiệm và tình cảm của mình. Có người hỏi, làm Bí thư Đảng ủy xã có sướng không? Tôi bảo có, sướng vì được ở gần dân, sống trong lòng dân và được dân tin yêu”. Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản Hoàng Thị Ngân chia sẻ.

Vì dân, dân đồng thuận

Sáng sớm, anh Kính đã có mặt tại trụ sở xã, mang theo túi ngô nếp nóng hổi chị Khang vừa luộc gửi cho tôi và Ngân. Anh bảo, từ ngày Bí thư Ngân về xã, tạo thói quen đến cơ quan sớm cho cán bộ. Đầu giờ anh em tranh thủ trao đổi, hội ý nhanh công việc rồi ai giải quyết việc người nấy. Cách này “nhỏ nhưng có võ”, anh em nắm được việc của nhau, có cái xử lý luôn, không phải đợi ra cuộc họp.

Đúng giờ, anh em đi cơ sở, kiểm tra một số công trình đầu tư công trên địa bàn.

Năm nay, tình hình chung, huyện Sơn Động cũng như các xã, thị trấn trong huyện, việc giải ngân vốn công trình xây dựng cơ bản diễn ra chậm. Có nhiều lý do nhưng rõ ràng, lãnh đạo các xã càng ngày càng làm việc chắc chắn, thận trọng và chuẩn chỉnh hơn.

Vừa đi, anh Kính vừa thông tin: Hữu Sản có 8 công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng trong năm nay, tổng vốn hơn 17 tỷ đồng. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành khoảng hơn 80% tiến độ, nhanh nhất huyện. Một trong những nguyên nhân khiến xã “về đích” sớm là do công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, làm đâu dân ủng hộ đấy! Ví như đường vào thôn Sản 3 đây, Bí thư Ngân có “công” lớn nhiều lần kiến nghị với huyện, tỉnh sửa chữa, nâng cấp cho bà con nên khi triển khai, dân đồng tình phấn khởi.

Đường vào thôn Sản 3 vừa được nâng cấp, mở rộng.

Lúc ở Huyện ủy, đồng chí Đỗ Văn Cầm- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Động trao đổi: Đồng chí Ngân luân chuyển về Hữu Sản, ngoài làm Bí thư Đảng ủy xã còn kiêm 3 “vai”: Vừa là Huyện ủy viên phụ trách xã, vừa là đại biểu HĐND huyện, HĐND tỉnh ứng cử tại địa bàn nên tình hình địa phương như nào, tâm tư, nguyện vọng cử tri, nhân dân ra sao, đồng chí nắm rất chắc.

Tối qua Ngân cho tôi xem ảnh đường vào thôn Sản 3 trước khi được sửa chữa. Nó nhỏ, hẹp, xuống cấp, cây cối mọc tốt um bên đường, nhiều đoạn xe ô tô không qua được hoặc có vào nhưng không có đường tránh. Đi tiếp xúc cử tri lần nào dân cũng kiến nghị và giờ, đoạn đường vừa làm xong, rộng thênh thang, phong quang, sạch sẽ, xe ô tô thoải mái vào thu mua nông sản cho bà con.

Một góc đường làng thôn Sản 3 trước và sau khi tu sửa.

Nhà anh Long Văn Bẩy (dân tộc Tày) ở ngay đầu xóm, theo anh Kính giới thiệu là một trong những nhà hiến nhiều đất nhất công trình này. Hỏi anh hiến bao nhiêu, anh Bẩy cười sảng khoái: “ Ấy-za, chịu! Không biết đâu. Đất đai cả xóm hiến, có phải riêng nhà mình đâu. Đường đẹp thì cả làng cùng đi mà”!

Chị Hoàng Thị Thuận (vợ anh Bẩy) đang cắm cúi nhặt từng bông chè hoa vàng sót lại ở đống cây vừa đốn chưa kịp dọn, nói xen vào: Lần trước xóm làm đường, nhà đã hiến rồi. Lần này hiến nhiều hơn, cả đất, cả vườn, tường rào. Tiếc nhất là mấy chục gốc chè hoa vàng trồng mấy năm đang cho thu hoạch phải phá đi thôi.

Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Hữu Sản động viên gia đình anh Long Văn Bẩy hiến 150 m2 đất gần đường.

Tôi đi bộ đo thử phần đất nhà anh Bẩy hiến, chiều dài bám theo nhà dễ đến 40m, sâu vào khoảng 3- 4m; áng chừng khoảng 150m2 đất. Mà nhà ngay quốc lộ 31 vào, cũng gọi là nhà phố được rồi.

Anh Kính, Chủ tịch xã bảo, cả đoạn đường này dài 1,2 km, mở rộng hai bên lề đường, đổ bê tông. Có 21 hộ dân hiến đất, hiến nhà, hiến ruộng; diện tích hơn 1.000 m2 chưa kể hoa màu, tài sản… mà xã chả mất đồng nào đền bù giải phóng mặt bằng. Có hộ còn ‘kiện” xã, như nhà bà Hà Thị Minh. Ngoài hiến ruộng, bà đã huy động con cháu phá sẵn bờ tường, rồi chặt cả cây cối, phát quang sạch sẽ để tiện thi công mà chờ mãi, xã không lấy đến.

Bà Hà Thị Minh phá sẵn bờ tường để hiến đất mà xã không lấy đến.

Công trình nhà văn hóa thôn Sản 3 cũng đang gấp rút hoàn thành những phần việc cuối cùng. Bí thư Ngân yêu cầu phải xong trước ngày 10/11 để bà con còn kịp đón nhà mới, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết. “Năm nay, nhà văn hóa thôn được Nhà nước cho sửa chữa, điện sáng trưng, quạt mát rượi, lại còn xây thêm bếp, nhà để xe, ngày hội này thôn ăn cỗ lớn rồi cán bộ ạ, mừng lắm”! Trưởng thôn Sản 3 Nông Văn Tranh phấn khởi.

Hai công trình nhà văn hóa thôn Sản 3 và ngầm Ta Mạ sắp hoàn thành.

Ngầm Ta Mạ trên tuyến đường vào rừng Pò Chùa cũng là ước mong từ lâu của người dân bởi khi ngầm được hoàn thành, việc đi lại, thu mua, vận chuyển khai thác gỗ rừng của người dân sẽ thuận tiện hơn, giá trị kinh tế sẽ cao hơn. Ngân bảo: Công trình này dân đồng thuận rất cao. Từ lúc có chủ trương đến khi khởi công chỉ trong thời gian ngắn. Bà con rất phấn khởi.

Đúng là sức dân- sức nước. Vì dân, dân đồng thuận, chả toan tính gì!

Là dân trước khi là cán bộ

Về xã được hơn 2 năm, lúc rảnh rỗi hay ngày cuối tuần, Ngân lại tranh thủ đi cơ sở, tham gia các hoạt động cùng bà con. Nay chị rủ tôi về thăm bản người Dao ở khu Phiên Hương, thôn Sản mà theo Ngân, được cùng bà con thêu thùa, khâu áo cũng là một cách “sống chậm”, để thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn.

Đồng bào Dao ở đây sống cách khá xa trung tâm. Cả khu chỉ có 15 hộ, 68 khẩu. Trước khi đi, Ngân không quên mang theo tấm vải hôm trước đang thêu dở và đón “thổ công”, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Thị Hòa cùng đi để phiên dịch.

Bà con dân tộc Dao hướng dẫn Ngân cách thêu áo.

Bà Hai, chị A Múi, A Chải, A Nảy… ở xóm có vẻ khá thân thiết với Ngân và Hòa. Mọi người lấy sẵn chỉ thêu, hướng dẫn Ngân thêu tiếp.

Hòa bảo, phụ nữ Dao ở Phiên Hương ai cũng biết thêu thùa. Từ nhỏ, các bé gái đã học thêu để may váy áo mặc đi hội, đi chợ; lớn lên thì tự thêu trang phục cưới cho mình. Sau về nhà chồng, họ lại truyền dạy cho con cháu, để bản sắc dân tộc mình không bị mai một. Mà để thêu được một bộ váy áo, phải mất hàng tháng trời, có khi cả năm vì rất tỉ mỉ.

