Nguyễn Tiến Anh và đôi chân kỳ diệu

(BGĐT) - Nguyễn Tiến Anh (SN 2010) ở thôn Muối, xã Lan Mẫu (Lục Nam) khi sinh ra không có hai tay. Với đức tính kiên trì, nhẫn nại, cậu bé rèn cho đôi chân trở nên khéo léo, làm được hầu hết công việc của người bình thường. Trong tình yêu thương của mẹ, Tiến Anh đã lớn lên, luôn vui vẻ, hồn nhiên, hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa.


Trưa hè yên ả, trong căn nhà nhỏ nằm giữa thôn Muối, khi những đứa trẻ đã ngủ say, tôi ngồi trò chuyện với mẹ của Tiến Anh. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Tuyên (SN 1985). Tuyên kém tuổi tôi, dáng cao, gầy, dù mới tiếp xúc, tôi cảm nhận cô thuộc tuýp người đảm đang, tháo vát và mạnh mẽ.
- Cả xóm này, có lẽ chẳng ai làm khỏe như em. Mà không khỏe, không xốc vác thì mình em không thể lo nổi cho ba đứa con chị ạ - Tuyên bảo vậy. Bằng chứng là một mình cô làm mẫu rưỡi ruộng, mùa nào thức ấy, lúa, ngô, rau, đậu đủ cả. Để có thêm thu nhập, cô nhận nấu cơm cho một trường mầm non tư thục ở gần nhà.

Tuyên lớn lên ở làng, 20 tuổi đi làm công nhân rồi lấy chồng xa quê. Cứ ngỡ cuộc sống êm ả nhưng chỉ được thời gian ngắn, hôn nhân tan vỡ, Tuyên ôm con trai đầu lòng về lại thôn Muối sống với bố mẹ đẻ. Vài năm sau, mong muốn con có anh, có em, người mẹ trẻ quyết định sinh thêm mà không đi bước nữa.
“Những tháng đầu mang thai em đi khám đều đặn, thấy bác sĩ chẩn đoán mang thai đôi, con phát triển bình thường em rất mừng. Trong thâm tâm, em nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe tốt nên sẽ không có chuyện gì xảy ra với hai đứa bé đang mang trong bụng” - Tuyên trải lòng.
Nhưng rồi mọi chuyện không như Tuyên nghĩ. Vào những tháng cuối thai kỳ, trong một lần đi siêu âm, cô sững sờ khi bác sĩ nói có một bé phát triển không bình thường, bị thiếu đôi tay.
“Lúc ấy, em hoang mang, lo lắng nhưng đành chấp nhận số phận, dù con có như thế nào vẫn là giọt máu của mình. Lúc em sinh ở bệnh viện, chính mẹ em và các bác sĩ lo lắng, cố gắng làm công tác tư tưởng còn em lại rất bình tĩnh đón hai con, đặt tên là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Tiến Anh”.
Cả hai cậu bé song sinh dường như biết hoàn cảnh của mẹ, lúc còn nhỏ ít khi ốm đau, quấy khóc, thường ở nhà với bà ngoại để mẹ đi làm. Tuấn Anh lớn nhanh, biết lẫy rồi biết bò, còn Tiến Anh với cơ thể khiếm khuyết, cứ lăn tròn theo anh.
Nhìn cảnh ấy, Tuyên đã nghĩ đến tình huống tệ nhất, có thể Tiến Anh không bao giờ đứng dậy đi lại được. Ôm con trong lòng, không biết bao đêm nước mắt người mẹ đã rơi.
Song như có phép màu, khi anh trai song sinh tập đi thì Tiến Anh cũng tự đi men ven tường, ai đến giúp nhất định không chịu. Rồi một ngày, lúc đi làm về, Tuyên vỡ òa khi thấy cả ba đứa con cùng ra cổng đón mẹ.

Tiến Anh và người anh song sinh.
Với Tuyên, con biết đi đã là niềm hạnh phúc lớn lao, giúp cô có thêm hy vọng. Những ngày sau đó, Tiến Anh lò dò đi khắp nhà. Vì không thể tự cân bằng cơ thể nên chỉ bị vấp nhẹ, cậu bé đã ngã sứt cằm. Phải mất thời gian khá dài, Tiến Anh mới biết ngóc đầu lên nếu bị ngã, khuôn mặt đỡ sứt sẹo.
- Chừng hơn 2 tuổi, Tiến Anh nói sõi, biết dùng chân chơi đồ chơi, tập xúc cơm ăn. Khi cho con đi học mầm non, em mong con có môi trường để hòa nhập, không phải thui thủi ở nhà chứ chưa dám nghĩ con có thể tập tô, viết, vẽ như các bạn. Vậy mà cứ dần dần, con tự làm được tất cả.
- Tiến Anh có bao giờ băn khoăn, thắc mắc về đôi tay của mình không em? - Tôi hỏi Tuyên.
- Có chị ạ, lúc còn nhỏ, cháu hay hỏi mẹ: “Sao các bạn có tay mà con lại không có tay?”; “Bao giờ tay con sẽ mọc như tay các bạn hả mẹ?”. Dù rất thương con nhưng em chọn cách nói thật, giải thích cặn kẽ nhiều lần con mới chấp nhận rằng mình là người khuyết tật, sẽ không có đôi tay nào mọc lên được nữa. Có lẽ cũng vì vậy mà Tiến Anh quyết tâm “ép” đôi chân vận động theo ý mình, làm việc thay đôi tay. Đến giờ thì cháu không hỏi nữa, tâm lý khá thoải mái, không tự ti, mặc cảm.

