Du lịch Bắc Giang vượt mốc 1,5 triệu lượt khách: Dấu ấn ba sản phẩm đặc trưng
Nhiều điểm hút khách
Có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) lúc hơn 8 giờ ngày thứ Bảy dịp cuối năm, dù không phải rằm hay mùng 1 nhưng lượng khách khá đông. Tiếp xúc với đoàn khách đến từ huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) vừa chụp hình ở vị trí cây Nhập nhân có niên đại gần 700 năm, được biết đây là lần thứ ba trong năm họ đến khám phá mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của tỉnh.
![]() |
Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thu hút nhiều du khách tham quan. |
Trước đó, dịp đầu năm, đoàn đã đến thăm khu Lăng đá thuộc huyện Hiệp Hòa; Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế) và cây Dã hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang). Chuyến đi này, theo lịch trình, sau khi tham quan tại đây, đoàn sẽ di chuyển đến Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu (Sơn Động).
“Chúng tôi muốn đi theo tuyến này để tìm hiểu con đường thiền tu của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hơn nữa nghe nhiều người kể “tua” du lịch này rất thú vị nên cả đoàn muốn trải nghiệm”, anh Nguyễn Văn Mạnh, thành viên của đoàn cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chưa năm nào lượng khách đến Bắc Giang nhiều như năm nay. Đến thời điểm 30-11, đã có 1,53 triệu lượt người (tăng 30% so với năm 2017), trong đó có hơn 27 nghìn lượt khách quốc tế đến du lịch tại Bắc Giang. Thực tế, điểm du lịch nào năm nay lượng khách cũng tăng so với năm trước, đặc biệt là ở chùa Bổ Đà (Việt Yên); chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng), Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); Di tích ATK II Hiệp Hòa, Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám Yên Thế.
Nét mới trong thu hút du khách đến địa phương năm nay là ngoài tổ chức các lễ hội truyền thống, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền huyện Lục Ngạn mở “tua” du lịch tại các vườn quả. Theo đó, du khách được đi thăm, trải nghiệm tại những vườn vải, cam mùa quả chín. Dù thời gian thu hoạch không dài nhưng vẫn thu hút nhiều người đến tham quan.
Doanh thu từ hoạt động lưu trú, lữ hành và các dịch vụ khác đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đánh dấu bước phát triển mới của du lịch Bắc Giang trong xu thế hội nhập. Doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào tỉnh ngày một nhiều. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tổ chức trung tuần tháng 10-2018, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ cho 10 doanh nghiệp với 16 dự án, tổng số vốn 35.297 tỷ đồng (tương đương hơn 1,5 triệu USD).
Xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang
Kết quả trên có được do cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng đã tích cực vào cuộc. Ngoài đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng còn phối hợp với nhiều công ty lữ hành mở “tua” tuyến đưa du khách về địa bàn tỉnh. Trong đó hai tuyến được nhiều khách lựa chọn nhất là: Chùa Vĩnh Nghiêm - Suối Mỡ - Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử và tuyến Di tích ATK Hiệp Hòa- Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân - Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám.
Theo các chuyên gia, đây là hai tuyến đại diện cho hai xu hướng du lịch tâm linh và du lịch lịch sử. Hơn nữa, mỗi tuyến đều vừa vặn trong một ngày. Cả hai tuyến đều có những điểm tham quan thú vị cùng những món ăn đặc trưng làm vừa lòng du khách. Ví như sau khi tham quan chùa Vĩnh Nghiêm, Suối Mỡ, du khách thẳng tiến đến Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử.
![]() Cùng với chỉ đạo tổ chức các lễ hội truyền thống bảo đảm vui tươi, lành mạnh, từ ngày 14 đến ngày 20 tháng 2 năm 2019 (tức từ ngày 10 đến hết ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), UBND tỉnh tổ chức Lễ khai hội Xuân và Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” quy mô cấp tỉnh”. Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Tại đây, ngoài ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, du khách còn có điều kiện thưởng thức món gà nướng, xôi trứng kiến cùng nhiều sản vật địa phương. Với “tua” Yên Thế - Tân Yên- Hiệp Hòa, du khách được nếm những món ngon đặc trưng như gà đồi, măng trúc (Yên Thế) hay nham trám, gỏi cá- những sản phẩm nổi tiếng của huyện Hiệp Hòa mà rất ít nơi có được.
Với mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong năm 2019 và 2,7 triệu lượt khách vào năm 2020, cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng đang tích cực triển khai một loạt giải pháp từ thu hút đầu tư; hoàn thiện các hạng mục đến quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp thiên nhiên, con người Bắc Giang.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với chỉ đạo tổ chức các lễ hội truyền thống bảo đảm vui tươi, lành mạnh, từ ngày 14 đến 20- 2- 2019 (tức từ ngày 10 đến hết ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), UBND tỉnh tổ chức Lễ khai hội Xuân và Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” quy mô cấp tỉnh.
Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và nghệ thuật quần chúng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đây giới thiệu nhiều nét đẹp về văn hóa - lịch sử của Bắc Giang cho du khách cũng như tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch với các nhà đầu tư.
“Bắc Giang đang nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch, trong đó hoàn thiện và phát huy thế mạnh của ba sản phẩm du lịch là: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa và sinh thái - nghỉ dưỡng”, ông Dũng khẳng định. Cùng đó, nâng cao vai trò các doanh nghiệp lữ hành trong kết nối, đưa đón khách, nhất là khách quốc tế.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)