eMagazine
Thứ 3: 20:25 ngày 11/07/2023
Thứ 3: 20:25 ngày 11/07/2023
bacgiang-emagazine

(BGĐT) - Phát huy sức trẻ, tinh thần sáng tạo, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Bắc Giang đã và đang khẳng định vai trò lực lượng xung kích trong thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng trong nhiều lĩnh vực trên cả nước.

{keywords}

Bắc Giang có 73,5 nghìn ĐVTN. Đây là lực lượng xung kích, nhiệt huyết có khả năng sáng tạo, nắm bắt công nghệ nhanh. Để phát huy vai trò của tuổi trẻ, năm 2022, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh niên, thiếu niên; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong CĐS giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

{keywords}

Đề án lấy ĐVTN là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong hoạt động CĐS trên các trục nội dung: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã kiện toàn thành viên, bổ sung đồng chí Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn tham gia Ban Chỉ đạo để trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo tổ chức Đoàn hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đây cũng là điểm mới của Bắc Giang so với nhiều địa phương trong cả nước.

Trước đó, từ năm 2021, Tỉnh đoàn đã thành lập đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Sau đó, mô hình được nhân rộng trên toàn tỉnh. Hằng ngày, tại bộ phận một cửa các cấp luôn xuất hiện màu “áo xanh tình nguyện”, sẵn sàng hướng dẫn bà con cách tạo tài khoản, quy trình nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công. Công việc đó diễn ra hằng ngày, dần hình thành thói quen giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ trực tiếp sang trực tuyến cho nhân dân. Tại TP Bắc Giang, từ đầu năm nay, Thành đoàn triển khai mô hình “Ngày thứ Năm ba không”; “Ngày thứ Sáu nhanh”; chỉ đạo thành lập đội thanh niên xung kích tham gia hỗ trợ CĐS tại 16/16 phường, xã.

{keywords}

Theo anh Lương Quang Huy, Bí thư Thành đoàn TP Bắc Giang, trong ngày thứ Năm, các thành viên của đội là cán bộ, đoàn viên sẽ trực tại bộ phận một cửa hoặc nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm không tiếp xúc với cán bộ một cửa, không dùng tiền mặt, không giấy tờ.

Ngày thứ Sáu, đoàn viên tham gia hỗ trợ, làm thêm giờ để giải quyết các thủ tục cho công dân tại bộ phận một cửa, bảo đảm giải quyết TTHC trong ngày. Những biện pháp hỗ trợ thiết thực của ĐVTN tại bộ phận một cửa các cấp đã thúc đẩy tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh ngày càng cao, có thời điểm nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

{keywords}

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, ĐVTN trong tỉnh đã tích cực tham gia hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt định danh điện tử; hỗ trợ tiểu thương tại các chợ, khu dân cư lập mã QR cửa hàng; lập mã QR thanh toán không dùng tiền mặt. Ngày 28/5/2023, BTV Tỉnh đoàn phát động ĐVTN toàn tỉnh ra quân Ngày Chủ nhật xanh, ra quân 3 tuần cao điểm hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt định danh điện tử.

{keywords}

ĐVTN huyện Hiệp Hòa hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Toàn tỉnh huy động hơn 10 nghìn ĐVTN túc trực tại UBND xã, phường và đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền; hỗ trợ tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình, tại địa điểm công cộng đông người.

Với khẩu hiệu “Phụ huynh đưa con đi thi được cài định danh điện tử”, tại các điểm thi, trong khi chờ đợi con làm bài, những phụ huynh chưa biết cách hoặc chưa cài đặt ứng dụng VNeID được các thanh niên tình nguyện hướng dẫn cài đặt trên điện thoại thông minh. ĐVTN tự cài đặt, kích hoạt cho mình và giúp đỡ người thân, những người xung quanh, mục tiêu 1 người cài cho 15 người. Kết quả đến thời điểm này Bắc Giang xếp thứ 7/63 tỉnh, TP về đăng ký, kích hoạt định danh điện tử.

{keywords}

Sức trẻ, sự sáng tạo đã giúp ĐVTN trong tỉnh có nhiều ý tưởng, giải pháp đột phá về CĐS như mô hình: Tủ sách điện tử cộng đồng và Tủ sách chi bộ điện tử; thư viện số trong đời sống và giáo dục; hệ thống khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền cơ sở; không gian thực tế ảo “Bác Hồ với thanh thiếu nhi”; số hóa tên đường phố; phiên chợ 4.0; điểm phát wifi miễn phí cho thanh niên công nhân; công trình thanh niên số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ.

