Tiệm gội đầu 'không khoảng cách' của bệnh nhân ung thư ngày cách ly Bạch Mai
Trong những ngày cách ly, cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai không chỉ điều trị, thăm khám mà còn kiêm cả việc gội đầu, cắt móng tay cho người bệnh. Ở đây hiện còn 30 bệnh nhân ung thư đang điều trị.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Khuyên cười tươi khi trò chuyện với điều dưỡng. |
TS.BS Phạm Văn Thái (Phó Giám đốc Trung tâm) cho biết, các bệnh nhân ung thư thường có đặc điểm riêng về bệnh học và tâm lý. Bệnh nhân ung thư thường có tâm lý lo lắng, không lạc quan như các bệnh nhân lành tính khác, nhất là trong thời gian cách ly vì dịch bệnh mà không có người thân ở bên cạnh.
“Chúng tôi tuân thủ tuyệt đối phác đồ tốt nhất cho người bệnh, đồng thời có chế độ chăm sóc toàn diện từ chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống bệnh tật, đến các phương pháp tâm lý giúp người bệnh lạc quan hơn”, ông Thái nói.
Không còn khoảng cách
Bọc tấm nilon vào chiếc gối, giúp bệnh nhân nằm đúng tư thế, chị Huệ và đồng nghiệp nhẹ nhàng múc từng ca nước ấm rồi xoa dầu gội đầu cho ông Luyện. Sau khi gội xong, các chị lại dùng máy sấy để sấy khô tóc cho bệnh nhân.
![]() |
Điều dưỡng Thu Huệ (trái) gội đầu cho bệnh nhân Phạm Văn Luyện. |
Ở phòng bên cạnh, đồng nghiệp của chị Huệ cũng đang gội đầu cho bà Nguyễn Thị Khuyên (71 tuổi, quê Thanh Hóa). Vừa nằm gội, bà Khuyên vừa cười chuyện trò với điều dưỡng.
“Thật sự rất dễ chịu và thoải mái, cuộc sống cách ly khác xa với những gì tôi tưởng tượng ban đầu. Không tẻ nhạt, buồn chán, chúng tôi hàng ngày sống, điều trị trong môi trường trẻ trung, ngập tràn tiếng cười nói”, bà Khuyên nói.
Cứ như vậy, hàng ngày nhân viên y tế thay người nhà để ý từng bữa cơm, giấc ngủ, giúp vệ sinh cá nhân cho các bệnh nhân nặng. Song, tất cả đều thật nhẹ nhõm.
Ngót 2 thập kỷ gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai, điều dưỡng trưởng Phan Thị Thu Huệ cho biết, những ngày cách ly vừa qua mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt, khiến chị thêm tin tưởng và trân quý con đường đang đi.
Chị Huệ cũng cho rằng, khoảng thời gian cách ly này là liều thuốc thử với bản thân mình. Dù nhớ gia đình, song đây cũng là dịp để chị sống chậm lại và hiểu sâu sắc hơn về nghề nghiệp mình đã chọn.
Vững lòng giữa “tâm dịch"
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (51 tuổi, quê Thái Bình). Bà Thanh nhập viện đã gần 3 tháng nay để điều trị ung thư phổi di căn màng phổi.
![]() |
Tập thể Trung tâm lạc quan chăm sóc bệnh nhân. |
Đang phải chống chọi với căn bệnh quái ác, thường xuyên phải hút dịch, lại nhập viện đúng thời điểm phải cách ly vì dịch Covid-19, bà Thanh không nghĩ bệnh tình của mình lại thuyên giảm rõ rệt. Các bác sĩ, điều dưỡng ở bên thường xuyên động viên tinh thần, quan tâm đến bà từ những việc nhỏ nhất.
Nếu trước đây, bà Thanh chỉ nằm quay được sang bên phải, thì sau thời gian điều trị, bà đã có thể nằm ở các tư thế khác. Một tháng nay không phải hút dịch màng phổi, bà khỏe hơn và có thể tự lo một số sinh hoạt cá nhân hàng ngày.
Một ngày làm việc tại Trung tâm tạm khép lại khi các thành viên gọi nhau đến giờ thể dục. Khoảng sân nhỏ trước trung tâm rộn ràng sắc trắng và những tiếng cười giòn giã, như tiếp thêm sức cho tất cả vượt qua những ngày cách ly lịch sử này.
Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc (0)