eMagazine
Thứ 7: 16:48 ngày 26/12/2020
Thứ 7: 16:48 ngày 26/12/2020
bacgiang-emagazine
{keywords}

Câu chuyện về núi Dành (xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) có sản vật tiến Vua-sâm Nam lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay đã thôi thúc tôi tìm về khu di tích này. Đến đây, gặp gỡ, trò chuyện với người dân địa phương mới biết vùng đất này không chỉ có sâm Nam mà còn là nơi hội tụ của những sắc màu văn hóa.

Từ TP Bắc Giang có nhiều đường để đến núi Dành nhưng tôi chọn đi theo Quốc lộ 17 rồi rẽ vào đường liên xã Việt Lập-Liên Chung. Đang là mùa đông nên hai bên đường là một màu xanh mướt của ngô, khoai lang và nhiều loại rau màu khác. Đi khoảng 5 km từ lối rẽ, Khu di tích lịch sử văn hóa núi Dành đã hiện ra trước mắt tôi.

{keywords}

Núi Dành nằm cách dòng sông Thương thơ mộng không xa, có đỉnh cao nhất khoảng 117 m so với mặt nước biển và là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên sau núi Đót (xã Phúc Sơn). Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp với rừng thông khoảng 50 năm tuổi. Nhiều người đến núi Dành có chung nhận xét như đang ở trong rừng thông TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Anh Hoàng Tiến Dũng ở xã Mường Than, huyện Than Yên (tỉnh Lai Châu) nói: “Tôi biết núi Dành qua Internet đã lâu, nay mới có dịp tới thăm. Quả thật phong cảnh nơi đây rất đẹp, không khí trong lành, ngồi nghe thông reo thật lãng mạn. Nếu có dịp, tôi sẽ rủ người thân và bạn bè tới đây chơi”.

{keywords}

Đường vào khu di tích.

Đường lên núi Dành được xây bậc gạch với tổng cộng 345 bậc thoai thoải. Ngay dưới chân núi là giếng Mũi Voi, sâu khoảng 2m, đã được xây bó bờ xung quanh. Người dân địa phương cho biết nước giếng luôn trong xanh và không bao giờ cạn.

{keywords}

Du khách tham quan núi Dành.

Tọa lạc ở núi Dành là đền Dành, công trình văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Quần thể đền Dành gồm 3 đền: Đền Trình (dưới chân núi), đền Thượng (trên đỉnh núi) và đền Hạ (khu vực lưng chừng núi). Đền Dành thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, khi sống là những vị tướng tài giỏi, thác đi trở thành những vị thần linh thiêng, hiển thánh lại âm phù, giúp dân trừ tai diệt họa, được nhân dân nhiều đời thờ phụng. Không ai biết chính xác đền Dành được xây dựng từ khi nào nhưng căn cứ vào những tài liệu hiện vật di tích như cột đá, bát hương cổ, đồ tế khí, ngai thờ còn lưu giữ trong đền... thì công trình này được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVIII.

{keywords}

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đền đã bị hủy hoại đi nhiều, không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, nhân dân nơi đây đã nhiều lần trùng tu, cải tạo, ngôi đền đã khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng vẫn còn lưu lại nhiều nét cổ kính, riêng biệt.

{keywords}

Đền Thượng trên đỉnh núi.

Đặc biệt, đền Dành hiện nay được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 2017 với quy mô lớn hơn nhưng vẫn nằm trên cốt nền của ngôi đền cổ xưa theo lối kiến trúc kiểu hình chữ công, gồm tòa bái đường 3 gian nối với tòa hậu cung 2 gian bằng một dải ống muống.

{keywords}

Đền Thượng, đền Trình và giếng Mũi Voi  (từ trên xuống dưới). 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, đền Dành và núi Dành là trạm tiền tiêu để bộ đội ta phục kích bảo vệ vùng tự do. Cũng tại nơi đây, vào ngày 13/4/1950 có 2 chiến sĩ du kích là Nguyễn Bá Giai và Nguyễn Đình Khái đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cảnh giới canh gác tiền tiêu

{keywords}
{keywords}

Sâm Nam hiện được trồng khá nhiều dưới chân núi Dành.