{keywords}

Đến dâng hương, vãn cảnh chùa, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Lam Cốt (Tân Yên) cho biết: “Chùa Bổ Đà là địa điểm tâm linh tôi đã đến nhiều lần nhưng ngại đọc ở các bảng giới thiệu vì mất thời gian. Nay trở lại, tôi thấy ở cổng có bảng mã QR, sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu rất thuận tiện. Nội dung giới thiệu về di tích được thuyết minh trên nền nhạc, hình ảnh ba chiều sinh động kèm tính năng chỉ đường nên tôi có thể quan sát tổng thể di tích, khám phá thêm nhiều điều”.

{keywords}

Theo anh Trần Văn Bình, Bí thư Huyện đoàn Việt Yên, xuất phát từ thực tế nhiều di tích chưa có hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng như chưa có nhiều thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách, Huyện đoàn đã triển khai số hóa và gắn mã QR tại di tích. Để chuẩn bị dữ liệu, các đoàn viên, tình nguyện viên đã dành nhiều thời gian thu thập tư liệu, quay phim, chụp ảnh… đưa vào các ứng dụng số hóa. Được biết hiện nay, tuổi trẻ toàn tỉnh đã xây dựng 98 công trình số hóa các điểm di tích lịch sử, địa chỉ đỏ.

Với mục đích xây dựng, nâng cao văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi và nhân dân, Thành đoàn TP Bắc Giang vừa thực hiện công trình “Tủ sách điện tử cộng đồng” và “Tủ sách chi bộ điện tử”. Chỉ trong 3 tháng thực hiện, 200 tủ sách đã được lắp đặt tại trụ sở UBND các phường, xã; nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; chung cư, công viên. Tủ sách có thiết kế giao diện 3D trực quan, sinh động theo hình thức sách lật kèm theo âm thanh, hình ảnh.

{keywords}

Phiên chợ “4.0” của ĐVTN huyện Yên Dũng được đông đảo người dân biết đến khi chỉ sau 3 ngày tổ chức đã bán 279 loại sản phẩm và thu được hơn 200 triệu đồng tiền mặt cùng hàng trăm đơn đặt hàng khác. Phiên chợ được tổ chức nhân dịp khai hội chùa Vĩnh Nghiêm tháng 3/2023 với 18 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện như: Gạo thơm Yên Dũng, tương La-Trí Yên, bánh đa Cảnh Thụy, tinh bột nghệ Thuỳ Dương…

{keywords}

Các sản phẩm bày bán tại đây đều có mã QR để khách hàng quét mã, tìm hiểu thông tin chi tiết về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, phương thức liên hệ mua hàng. Cùng đó, chủ các gian hàng cũng bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, phát trực tiếp để nhận đơn online. Từ ngày 15/6 đến 2/7/2023, tuổi trẻ Bắc Giang triển khai Chương trình "Lục Ngạn - Bắc Giang: Vải chuẩn từ tâm - Nâng tầm nông sản” trên sàn thương mại Lazada và bán được 50 tấn vải qua đây.

Nhiều bạn trẻ đã chủ động ứng dụng công nghệ trong quản lý, quản trị hoạt động; áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm; bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử và bước đầu cho hiệu quả. Điển hình là chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1990), thôn Lục Hạ, xã Tân Trung (Tân Yên), từ mô hình sản xuất bánh quế, mỳ gạo truyền thống, chị đã mạnh dạn vay vốn mua dây chuyền sản xuất hiện đại cho công đoạn tráng bánh, đóng gói để tăng năng suất lao động.

{keywords}

Hay như chị Hồ Kiều Oanh, xã Nam Dương (Lục Ngạn) nổi tiếng trên các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, sendo với sản phẩm mỳ rau củ đầy sáng tạo. Hiện toàn tỉnh có hơn 400 hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi và doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được duy trì hiệu quả nhờ ứng dụng chuyển đổi số.

(Còn nữa)

dau-an-tuoi-tre-bac-giang-trong-hanh-trinh-chuyen-doi-so-bai-1-thanh-nien-bac-giang-“phu-song”-chuyen-doi-so.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...