Dù thuộc nhóm không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ nhưng F0 điều trị tại nhà tuyệt đối không được chủ quan và phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc.
Dù thuộc nhóm không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ, nhưng F0 điều trị tại nhà tuyệt đối không được chủ quan và phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc.
Theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, có 4 việc các F0 tự cách ly và điều trị tại nhà cần làm, đó là:
- Bình tĩnh và lên kế hoạch cho quá trình tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà.
- Bảo vệ người khác không bị lây nhiễm.
- Giữ sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch.
- Phát hiện sớm dấu hiệu nặng để kịp thời tới bệnh viện.
Để thực hiện tốt những việc nêu trên, bệnh nhân cần phải chuẩn bị đủ:
Theo dõi sức khỏe trong thời gian điều trị
Người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe hằng ngày để kịp thời báo nhân viên y tế can thiệp khi có bất thường.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các nội dung theo dõi sức khỏe hằng ngày bao gồm:
- Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).
- Các triệu chứng:
+ Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài).
+ Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo.
+ Các triệu chứng khác như: đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…
Về vấn đề này, TS Thu Anh nhấn mạnh về 3 thông số quan trọng mà các F0 cần theo dõi thường xuyên là độ bão hòa oxy trong máu, nhịp thở và nhiệt độ cơ thể.
Theo chuyên gia này, việc đo SpO2 giúp đánh giá tiến triển bệnh khi mắc Covid-19.
Để đo SpO2 bằng máy đo chuyên dụng cần thực hiện 6 bước sau:
Bước một: Bỏ móng tay giả hoặc lau sạch sơn móng tay (nếu có).
Bước 2: Nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.
Bước 3: Xoa 2 tay vào nhau để làm ấm ngón tay.
Bước 4: Đưa ngón trỏ hoặc ngón giữa vào miệng máy để ngón tay được kẹp chặt và bật máy.
Bước 5: Giữ yên máy đo và ngón tay trong một phút cho đến khi số đo được ổn định hơn 5 giây.
Bước 6: Xem kết quả và ghi lại chỉ số cao nhất mà bạn đo được.
Về cách đọc kết quả đo SpO2, theo TS Thu Anh, nếu kết quả nằm trong khoảng 95-99% là bình thường; 93-94% khi đang nằm, ngồi và kiểm tra lại sau một tiếng thấy giá trị không đổi tức là có dấu hiệu thiếu oxy; nếu kết quả từ 92% trở xuống tức là đã bị giảm oxy trong máu.
"Lưu ý rằng, với người mới đo lần đầu hoặc đang lo lắng thường sẽ bị điều chỉnh nhịp thở theo phản xạ dẫn đến chỉ số SpO2 thấp. Trong trường hợp này, đừng quá lo lắng, hãy nghỉ ngơi và chờ đo lại sau một giờ đồng hồ. Nếu kết quả đo SpO2 thấp cả 2 lần đo thì cần liên hệ với cán bộ y tế.", TS Thu Anh chia sẻ, "Ngoài ra, những người có bệnh hô hấp mạn tính thì chỉ số SpO2 sẽ thấp, nên khi mới mua máy hãy đo ngay chỉ số này và so sánh với các lần đo sau".
Sau khi đo chỉ số SpO2, cần đo thêm nhịp thở và nhiệt độ cơ thể. Đối với chỉ số nhịp thở có thể đo bằng cách đặt tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong một phút.
Nhịp thở bình thường sẽ ở mức 16-20 lần/phút.
Nên đo các chỉ số ít nhất 3 lần/ngày và vào các khung thời gian cố định, ví dụ như trước khi ăn. Các kết quả cần cập nhật đầy đủ vào bảng theo dõi.
Khi phát hiện một trong các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý F0 điều trị tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu:
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở:
+ Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút.
+ Trẻ từ một đến dưới 5 tuổi: nhịp thở: ≥ 40 lần/phút.
+ Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút.
Lưu ý ở trẻ em: Đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.
- SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo)
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
- Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm Covid-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.
Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ chiến đấu với virus và sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng. Bệnh nhân có thể xử trí các triệu chứng thường gặp theo hướng dẫn dưới đây của BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà:
Sốt
- Người lớn sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì uống mỗi lần một viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên. Đồng thời uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
- Trẻ em sốt trên 38,5 độ C có thể uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Có thể dùng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg.
Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người bệnh cần thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.
Ho, hắt hơi
Đây cũng là những triệu chứng thường gặp ở các F0. Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm ho nếu ho nhiều gây khó chịu, gây đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ...