Đến với Khu di tích núi Dành, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan bao la hùng vĩ mà còn được nghe câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sản vật tiến Vua-sâm Nam của người dân nơi đây. Chuyện kể rằng, ở một đỉnh núi nọ có hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Một hôm, người mẹ đột ngột lâm bệnh nặng nhưng nhà không có tiền chạy chữa. Anh con trai đành lên núi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Đi đến gần tối vẫn không được gì, chàng trai ngồi nghỉ rồi ngủ thiếp đi dưới một gốc cây đại thụ lớn ở lưng chừng núi Dành. Trong giấc mơ, anh thấy mình tìm được gốc sâm cứu mẹ. Tỉnh giấc, bàn tay vẫn nắm chặt một thân dây rất nhỏ. Đưa lên ngửi, chàng mới hay mình đã tìm ra cây sâm tiên nên vội đào củ đem về sắc thuốc cho mẹ uống. Được uống sâm quý, người mẹ ít ngày sau liền khỏi ốm.

{keywords}

Công dụng của loài sâm quý này càng trở nên ly kỳ, hấp dẫn hơn và được ví như “tiên dược” khi giúp mẹ vua Tự Đức là Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (Từ Dụ) sáng mắt trở lại. Chuyện kể rằng thời vua Tự Đức, mẹ vua bị loà mắt. Thương mẹ, nhà vua đã tìm mọi thảo dược quý hiếm cũng như các bậc lang y tài giỏi lúc bấy giờ cứu chữa song bệnh ngày càng nặng. Các lang y kỳ tài, những phương thuốc hay đều đã dùng cả nhưng không có kết quả. Vào lúc nhà Vua vô vọng, một vị quan dâng lên một loài sâm quý tại vùng núi Dành. Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt thân mẫu nhà vua sáng lại. Bởi thế nên mới có câu ca: Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/Chữa loà cho mắt lại lành như xưa”.

{keywords}

Ông Dương Văn Viên, thôn Lãn Tranh (Liên Chung) giới thiệu khu vực trồng và sản phẩm sâm Nam.

Cũng từ đó, sâm núi Dành được ví như kỳ thảo, “tiên dược”, trở thành sản vật tiến Vua hàng năm. Quan lại địa phương ra sức tìm kiếm sâm Nam làm quà biếu  cấp trên và triều đình. Người dân địa phương vì cuộc sống mưu sinh cũng đổ xô vào rừng tìm sâm bán dẫn tới tình trạng cạn kiệt.

{keywords}

Sản phẩm sâm Nam được nhiều người ưa chuộng.

Với mong muốn bảo tồn sản vật của địa phương, một số người dân đã mang giống sâm quý này về trồng trong vườn nhà. Ở xã Liên Chung hiện có khoảng 5 ha trồng sâm Nam. Ông Nguyễn Tiến Khương, Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết: Địa phương đang xúc tiến thành lập HTX sản xuất sâm Nam núi Dành và lựa chọn địa điểm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm này tới du khách thập phương.

{keywords}

Anh Nguyễn Thế Sương, Bí thư Chi bộ thôn Hậu, xã Liên Chung-người đưa tôi đi tham quan Khu di tích núi Dành rất tự hào về địa phương mình bởi nơi đây có những nét văn hóa độc đáo. Quả thật, nhắc tới Liên Chung nhiều người biết tới nghệ thuật hát ví, hát ống-một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc bị lãng quên từ lâu nhưng nay đã được khôi phục trở lại. So với các loại hình dân ca khác, hát ví, hát ống có giai điệu đơn giản, gần gũi, dễ học, dễ thuộc, lời hát thường là những câu lục bát. Điểm mạnh của hát ví chính là ở ngôn từ phong phú, khả năng ứng biến linh hoạt của người hát cũng như sự sáng tạo trong lời bài hát. Trong quá trình hát, người hát có thể tự sáng tác sao cho phù hợp với hoàn cảnh.

