Bệnh viện có thể quyết định mua thuốc không thuộc bảo hiểm y tế
Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Y tế, đây là điểm mới trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi. Nội dung này nhằm giúp bác sĩ và bệnh nhân tăng khả năng tiếp cận và quyền lựa chọn thuốc điều trị, nhất là với nhóm bệnh nhân tự nguyện chi trả. Trước đây bệnh viện mua sắm thuốc theo cơ chế đấu thầu tập trung hoặc đấu thầu riêng nếu được phép.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu sửa đổi có thể cho áp dụng đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần để bệnh viện chủ động trong mua sắm,
Luật này đang được lấy ý kiến tại kỳ họp các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 22/5. Hiện, 95% giường bệnh thuộc các bệnh viện công lập. Vì vậy, tháo gỡ những nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, nhất là các loại thuốc mới, biệt dược gốc sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận thuốc mới của người bệnh và phương pháp điều trị tiên tiến cho bác sĩ.
Theo Bộ Y tế, giá biệt dược gốc tại Việt Nam ở mức thấp so các nước trong khu vực ASEAN (đối với hầu hết nhóm điều trị chính). Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế Việt Nam là 11%, trong khi các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tỷ lệ trung bình hơn 27%.
Dữ liệu của Tổ chức nghiên cứu ngành y dược IQVIA MIDAS cập nhật quý I/2022, cho thấy thực tế bệnh nhân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thuốc mới so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2022, chỉ 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trên tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ 2012 tới cuối 2021).
TS.BS Nguyễn Trọng Thế, Phó Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết khi điều trị, bác sĩ luôn ưu tiên lựa chọn những loại thuốc phù hợp với người bệnh nhất. Trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch được ưu tiên sử dụng thuốc có hiệu quả ngay tức thì.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện gặp khủng hoảng vì vướng mắc quy định mua sắm. Để tháo gỡ, Chính phủ đã cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm thông qua Nghị quyết 30 và Nghị định 07 . Lãnh đạo các bệnh viện cho biết ngay khi được tháo gỡ những vướng mắc, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm. Tuy nhiên, các bệnh viện đề nghị cần sửa đổi sớm Luật Đấu thầu.
Như Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương hay Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo cho biết sau khi Chính phủ tháo gỡ, 90-95% băn khoăn của viện đã được gỡ vướng. Các bệnh viện gấp rút mời thầu, mua sắm để giải quyết tình trạng trước mắt. "Song, bệnh viện đề nghị cần sửa đổi sớm Luật Đấu thầu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh dài hạn của bệnh viện", PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, nói.
Hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết những khó khăn trong ngành không thể giải quyết triệt để ngay, cần sửa nhiều luật như Giá, Đấu thầu, Dược để đồng bộ sau khi được Chính phủ gỡ vướng.
"Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa Luật Giá, Luật Đấu thầu. Nếu không đồng được tất cả văn bản thì không thể giải quyết được vướng mắc", Thứ trưởng Tuyên nói khi hướng dẫn sở y tế, bệnh viện, doanh nghiệp trên cả nước, triển khai các nghị định, nghị quyết gỡ vướng của Chính phủ.
Các chuyên gia cho rằng các luật được đồng bộ, có thể tháo gỡ từng bước nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuốc mới, biệt dược gốc của bác sĩ, người bệnh. Khi đó, ngành y tế sẽ giữ chân được người bệnh điều trị trong nước, ngăn chặn tình trạng chảy máu ngoại tệ từ dòng người bệnh sang nước khác chữa trị.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)