Buồn nôn và nôn
Việc nôn có thể khiến cơ thể bị mất điện giải, mệt mỏi nên bệnh nhân có thể uống oresol hoặc dùng thuốc để hạn chế tình trạng nôn.
Đi lỏng
Việc đi lỏng quá nhiều có thể khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và điện giải nên cần hạn chế, nhất thiết phải bù nước, điện giải.
Ngoài ra, người bệnh có thể thấy đau nhức mình mẩy, đặc biệt là các khớp. Một số có thể bị mẩn ngứa, dị ứng, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc chống dị ứng thông thường. Bệnh nhân cũng có thể thấy căng thẳng, lo lắng, mất ngủ, một số thấy tức ngực, khó thở nhưng SpO2 vẫn 98-99% thì đó là do tâm lý.
Nước oresol, nước trái cây, đồ ăn phong phú
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một số bệnh nhân Covid-19 bị mất khứu giác, vị giác, thậm chí mất luôn cảm giác đói, khát, dẫn đến ăn uống không đầy đủ rất nguy hiểm.
Với những F0 này, người thân phải luôn nhắc họ ăn uống đầy đủ, ăn các đồ ăn mềm, dễ nuốt, luôn ý thức không ngon miệng cũng phải cố ăn. Bên cạnh đó, tất cả bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà nên bổ sung điện giải bằng nước oresol, các loại nước trái cây như nước cam, nước bưởi, nước dưa hấu...
Bữa ăn của bệnh nhân F0 phải đảm bảo 4 nhóm gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để nâng đỡ cơ thể khỏe mạnh.
Kiểm soát oxy máu, kết nối với y tế cơ sở
Tình trạng thiếu oxy hòa tan trong máu là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bệnh nhân Covid-19. Nhiều trường hợp diễn biến rất nhanh, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn.
"Điều nguy hiểm là ở một số bệnh nhân, họ không phát hiện dấu hiệu thiếu oxy nên rất muộn mới phát hiện ra, khi vào viện đã nguy kịch", BS Cấp cho biết.
Đáng nói, không thể biết được ai có nguy cơ bị thiếu oxy. Cũng như một số bệnh nhân Covid-19 bị mất mùi, mất vị, chúng ta không biết ai có nguy cơ mất mùi, mất vị, chỉ khi xuất hiện mới biết. Tương tự với thiếu oxy, có những bệnh nhân mất cảm giác khó thở, dù nồng độ oxy máu giảm nhưng không cảm nhận được, chỉ đến khi mệt lả, ngất xỉu mới phát hiện nguy cơ này.
"Trên 70% bệnh nhân Covid-19 có tổn thương phổi ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu tổn thương rất là nhỏ, cơ thể bù trừ được, không gây ảnh hưởng gì. Tổn thương lớn hơn khiến cơ thể không bù trừ được, biểu hiện là tụt oxy trong máu. Lúc này cần có sự hỗ trợ của các biện pháp hồi sức", BS Cấp khuyến cáo.
Tốt nhất là tất cả các bệnh nhân cần được theo dõi SpO2. Vì nếu không theo dõi chủ động, đến khi bệnh nhân thấy mệt lả, thậm chí ngất xỉu sẽ là khá muộn.
BS Cấp khuyến cáo, với F0 đang điều trị tại nhà, có thể chủ động trang bị máy đo SpO2. Trong trường hợp không có sẵn, người bệnh cần kết nối với y tế cơ sở để được khám, đánh giá chỉ số oxy máu hằng ngày. Họ cũng là lực lượng sẽ hỗ trợ F0 đến bệnh viện đúng tuyến khi có dấu hiệu trở nặng.
Tuyệt đối không dùng thuốc bừa bãi
BS Cấp khuyến cáo, F0 cần bình tĩnh điều trị. 80% F0 không có triệu chứng, hoặc biểu hiện triệu chứng nhẹ, chỉ cần dùng các thuốc thông thường như hạ sốt, vitamin bồi bổ cơ thể. Còn các thuốc kháng virus, kháng viêm, chống đông máu tuyệt đối không được dùng bừa bãi bởi có thể gây hại.
Các thuốc hạ sốt, vitamin mỗi người cũng nên chuẩn bị chủ động trong tủ thuốc gia đình. Đây đều là những thuốc thông thường, rất phổ biến, phòng cho tình huống bỗng nhiên trở thành F0 không thể tự đi mua được. Các thuốc này cũng được dùng phổ biến để hạ sốt, tăng cường sức khỏe trong các bệnh lý khác.
Ý kiến bạn đọc (0)