Nở rộ cửa hàng thực phẩm sạch ở Bắc Giang
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Những năm trước đây, khi cần dùng đến thực phẩm, đa phần người dân có thói quen “tiện đâu mua đấy” tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, những thông tin về thực phẩm nhiễm khuẩn, không bảo đảm an toàn khiến người tiêu dùng hoang mang.
![]() |
Khách hàng lựa chọn các món ăn chế biến sẵn tại Công ty TNHH Một thành viên Thiên An. |
Thực tế, dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được ngành chức năng tăng cường nhưng thực phẩm “bẩn”, có chứa chất độc hại vẫn khó kiểm soát triệt để. Nhằm tự bảo vệ mình, người dân đang dần thay đổi thói quen mua sắm, sử dụng thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh TPS.
Mặc dù mở cửa kinh doanh vào thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 (tháng 8/2020) nhưng đến nay, thương hiệu hoa quả sạch Hello Green đã từng bước tạo dựng niềm tin với khách hàng ở TP Bắc Giang và một số huyện lân cận. Cùng với mở rộng quy mô kinh doanh với 3 cửa hàng ở TP Bắc Giang, Hello Green luôn quan tâm bảo đảm chất lượng, đa dạng loại quả theo mùa; nhận bày hoa quả thành các giỏ quà theo yêu cầu.
Chị Bùi Thị Liên, ở xã Thái Đào (Lạng Giang) chia sẻ: “Nhà ngay gần chợ nhưng hai năm nay, tôi lựa chọn mua các loại quả ở Hello Green. Nếu so sánh thì giá nhiều loại không chênh lệch quá cao so với sạp bán của một số tiểu thương ở chợ. Mỗi sản phẩm ở đây đều có tem nhãn ghi rõ nơi sản xuất, khách hàng có thể dễ dàng quét mã vạch để kiểm tra thông tin với các mặt hàng nhập khẩu. Vì vậy, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng”.
Từ khoảng 10 giờ hằng ngày, tại cửa hàng TPS của Công ty TNHH Một thành viên Thiên An, đường Đào Sư Tích (TP Bắc Giang) đã có nhiều người đến mua các món ăn chế biến sẵn cho bữa trưa. Vừa livestream giới thiệu thực đơn, chị Lý A Hạnh, quản lý cửa hàng vừa nhắc nhở nhân viên chốt đơn để kịp vận chuyển cho khách đặt online.
Hoạt động từ năm 2016 với hàng trăm mặt hàng rau, củ, quả tươi; một số loại đồ khô, dầu ăn, bánh ngọt, nem chua... song đến nay, đa phần khách hàng biết đến Thiên An với sản phẩm đặc trưng là cá hồi Na Uy. Chị Hạnh cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ từ 5-7 con cá hồi tươi (bình quân 7kg/con). Ngoài bảo đảm chất lượng thực phẩm, cửa hàng sẵn sàng giao hàng tận nơi, sơ chế cho khách.
Khuyến khích nhân rộng, bảo đảm chất lượng sản phẩm
Qua khảo sát, các cửa hàng kinh doanh TPS phát triển đơn lẻ hoặc theo chuỗi, với các loại hàng hóa đa dạng, bao gồm cả thực phẩm tươi sống, thực phẩm hữu cơ, hóa mỹ phẩm… Đa phần sản phẩm được bày bán tại đây đều bảo đảm các tiêu chí như: Nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng; các sản phẩm tươi sống được đóng gói, hút chân không và bảo quản trong tủ đông, tủ mát.
Theo ông Dương Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), mô hình kinh doanh TPS đóng vai trò cầu nối đưa nông sản, TPS ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng. Kênh phân phối này cũng góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 chợ triển khai mô hình thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (Song Mai và Hà Vị ở TP Bắc Giang); 132 chợ truyền thống, 22 cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống WinMart, WinMart+ và hàng trăm cửa hàng tiện ích kinh doanh TPS. |
Đơn cử, tại Hợp tác xã (HTX) Mỳ gạo Chũ Hiền Phước, năm 2020, đơn vị được Sở Công Thương lựa chọn tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX chia sẻ: “Với số tiền hỗ trợ gần 100 triệu đồng, chúng tôi ưu tiên đầu tư mua máy dán túi, đóng hạn sử dụng, cấp mã vạch riêng cho từng hộ để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc, gắn trách nhiệm từng thành viên”.
Được biết, hiện HTX liên kết được 40 hộ thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) sản xuất, tiêu thụ từ 20-30 tấn mỳ/tháng. Thị trường tiêu thụ tương đối ổn định thông qua hợp đồng cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học, nhiều cửa hàng tiện lợi, đại lý lớn, trong đó có Trung tâm thương mại GO! Bắc Giang, hệ thống WinMart, WinMart+.
Thực tế, các cơ quan chuyên môn của tỉnh chưa có khảo sát chính thức về những vụ việc phát sinh và xử lý đối với các điểm bán hàng “tự phong”, “tự gắn mác” kinh doanh TPS để trà trộn, tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng. Đặc biệt, khi nhu cầu mua hàng online tăng cao vào thời điểm dịch bệnh, nhiều cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để rao bán thực phẩm không an toàn. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Để thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích kinh doanh TPS, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, các huyện, TP tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.
Thường xuyên kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh TPS, xử lý nghiêm những trường hợp cửa hàng "tự phong" gây nhiễu loạn thị trường, tạo niềm tin cho người dân.“Điều quan trọng nhất là các cơ sở kinh doanh TPS chủ động nguồn cung hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin với người tiêu dùng”, ông Toản nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)