Bổ Đà sơn là một dãy núi lớn tiếp nối nhau trải dài chừng 2km bao bọc hai thôn Tiên Lát Thượng và Tiên Lát Hạ, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây có các dải núi nhấp nhô, cây xanh tươi tốt, ngàn thông sum họp, gió mát chim ca. Ẩn hiện dưới các tán cổ thụ là quần thể di tích chùa Bổ Đà trầm mặc, cổ kính uy linh, được tạo bởi các hạng mục: Chùa Tứ Ân, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao, ao Miếu.
Toàn cảnh chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao (2 ảnh trên) và những nét cổ kính mang đặc trưng của các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ (3 ảnh dưới).
Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ XI), được tu bổ, tôn tạo lớn vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) và các giai đoạn sau này. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Qua nhiều thế kỷ, chùa Bổ Đà đã được trùng tu nhiều lần, song cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau trải dài từ thế kỷ XVIII đến nay.
Khu nội tự (chùa chính Tứ Ân): Được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) do vị sư tổ họ Ngô, tự là Tính Ánh cùng nhân dân địa phương hưng công xây dựng, lập thành nơi khai trường thuyết pháp. Chùa được đặt tên là Tứ Ân với hàm nghĩa răn dạy phật tử phải biết báo đáp bốn ân (ơn): Ân trời đất, Ân đất nước, Ân thầy và Ân cha mẹ.
Thiết kế chùa theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc (một nét đặc trưng của chùa Việt Nam) bố trí tám cửa ra vào tượng trưng cho bát quái của vũ trụ, đường đi thiết kế theo kiểu chữ Lục, trời mưa đi từ nhà nọ sang nhà kia không bị ướt. Kiểu kiến trúc này giống với chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số 92 gian. Bao gồm: nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà hành lang hình thước thợ, nhà pháp, nhà khách, nhà ga, toà tam bảo. Tòa tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh. Phần hậu cung dài 12 m x 7,7 m gồm 5 gian. Toà tiền đường dài 21 m x 11 m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, nền nhà cao 0,90 m có 3 bậc. Bậc thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau; phía trên là 5 bộ cửa bức bàn. Dấu vết kiến trúc còn lại cho thấy các công trình được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn, từ khi khởi dựng đến nay vẫn ở nguyên vị trí ban đầu.
Trong chùa lưu giữ nhiều bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối và 39 pho tượng từ thời Lê Trung Hưng tạo bằng gỗ có giá trị nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật truyền thống. Bài trí tượng thờ tại tòa Tam bảo theo kiểu tiền Thánh-hậu Phật, có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa và Tam giáo đồng nguyên. Đây là cách bài trí khác biệt của chùa Tứ Ân với các ngôi chùa thờ Phật khác. Chùa là nơi tu hành và là trung tâm đào tạo các tăng, ni thuộc thiền phái Lâm Tế trong vùng Kinh Bắc xưa.
Am Tam Đức: Am Tam Đức được xây dựng cùng thời gian với chùa Tứ Ân vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Các tổ tu tại chùa đặt tên am là “Tam Đức” vì mong các tăng, ni tu hành tại đây sẽ thông tuệ được ba đức tính: Trí đức, đoạn đức và ân đức. Am Tam Đức là nơi thờ tổ Như Thị (tên tục là Phạm Kim Hưng) người có nhiều công lao chấn hưng, mở mang chùa Bổ Đà.
Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm gian trưng bày hiện vật chùa Bổ Đà.
Chùa Cao: Tương truyền, chùa Cao được xây dựng thời nhà Lý (thế kỷ XI), ban đầu chỉ là một gian chùa nhỏ bằng đất, lợp gianh tọa lạc trên đỉnh non cao Bổ Đà còn được biết đến với tên gọi chùa Quán Âm, nhân dân còn gọi bằng cái tên gần gũi là chùa ông Bổ hay chùa Bổ Đà gắn liền với sự tích người tiều phu chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng. Đến đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái (1720-1729) có vị trụ trì tên là Phạm Kim Hưng tiến hành trùng tu toà chính điện, thiêu hương, tiền đường, dựng cột đá, cột gỗ làm thêm được vài gian; trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo qua các đời cao tăng trụ trì chùa Cao ngày càng khang trang, tố hảo.
Kiến trúc của chùa gồm gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống.
Ao Miếu: Là nơi thờ Thạch Linh Thần Tướng hay Thạch Tướng quân, khu thờ tự chính tập trung tại quần thể đá thiêng thuộc khu vực Ao Miếu, thôn Hạ Lát. Tại đây nổi lên các khối đá lớn nằm xen cài lên nhau giữa một ao nhỏ mang tên “Thạch Long”, nơi đây tương truyền mẹ đá sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Thời bấy giờ giặc Man nổi lên ở biên cương, Thạch Tướng xin vua ra trận dẹp giặc. Giặc tan, Thạch Tướng trở về trang Tiên Lát, rồi lên đỉnh núi Phượng Hoàng hóa về trời. Dân trang nhớ ơn công lao mà lập đền thờ cúng.
Khu vườn tháp cổ kính lớn nhất Việt Nam: Khu vườn tháp nằm ở bên trái khu nội tự và vườn chùa, là một bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà trên diện tích gần 8.000 m². Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó xây dựng một bức thành dài bao quanh vườn tháp, giữ cho khu vườn luôn mang vẻ u tịch sâu lắng.