Lúc về, bà Hai ra tận cửa dúi cho Ngân cuộn chỉ màu và dặn: Khi nào cán bộ Ngân thêu xong khăn thì mới được về phố huyện, không bà con giận. Thêu được khăn thì mới nhớ tới bà con, nhớ bản Dao Phiên Hương…

Bản người Dao khu Phiên Hương vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa.

Là cán bộ luân chuyển, Ngân biết mình bị hạn chế về rào cản ngôn ngữ, không biết tiếng địa phương nhưng chị vẫn chọn cách đi về với dân. Bởi trước khi là cán bộ mình là dân, có dân thì mới có cán bộ. Đi về với dân mới nghe được nhiều, mới biết dân cần gì để giải thích, giải quyết, bằng trách nhiệm và tình cảm của mình.

Tôi nhớ hôm cùng Ngân, chị Nhỏ- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã tới thăm gia đình ông Lê Minh Chuyên, 74 tuổi ở thôn Dần 3. Ông là 1 trong 26 hộ nghèo của xã được hỗ trợ xây nhà, từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Mừng cho ông có nhà mới, không phải chạy bão như trước nhưng Ngân quan sát thấy sân nhà cao quá, lại chưa có rào chắn, chỉ sơ sẩy là có thể bị hụt ngã. Chị đã trao đổi với trưởng thôn và bà con chòm xóm giúp gia đình ông tận dụng nguyên liệu, xây thêm tường rào cho an toàn.

Bí thư Hoàng Thị Ngân và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đinh Thị Nhỏ dặn ông Lê Minh Chuyên xây thêm tường rào.

Ngân bảo, ông bà già yếu, khác gì bố mẹ em ở nhà. Nhỡ sẩy chân, ngã ra đấy thì tội!

Hôm trước gặp gỡ bà con thôn Dần, Ngân gợi mở, tại sao đất đai của Hữu Sản rộng, bà con cần cù mà cả xã vẫn phải mua rau từ dưới Lạng Giang, Lục Nam lên; từ Đình Lập, Lạng Sơn sang.

Bà con bảo, do cả làng trồng keo, người không trồng thì đi làm thuê, giá cao nên ngại trồng hoa màu, cây xanh. Bí thư giải thích: Trồng rau xanh không tốn bao thời gian mà sẵn rau vườn nhà, vừa chủ động vừa sạch sẽ; chưa kể người già, trẻ con ai cũng đều tranh thủ trồng được. Đất đai quanh nhà có sẵn, chỉ cần bà con thay đổi.

Không phải người địa phương nên trong các cuộc họp Đảng ủy, Ngân thường động viên, khích lệ cán bộ đi đầu trong phát triển kinh tế. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; cán bộ trồng cây gì, nuôi con gì, chắc chắn bà con sẽ để ý và làm theo. Thành ra, ở Hữu Sản, sáng ra, cán bộ tranh thủ đi làm đồng, đi làm dân trước rồi mới đi làm cán bộ.

Nhiều gia đình cán bộ thôn, xã ở Hữu Sản gương mẫu làm kinh tế.

Chả thế mà nhà anh Kính- Chủ tịch UBND xã gà đầy vườn; nhà chị Nhỏ- Phó Bí thư Thường trực chuyên nuôi gà trống thiến OCOP; nhà anh Thủy, chị Hòa- Phó Chủ tịch xã trồng chè hoa vàng; nhà anh Trọng- Chủ tịch MTTQ xã đi đầu trồng cây ba kích… Còn cây keo, cây bạch đàn thì 100% nhà cán bộ đều trồng theo chứng chỉ quốc tế, gương mẫu để bà con trồng theo.

Làm Bí thư Đảng ủy xã có sướng?

