Bắc Giang là tỉnh đông dân thứ 12 trên toàn quốc
Nhiều chỉ số cao hơn bình quân chung cả nước
Từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số của tỉnh tăng thêm gần 250 nghìn người, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 1,49%/năm, cao hơn so với toàn quốc (toàn quốc là 1,14%/năm).
Bắc Giang là tỉnh có mật độ dân số cao. Hiện nay, mật độ dân số của tỉnh là 463 người/km2, trong khi cả nước là 290 người/km2. Nhưng dân cư khu vực thành thị phát triển chậm, người dân sống ở thành thị chỉ chiếm 11,39%. Quá trình đô thị hóa, quy hoạch và phát triển xã lên thị trấn, phường chậm hơn so với cả nước.
Trình độ dân trí được cải thiện, hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Toàn tỉnh có 95,8% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học, trong khi cả nước tỷ lệ này có 91,7%. Số người biết đọc, biết viết tăng mạnh, trên địa bàn tỉnh có 98,7% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết.
![]() |
Trình độ dân trí được cải thiện, hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên). |
Điều kiện nhà ở của các hộ dân đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh có nhà ở, trong khi cả nước vẫn còn 4,8 nghìn hộ không có nhà ở.
Hầu hết các hộ đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (97,5%), với diện tích bình quân 26m2/người, tăng lên nhiều và cao hơn bình quân toàn quốc 2,5m2/người.
Cơ hội và thách thức
Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, 10 năm qua, quy mô dân số tăng, chất lượng dân số (tuổi thọ, mức thu nhập, thụ hưởng dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế tăng lên), trình độ dân trí đã được cải thiện.
Điều kiện nhà ở của đại bộ phận dân cư đã tốt hơn, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân đều có nhà ở kiên cố, diện tích nhà ở tăng lên đáng kể.
Theo phân tích của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, quy mô dân số tăng là do Bắc Giang là tỉnh đông dân, mức sinh cao (trung bình 2,5-2,7 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ), tỷ lệ sinh con lần 3 trở lên cao.
Mặc dù mức sinh có giảm so với 10 năm trước nhưng chưa bền vững và có nguy cơ tăng sinh trở lại. Nhiều huyện có mức sinh cao như: Hiệp Hòa, Lục Nam, Lạng Giang.
Quy mô dân số tăng cũng do những năm gần đây công nghiệp phát triển đã tác động đến quá trình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động nên số dân ở các địa phương khác di cư đến Bắc Giang tăng (mặc dù trong cuộc Tổng điều tra dân số 2019 chưa điều tra được số lượng cụ thể lao động nhập cư vào Bắc Giang).
Theo đánh giá của ngành lao động, năm 2019, toàn tỉnh ước có 1,098 triệu người trong độ tuổi lao động (nam từ 15-60 tuổi, nữ từ 15-55 tuổi). Đây là điều kiện cho các huyện, thành phố tranh thủ cơ hội lao động dồi dào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển sản xuất.
Lao động đông, tăng nhanh cũng tạo ra thách thức về nâng cao chất lượng lao động, việc làm. Tốc độ di cư đến các khu, cụm công nghiệp tăng dẫn đến mật độ tập trung dân cư cao, thiếu nhà ở, trường học, bệnh viện quá tải, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, khó quản lý nhân khẩu, nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội.
Tính đến tháng 7-2018, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh toàn tỉnh ở mức báo động 118,9 nam/100 nữ, tăng cao so với năm 2018 (114,2 nam/100 nữ). Một số huyện có mức chênh lệch cao: Yên Dũng (129 nam/100 nữ); Lạng Giang (126 nam/100 nữ); Lục Ngạn (122 nam/100 nữ). |
Được biết, toàn tỉnh có 905,1 nghìn nam giới (chiếm 50,17%) và 898,8 nghìn nữ giới (chiếm 49,83%). Tỷ số giới tính là 100,7 nam/100 nữ, trong khi toàn quốc là 99,1 nam/100 nữ. Sự chênh lệch giới tính do thời gian dài Bắc Giang khó kiểm soát tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng này diễn ra từ năm 2003 trên địa bàn tỉnh, trước khi mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra trong cả nước từ năm 2006 và luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Thực trạng thừa nam, thiếu nữ diễn ra liên tục trong thời gian dài không chỉ riêng ở Bắc Giang mà còn là thực trạng chung toàn quốc dẫn đến nguy cơ nhãn tiền là nam giới khó lấy vợ, ngành nghề, việc làm biến động khi hiếm nhân lực nữ, kéo theo bất bình đẳng giới, gia tăng tội phạm do nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em, hiếp dâm, nô lệ tình dục, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
Theo đánh giá của Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, nguyên nhân do một bộ phận người dân có tư tưởng “trọng nam”, thích đông con, đặc biệt có con trai để nối dõi.
Chế tài xử lý đối tượng vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chưa đủ mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành y tế đối với các cơ sở có hành vi vi phạm về tư vấn, lựa chọn giới tính thai nhi yếu.
Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác dân số. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu thực hiện chính sách dân số gây khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.
Công tác dân số còn đặt ra với việc thích ứng với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có gần 15% dân số từ 60 tuổi trở lên. Điều này đồng nghĩa với tuổi thọ người dân cao hơn, đó là thành quả của sự phát triển KT-XH mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Già hóa dân số cũng đặt ra thách thức như: Giảm tỷ lệ người lao động, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực; hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người già, chưa có dịch vụ dưỡng lão bảo đảm an sinh trong khi tuổi thọ bình quân cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp. Hơn nữa trong bối cảnh di cư, con cái không sống cùng bố mẹ, người già thiếu người chăm sóc.
![]() |
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được tỉnh chú trọng. Ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Trao đổi với bà Lê Tố Quyên, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được biết, trong kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dân số, tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác dân số, lồng ghép mục tiêu dân số trong chiến lực, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của các huyện, thành phố.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao hiểu biết về dân số - kế hoạch hóa gia đình phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc thù khu vực; vận động mỗi gia đình nên có 2 con, bảo đảm quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt.
Các cơ sở y tế chú trọng thực hiện sàng lọc bệnh tật trước sinh và sàng lọc sơ sinh; cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Ngăn ngừa hiệu quả việc lạm dụng khoa học, kỹ thuật vào lựa chọn giới tính thai nhi; đẩy mạnh hoạt động bình đẳng giới.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)