Tiến Anh cùng cô giáo và bạn bè.

Thời điểm này Tiến Anh vừa học xong lớp 3 ở Trường Tiểu học Lan Mẫu. Các cô giáo từng dạy Tiến Anh đều nhận xét em viết chữ đẹp, hăng hái phát biểu và tiếp thu bài khá nhanh. Ở trên lớp, cậu học trò nhỏ thường ngồi một bàn có thiết kế riêng để viết bằng chân cho thuận tiện.
Các thầy cô quan tâm, muốn bố trí anh trai Tuấn Anh ngồi gần để hỗ trợ nhưng Tiến Anh từ chối, hằng ngày cậu tự làm mọi việc ở lớp. Cô Trần Thị Thu Hà - giáo viên dạy Tiến Anh năm lớp 1 chia sẻ:
- Hành trình dạy Tiến Anh tập viết tôi không bao giờ quên, rất thương và cảm phục. Em kẹp bút ở hai ngón chân, đưa từng nét một, phải gù lưng, vặn người mới có thể giữ chắc cây bút. Lúc nào em mệt quá, tôi nặn chân cho bớt đau rồi cô trò cùng tập tiếp. Luyện ở trên lớp chưa đủ, về nhà lại luyện thêm, cứ như thế trong thời gian dài. Có những buổi sáng mùa đông giá rét, ai nấy đều đi tất, riêng Tiến Anh phải bỏ tất ra để tập viết dù ngón chân tê cứng. Tất cả những khó khăn đó, bằng sự kiên trì hiếm có, em đã vượt qua.

Giờ thì việc viết lách không làm khó được cậu bé không tay đầy nghị lực. Khi tôi muốn xem Tiến Anh viết, rất nhanh nhẹn, em dùng chân với quyển vở và cây bút trên giá sách rồi ngồi xuống nền nhà nắn nót ghi tên mẹ Nguyễn Thị Tuyên bằng nét chữ mềm mại.
Buổi trưa, khi mẹ nấu cơm, Tiến Anh lăng xăng ở bên giúp những việc vặt. Đến bữa, cậu bé dùng đũa gắp thức ăn, dùng thìa xúc cơm, ăn một lèo 3 bát, mẹ không phải giục giã.
Mọi sinh hoạt cá nhân từ mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt em đều dùng đôi chân, không phiền đến mẹ và anh. Những buổi chiều rảnh rỗi, mấy anh em sang đơn vị quân đội ở gần nhà chơi đá bóng với các chú bộ đội.

Ở lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, Tiến Anh luôn mơ ước trở thành họa sĩ. Em đưa cho tôi xem những bức tranh thật đẹp về mẹ, về mái trường và nhiều chủ đề khác. Biết sở thích đó, các thầy cô giáo khuyến khích em tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật của trường.
Trong cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” năm 2018 do hãng bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức, Tiến Anh đoạt giải triển vọng (khu vực Hà Nội).

Với tình cảm yêu thương, Ban Giám hiệu nhà trường, thầy cô và bạn bè luôn quan tâm, động viên Tiến Anh. Các nhà hảo tâm đến tặng em giá vẽ bằng gỗ và nhiều đồ dùng học tập. Trên chiếc xe đạp được tặng, hằng ngày, hai anh em đưa đón nhau đi học, đi chơi.
- Tiến Anh thiệt thòi hơn nhưng em không nuông chiều, cháu không được ưu ái hơn, nếu hư vẫn bị phạt như hai anh trai. Em mong muốn cháu lớn lên như những người bình thường, sau này có thể tự lo cho cuộc sống của mình - Mẹ của Tiến Anh tâm sự như vậy.

Vài năm trước, tôi đã đọc cuốn sách “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” của Nick Vujicic, một diễn giả nổi danh đến từ Mỹ bị khuyết tật tứ chi. Cuốn sách và những bài diễn thuyết của anh đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới - giúp họ vững tin vào bản thân, tìm thấy hạnh phúc thật sự.
Tôi hy vọng cậu bé không tay Nguyễn Tiến Anh sẽ như Nick Vujicic- luôn có khát vọng vươn lên bằng niềm tin và ý chí, xứng đáng với tình yêu thương mà người mẹ nghèo đã dành trọn cho em.

Ý kiến bạn đọc (0)