Ẩn họa từ rượu ép
Vì chén rượu, hỏng cuộc vui
![]() |
Bệnh nhân tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Cách đây ít ngày, anh Hoàng Văn H (SN 1996) là công nhân ở KCN Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) cùng nhóm bạn bè thân dự liên hoan mừng sinh nhật. Trong cuộc vui, do cả nể anh H uống quá nhiều. Trên đường về, khi đang điều khiển xe máy thì anh H tự ngã xuống đường, bị gãy xương vai phải nằm viện điều trị dài ngày, sức khỏe giảm sút.
Vợ anh là công nhân phải tạm nghỉ làm để chăm sóc chồng. Con gái nhỏ hơn 1 tuổi phải nhờ người trông... “Giá như không nghe những lời khích bác, giá như mình kiềm chế được bản thân, có lẽ không ra nông nỗi này”, anh H nói.
Anh Nguyễn Văn D, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) kể, cách đây ít ngày, anh về quê vợ ăn cỗ nhân Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngồi ăn trong vòng 20 phút có hơn mười người đến mời rượu. Vốn có tiền sử bệnh đau dạ dày, người không được khỏe, anh D cầm chén nhấp môi lấy vui song một số thanh niên yêu cầu phải uống hết, không được để “long đen”, không uống hết không bắt tay. “Mỗi lần gặp những trường hợp như thế mình rất khó chịu, uống bao nhiêu là tùy tâm đâu phải cạn ly mới là tôn trọng, quý mến”, anh D bức xúc.
Thực tế, từ việc uống rượu, bia theo kiểu gạ ép, cà khịa, khiêu khích đã gây ra những hậu quả xấu như cãi vã, đánh nhau, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình. Không ít trường hợp trong bữa liên hoan, các đấng mày râu ép cả phụ nữ uống rượu dù họ đã khéo léo từ chối nhưng người mời vẫn cố nài nỉ. Ở nhiều nơi, cũng chỉ vì chén rượu qua lại dẫn đến tình cảm họ hàng, người thân bị sứt mẻ.
Ông Phạm Văn T, xã Đông Phú (Lục Nam) kể: Mừng gia đình ông xây được ngôi nhà khang trang, hôm ấy anh em, bạn bè đến dự đông đủ. Có đồ ngon, rượu quê, mọi người lâu không gặp nên dịp này hàn huyên tâm sự, tìm đủ lý do để ép nhau uống hết lượt đi lại lượt về.
Rượu vào, lời nói mất kiểm soát, con trai ông và người chú họ mang chuyện mâu thuẫn cũ ra nói thành ra đôi bên to tiếng. Họ trách móc nhau trước mặt bao nhiêu khách mời, mặc cho người nhà khuyên can làm cuộc vui bỗng trở nên căng thẳng.
Uống có chừng mực
Việc uống rượu, bia quá đà dễ dẫn tới không làm chủ được hành vi, mất kiểm soát trong lời nói, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguy hại hơn là người uống nhiều rượu khi tham gia giao thông rất dễ bị tai nạn, thiệt hại về kinh tế cũng như để lại hậu quả nặng nề.
Việc uống rượu, bia quá đà dễ dẫn tới không làm chủ được hành vi, mất kiểm soát trong lời nói, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguy hại hơn là người uống nhiều rượu khi tham gia giao thông rất dễ bị tai nạn, thiệt hại về kinh tế cũng như để lại hậu quả nặng nề. |
Tìm hiểu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ tính từ ngày 1 đến 10/11/2020 có hơn 140 trường hợp bị tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến sử dụng rượu, bia. Hầu hết những người bị tai nạn hôn mê phải đặt ống thở máy, chấn thương sọ não, lồng ngực; gãy xương tay, chân...
Bác sĩ Hoàng Dũng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia được đưa vào cấp cứu khoảng từ 17 giờ chiều đến 23 giờ đêm các ngày trong tuần, trong đó nhiều nhất thường vào thứ Bảy, Chủ nhật. Đối tượng bị tai nạn phần lớn là thanh niên.
Nghị định 117, ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 có các điểm mới, quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực rượu, bia. Theo đó, tại Điều 30 quy định phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia. Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia.
Quy định là thế song để xử lý các trường hợp không hề đơn giản bởi thiếu cơ chế quản lý, theo dõi, giám sát. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bàn nhậu, việc uống nhiều hay ít tùy thuộc vào sự kiên quyết từ chối của thực khách. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, như cả nể nên nhiều người đành uống một cách miễn cưỡng.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó, mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô có sử dụng rượu, bia lên tới 30-40 triệu đồng, xe mô tô từ 6-8 triệu đồng.
Mỗi người cần tự điều chỉnh hành vi của mình, uống rượu, bia sao cho có văn hóa, không ảnh hưởng sức khỏe, không vi phạm pháp luật và nhất là bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân và người khác. Đặc biệt, không ép buộc, xúi giục người khác uống rượu, bia.
Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể các địa phương, khu dân cư cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tới người dân. Thực hiện nghiêm nguyên tắc “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, không vì chén rượu, cốc bia mà để xảy ra những chuyện ân hận, đáng tiếc.
Công Doanh - Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)