{keywords}

Hát ống, hát ví đã được khôi phục thu hút lớp trẻ tham gia.

Hát ống về bản chất vẫn là hát ví nhưng hai bên hát thông qua một dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7-10cm, dài chừng 15-20cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người nghe dù đứng xa hàng chục mét vẫn nghe rõ tựa như phát ra từ chiếc loa nhỏ. Đặc trưng của loại hình hát dân gian này là lối hát giao duyên, đối đáp nam - nữ.  Đơn cử như lời ca rất tình tứ của người con trai nói với người mình mến: Hỏi cô thắt cái bao xanh/Có về làng Hậu quê anh thì về/Làng Hậu có gốc cây đề/Có sông tắm mát có nghề làm ăn. Người con gái trả lời: Thương anh em cũng muốn về/ Chỉ e vụng dại bạn chê, người cười/ Thương nhau chín bỏ làm mười/ Thế gian cứ nhại ai cười mặc ai.

{keywords}

Khu vực núi Dành xưa có lễ hội Bảo Lộc Sơn nổi tiếng khắp vùng. Đầu thế kỷ XIX, Bảo Lộc Sơn là một tổng thuộc huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang gồm 4 xã: Bảo Lộc Sơn, Chung Sơn, Tưởng Sơn và Kim Tràng. Lễ hội Bảo Lộc Sơn hàng năm tổ chức vào ngày 16, 17 tháng Giêng, trung tâm tại quần thể di tích đình Um Ngò, xã Việt Lập. Lễ hội này là ngày hội tứ đình, còn gọi là tứ giáp, đặc trưng của các dòng họ: Thân, Giáp Nguyễn và Đồng…ở 4 làng: Kim Tràng, Khoát, Nguyễn và Um Ngò. 4 làng này có 4 ngôi đình, thờ 4 vị Thành Hoàng. Sau khi các làng Nguyễn, Kim Tràng, Khoát mở hội, thì rước kiệu về đình Um Ngò mở hội vào ngày 16 và 17 tháng Giêng, để rồi từ đó rước kiệu lên nghè Cả trên đỉnh núi Dành làm lễ mở đầu cho một năm. 4 lễ hội làng tụ lại thành lễ hội Bảo Lộc Sơn. Phần hội gồm những trò chơi như đu cây, chọi gà, đấu vật, thả diều... Những ước mong cầu mưa gió thuận hòa, dân khang vật thịnh. Lễ hội Bảo Lộc Sơn được khôi phục lần đầu năm 1996. Năm 2019, UBND xã Việt Lập tiếp tục tổ chức khôi phục lại lễ hội Bảo Lộc Sơn.

{keywords}

Trò chơi cướp cầu móc trong lễ hội tại xã Việt Lập.

Cùng với văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực nơi đây cũng nổi tiếng gần xa với sản phẩm nem nướng Liên Chung. Nem là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam, được làm thịt lợn sống, rồi để lên men. Nem Liên Chung đặc biệt ở chỗ trước khi ăn phải nước trên than củi (ngày nay có thể nước bằng điện, ga, lò vi sóng). Khi đó thịt lợn trộn thính để lên nem được làm chín từ nhiệt tạo ra một mùi thơm không thể lẫn vào đâu được. Hiện nay, ở Liên Chung có hàng chục hộ làm nem cung cấp ra thị trường nhưng quy mô hơn cả là cơ sở nem Thế Hạt. Anh Nguyễn Thế Hạt, chủ cơ sở cho biết mỗi ngày gia đình dùng khoảng 30-40 kg thịt lợn làm nem (tùy theo lượng đặt của khách), tương ứng với 200 quả nem thành phẩm. Nem Liên Chung chủ yếu làm phục vụ các đám cưới, quán ăn và bán cho du khách mua về làm quà .

{keywords}

Đặc sản nem nướng Liên Chung nổi tiếng khắp vùng.