Trung bình một tháng, Ngân nhẩm tính mình có khoảng 20 cuộc họp, cuộc giao ban từ trực tuyến Trung ương tới họp ở cơ sở. Chưa kể, chị còn là đại biểu HĐND huyện, tỉnh, thời gian dành cho hội họp, nghiên cứu văn bản chiếm khá nhiều. Trong khi tính chất công việc cấp xã, vừa giải quyết những công việc hằng ngày; vừa phải nắm chủ trương, vừa phải thuộc đường lối và quan trọng, phải đưa chủ trương đó vào cuộc sống, bằng những cách làm phù hợp.

Vì là cán bộ cơ sở, gần dân, sát dân nên có việc có tên, có việc không tên; có việc giải quyết ngày, có việc giải quyết cả buổi tối, không theo quy luật nào. Ngay như chuyện đi ăn cỗ cũng phải sắp xếp, bởi có cỗ huyện, cỗ xã, cỗ thôn, cỗ chi bộ cơ sở; thậm chí cả cỗ nhà dân, quý cán bộ mới mời. Rồi chuyện họp thôn, ngày bà con đi làm, tối về mới họp, cũng trân trọng mời Bí thư.

Là cán bộ luân chuyển, Ngân chọn đi cơ sở, đến với dân để hiểu dân hơn.

Ngân chia sẻ: Chưa bao giờ, chị nghĩ sẽ làm Bí thư Đảng ủy một xã, lại là xã xa nhất, sâu nhất, khó khăn nhất như Hữu Sản. Nhưng có lẽ nghề chọn người, tổ chức phân công, Hữu Sản chọn chị, dù chẳng có trường lớp nào dạy làm Bí thư xã cả. Ban đầu đi là nhiệm vụ; sau ở lâu, gắn bó, là trách nhiệm, là yêu thương.

Hơn nữa, là cán bộ luân chuyển nhưng chưa bao giờ, chị cảm thấy lẻ loi, đơn độc. Cấp trên quan tâm, thường xuyên hỏi han tình hình địa phương, có gì khó khăn, cần tháo gỡ. Về cơ sở được đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ; về với dân được bà con tin yêu, đùm bọc. Chỉ có điều, là phụ nữ, dù đã rất cố gắng nhưng đôi khi chị vẫn cảm thấy chưa trọn vẹn với gia đình, người thân; nhất là với hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, rất cần mẹ hằng ngày.

Buổi tối, Ngân tranh thủ hướng dẫn con học bài.

Không ít người hỏi, làm Bí thư Đảng ủy xã sướng không, vì chỉ thấy đi họp, ra văn bản, nghị quyết, lương lại cao?! Ngân bảo, lương thì theo hệ số. Trẻ tuổi như cô thì hệ số thấp, lương chưa cao, chỉ có tiền thu hút đặc thù, thêm được chút hỗ trợ vào xăng xe, đi lại, ăn ở. Còn về công việc, không có việc gì bây giờ là nhàn, là sướng cả nhưng làm Bí thư cơ sở có khi sướng hơn thật, bởi được ở gần dân, sống trong dân và được dân tin yêu. Điều đó là có thật, không gì đong đếm được.

Xã Hữu Sản ngày càng đổi mới.

Một tuần rong ruổi, “ba cùng” với Hoàng Thị Ngân, một nữ Bí thư Đảng ủy xã trẻ, tôi cứ nghĩ tới bài thơ “Anh chủ nhiệm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. “Anh làm chủ nhiệm đã ba năm/ Ba năm vật lộn cùng khó khăn/ Có mùa mạ cháy đồng khô cạn/ Mười bậc nước leo lên ruộng hạn/ Có mùa lúa chín lụt tràn qua/ Lại phải nghiêng đồng hắt đổ ra”… So sánh thì không phải, khập khiễng nhưng nếu có một Hoàng Trung Thông thứ hai, tôi sẽ nhờ ông vẽ chân dung của gần 11 nghìn Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn trong cả nước. Họ cũng giống như anh chủ nhiệm, cũng như bao công bộc của dân khác, kiên trì vì dân, sống trong dân để trở thành niềm tin của dân, điểm tựa của Đảng, góp phần xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn./.

Thu Hương - Hữu Trình


mot-tuan-cua-bi-thu-dang-uy-xa-bai-3-song-trong-long-dan-063849-postid407256.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...