Xây dựng đội ngũ cán bộ vững lý luận, giỏi nghiệp vụ
![]() |
Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Dũng trao đổi nhiệm vụ với cán bộ xã Đồng Phúc. |
Đào tạo đạt chuẩn
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng”. Nhận thức tầm quan trọng của công tác cán bộ, Đề án số 02 đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Căn cứ nội dung, yêu cầu của Đề án, các cấp ủy đã xây dựng kế hoạch triển khai trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực tiễn. Tại huyện Việt Yên, BTV Huyện ủy đã chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho nhiệm kỳ 2010-2015. Các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với Trường Đại học Nông-Lâm và Trường Chính trị tỉnh mở nhiều lớp đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ dự nguồn của huyện và các xã, thị trấn.
Từ năm 2011 đến nay, huyện cử 88 cán bộ đi học đại học; hơn 150 lượt bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy các xã, thị trấn được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, hiện 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 50% có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học. Tiêu biểu như ở xã Quảng Minh, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây đều đạt chuẩn, trong đó một người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 5 người được đào tạo chuyên môn đại học.
Ở huyện Tân Yên, cùng với nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo đạt chuẩn cho cán bộ, công chức cấp xã, BTV Huyện ủy đặc biệt quan tâm việc nâng cao kỹ năng xử lý công việc cho đội ngũ này. Huyện đã tổ chức 5 đợt (mỗi đợt kéo dài từ 3-4 tháng) cho 196 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách các xã, thị trấn lên học tập theo hình thức “cầm tay chỉ việc” tại các cơ quan của huyện. Qua đó, đội ngũ cán bộ cơ sở có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, phương pháp làm việc…
Chị Dương Thị Nhu, cán bộ Chữ Thập đỏ thị trấn Cao Thượng chia sẻ: “Thời gian học tập ở huyện, tôi được rèn luyện kỹ năng giao tiếp với công dân, hướng dẫn phương pháp dự thảo chương trình, kế hoạch công tác, cách thức phối hợp. Những kinh nghiệm đó giúp ích cho tôi trong quá trình thực hiện công việc ở cơ sở”.
![]() |
Cán bộ, công chức thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) phối hợp giải quyết công việc. |
Thực hiện Đề án số 02, hơn ba năm qua, huyện Hiệp Hòa tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể cho hơn 7 nghìn lượt cán bộ các cấp. Huyện ủy luân chuyển 6 cán bộ lãnh đạo ban, ngành, cơ quan cấp huyện về đảm nhiệm chức vụ chủ chốt ở cơ sở để làm nòng cốt cho các địa phương.
Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở
Đồng chí Nguyễn Tiến Cơi, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá: Trước khi thực hiện Đề án số 02, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều bất cập về năng lực, trình độ. Riêng đội ngũ cán bộ chủ chốt chỉ có 19,7% trình độ chuyên môn cao đẳng và đại học. Thực hiện các giải pháp Đề án số 02 đề ra, ngoài việc chủ động tự học tập của cán bộ, các huyện, TP quan tâm tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Đến nay có 1.337/1.379 đồng chí đạt trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, chiếm 97% (tăng 17,3% so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, số cán bộ trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học là 585 đồng chí, chiếm 42,4% (tăng hơn 22%). |
Ngoài đào tạo về lý thuyết, các huyện ủy, Thành ủy cũng tổ chức bồi dưỡng kiến thức theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Từ năm 2011 đến nay, hơn 2.600 lượt cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bồi dưỡng theo hình thức này. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng và cập nhật kiến thức. Riêng ở TP Bắc Giang, Thành ủy chỉ đạo cử lãnh đạo các phòng, ban xuống xã, phường trực tiếp hướng dẫn cán bộ cơ sở giải quyết những vướng mắc, tồn tại, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo kéo dài…
Việc tuyển cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản vào hệ thống chính trị được chú trọng. Huyện Hiệp Hòa ký hợp đồng với sinh viên làm việc tại xã; huyện Tân Yên xét tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy làm bí thư đoàn xã hay như huyện Lục Ngạn, Yên Dũng bố trí, sắp xếp cán bộ khuyến nông học đại học chính quy giữ chức vụ phó chủ tịch UBND xã…
Để tạo bước chuyển trong chất lượng sinh hoạt chi bộ, hơn 10.700 lượt đồng chí bí thư và cấp ủy viên chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong tỉnh được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng điều hành, duy trì sinh hoạt và triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ…
Với đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng được chuẩn hóa về chuyên môn và lý luận chính trị, chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH có chuyển biến.
Trong công tác xây dựng Đảng, 100% tổ chức cơ sở đảng xây dựng và thực hiện theo quy chế làm việc. Mỗi năm toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp 2.300 - 2.500 đảng viên, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt hơn 82%; hơn 70% tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh... Những kết quả đó khẳng định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)