Ngoài ra, khu vực núi Dành còn có một số sản phẩm được nhiều người biết đến như hành tía (hiện nông dân vẫn trồng). Cùng với sâm Nam, sản phẩm này cũng đã đi vào ca dao và là niềm tự hào của người dân nơi đây: “Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn (Chung Sơn là tên xã trước đây của Liên Chung-PV).

{keywords}

Tân Yên là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng và là nơi có nhiều cảnh quan đẹp như: Núi Dành, núi Đót, hồ Đá Ong (Lan Giới)... Cùng đó là một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa dày đặc với 429 di tích các loại trong đó có 95 di tích được xếp hạng (12 di tích quốc gia đặc biệt, 5 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh). Ngoài ra, huyện có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú để kết hợp với phát triển du lịch như: Hàng năm, có khoảng 190 lễ hội thôn làng, xã trong đó có 4 lễ hội trọng điểm của huyện là đình Hả (Tân Trung), đình Vồng (Song Vân), đền Trũng (Ngọc Châu), đền Dành (Liên Chung) và một lễ hội quy mô cấp huyện tổ chức 5 năm một lần là hội Cầu Vồng.

{keywords}

Khu di tích núi Dành nhìn từ trên cao.

Như vậy có thể khẳng định rằng núi Dành, đền Dành và lễ hội Bảo Lộc Sơn mới được khôi phục có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch địa phương, tạo thành những tour du lịch hấp dẫn du khách mỗi khi đến Tân Yên. Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Trường phòng Văn hóa huyện Tân Yên khẳng định: “Núi Dành là một trong 7 điểm du lịch của huyện gồm: Khu di tích núi Dành; chùa Tứ Giáp khu K12 (thị trấn Nhã Nam); đình, chùa Vồng (xã Song Vân); đền Trũng (xã Ngọc Châu); đình, chùa Hả (Tân Trung); đồi văn hóa kháng chiến (xã Quang Tiến) và điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Đót (Phúc Sơn). Bởi vậy, giai đoạn 2015-2020, huyện Tân Yên đã xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển du lịch tâm linh sinh thái núi Dành; lập quy hoạch 1/2000”. Trên cơ sở đó, huyện đầu tư làm đường từ quốc lộ 17 tới chân núi Dành, gồm hai tuyến, dài khoảng 7km; làm đường nội bộ chạy quanh núi Dành từ thôn Đồng Sen (Việt Lập) đến thôn Hậu (Liên Chung) dài 3km, rộng 3-4m; xã hội hóa xây dựng lại đền Dành (đền Thượng) với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng; khôi phục CLB hát ống hát ví Liên Chung; khôi phục lễ hội Bảo Lộc Sơn (15 tháng Giêng) và trò chơi cướp cầu móc; mở rộng không gian lễ hội đền Dành...Nhờ đó, số người đến Khu di tích lịch sử văn hóa núi Dành ngày một tăng, mỗi năm ước tính tới hàng vạn lượt người.

{keywords}

Đền Hạ thuộc địa phận xã Việt Lập.

Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên thông tin: Định hướng phát triển của huyện đối với Khu di tích núi Dành là xây dựng thành khu du lịch tâm linh sinh thái với dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với đường vành đai V; khôi phục văn hóa phi vật thể, nâng cấp lễ hội Bảo Lộc Sơn thành cấp vùng. Để làm được điều này, ngoài nguồn lực địa phương, Tân Yên có kế hoạch thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đây. Trước mắt, huyện sẽ tiến hành tu sửa toàn bộ bậc lên xuống núi Dành tạo thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm khu di tích này.

{keywords}

Khách du lịch lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ khi tới khu di tích núi Dành.

Với tiềm năng du lịch hiện có cùng những nét văn hóa độc đáo và định hướng phát triển của huyện, tin rằng khu di tích núi Dành sẽ trở thành “điểm đến” hấp dẫn, những nét văn hóa nơi đây sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.

Huy Nam
Huy Nam, CTV
Ngọc Nhi
{keywords}
khu-di-tich-nui-danh-noi-hoi-tu-cua-nhung-sac-mau-van-hoa-postid330085.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...