Đặc biệt là vườn tháp chùa Bổ Đà có cả tháp tăng và tháp ni, điều hiếm thấy ở các thiền phái khác. Với khoảng 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất trong số những ngôi cổ tự ở Việt Nam. Các ngôi bảo tháp đều được kiến tạo bằng đá, gạch chỉ và bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị tăng ni dòng thiền Lâm Tế từng tu hành tại chùa qua các thời kỳ lịch sử. Mỗi ngôi tháp an táng từ 4 thi hài đến 26 thi hài. Họ đều là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, quý mến nhau muốn khi được về nơi tịch diệt vẫn được nằm cạnh nhau. Đa số tháp trong vườn là tháp 3 - 4 tầng với độ cao 3 - 5 m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn nữa. Các ngôi tháp xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng rất chặt chẽ của thiền môn. Trong gia phả bằng chữ Hán của chùa ghi rất rõ ràng: "Chỉ những người trong phái Sơn Môn mới được an táng tại vườn tháp, tháp của tăng trên đỉnh có bình cam lộ đặt trên tòa sen, tháp của ni trên đỉnh có búp sen”.
Bộ mộc bản cổ - bảo vật quốc gia: Bên cạnh chốn tổ Vĩnh Nghiêm ở Yên Dũng, có thể nói sơn môn Bổ Đà là chốn tổ, trung tâm Phật giáo lớn thứ hai ở Bắc Giang, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và duy trì phát triển đạo Phật mà thiền phái Lâm Tế là chủ đạo. Để phục vụ cho việc tu tập, đào tạo các tăng, ni, nhà chùa đã tổ chức san khắc gần 2000 mộc bản bằng chất liệu gỗ thị có niên đại từ thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này, góp phần làm cho kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam càng thêm phong phú. Kho mộc bản nằm ở khu hậu viện của chùa. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc nét.
Bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật - gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi. Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Tam tổ; thể hiện triết lý gắn bó giữa đạo và đời.
Tường đất: Điều đặc biệt ấn tượng với du khách khi đặt chân đến Bổ Đà là các bức tường hai bên lối vào, cổng, tường bao quanh khuôn viên chùa và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Tường được chình bằng loại đất sỏi son ở núi Bổ Đà, có độ cao từ 1,8m đến 3 m, chân tường dày 0,8 m, đỉnh tường dày 0,4 m. Trên đỉnh tường có mõ tường được che bằng các mảnh gốm chum vại của làng Thổ Hà. Trải qua thời gian, mái và sườn tường đã ngả màu rêu càng làm tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi chùa. Những dải tường bằng đất có tác dụng chắn gió mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Trong khu vực chùa, nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ.
Hội thi hát quan họ: Hội chùa Bổ Đà hàng năm được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 2 âm lịch, đó cũng là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Trung tâm lễ hội diễn ra ở khu vực Bổ Đà, người dân trong vùng tổ chức lễ tế ở đền Hạ sau đó lên đền Trung và đền Thượng thắp hương và vãn cảnh chùa. Trên sân chùa, các đoàn hát biểu diễn liên tục suốt mấy ngày đêm. Những canh hát quan họ, mời trầu, mời nước của các liền anh liền chị làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi nhộn nhịp.
Ngày vào hội, trong tiết xuân tháng hai âm lịch ấm áp, ở vùng núi Bổ Đà tất cả các di tích như đền, đình, chùa đều mở cửa để dân làng tổ chức lễ tế, lễ rước và để đón khách thập phương. Khắp nơi trong hai thôn Lát Thượng, Lát Hạ, trên núi, dưới làng đều dập dìu những tốp người áo quần đẹp đẽ, đủ các sắc màu về đây trảy hội. Cả một vùng núi Bổ Đà rực rỡ bóng cờ. Tiếng trống tiếng phách rộn ràng.
Với giá trị tiêu biểu, độc đáo trên nhiều bình diện, năm 1992, chùa Bổ Đà được xếp hạng di tích quốc gia; năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng chùa Bổ Đà là di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam vinh danh và đưa vào danh sách kỷ lục của Việt Nam Bộ Mộc bản kinh Phật của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị hiện lưu giữ tại chùa Bổ Đà là bộ Mộc bản cổ nhất; Ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam. Năm 2017, Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác nhận kỷ lục Bộ Mộc bản kinh phật của chùa Bổ Đà là Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây vối và cây đa trong khu vườn chùa Bổ Đà là Cây di sản Việt Nam. Tháng 3/2017, Lễ hội Bổ Đà được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tháng 12/2017, Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia. Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-UBND công nhận chùa Bổ Đà là điểm du lịch của tỉnh.
Nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế của huyện đồng thời gắn với việc thực hiện Đề án số 4805/ĐA-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh Bắc Giang về “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030” cũng như thực hiện các nghị quyết của Huyện ủy, kế hoạch, chương trình của UBND huyện trong lĩnh vực văn hóa, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Việt Yên triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Chùa Bổ Đà cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang (ảnh trái); Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm chùa Bổ Đà (ảnh phải).
Thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang theo quyết định phê duyệt số 111/QĐ-TTg ngày 22/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao Sở VHTTDL và UBND huyện Việt Yên hoàn thành việc lập quy hoạch; tổ chức triển khai hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích chùa Bổ Đà tại một số hạng mục di tích gốc thuộc quy hoạch chùa Bổ Đà gồm chùa Tứ Ân, chùa Cao, am Tam Đức, Ao Miếu, khu vườn tháp...; phối hợp các đơn vị xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, chùa Bổ Đà xứng đáng là một điểm đến trong hành trình tìm về nguồn cội của du khách.
Ý kiến bạn đọc (0)