Bên thác Khỉ Dòm
Tôi cùng Lăng Quốc Kỳ, con cụ Lăng Văn Ngán - người có công lưu giữ, bảo tồn, phát triển vốn dân ca ngược con đường bê tông để đến thác Khỉ Dòm. Phía trước vẫn là thảm xanh rừng thẳm, vẫn tiếng chim hòa cùng tiếng suối. Lăng Quốc Kỳ cho hay: Đây là thác Khỉ Dòm bên ngọn suối Thác Lười. Con suối bắt nguồn từ núi rừng Lạng Sơn nhưng chẳng hiểu sao về đây lại thành tên gọi Thác Lười. Chẳng biết lười nhác hay chăm chỉ siêng năng, chỉ biết từ lâu rồi, theo dòng chảy Thác Lười có Hội Thác Lười sau cữ Giêng, Hai mùa Soong hao lại không ít cặp uyên ương thành đôi lứa, nên vợ nên chồng.
Vẫn dòng suối ấy đã sinh chợ Thác Lười 5 ngày một lượt để đồng bào các dân tộc trong vùng có dịp gặp mặt, mua sắm làm nên bản sắc phiên chợ vùng cao. Suối Thác Lười khi êm đềm dòng chảy, khi réo gầm thác lũ qua bản làng đem nguồn nước lao ra với mênh mông Cấm Sơn hồ rộng. Nghe nói mấy năm gần đây cả TP Bắc Giang đã được dùng nước hồ Cấm Sơn, ắt hẳn có một phần nước suối Thác Lười.
Thác Khỉ Dòm. |
Lăng Quốc Kỳ nhìn lên phía ngàn xanh, thác Khỉ Dòm ẩn mình trong đó. Đang là mùa khô giá lạnh có lẽ thác vẫn như thiếu nữ ngủ quên trong rừng, đang mơ trong im lìm ngon giấc đợi xuân sang. Cảnh quan thanh vắng nhưng trong lành, tinh khiết bởi 7 hộ với gần 30 nhân khẩu nơi tận cùng Bắc Hoa.
Những người dân của bản gặp khách lạ, họ ngơ ngác nhưng thân thiện và thích bắt chuyện bằng một phong thái cởi mở, gần gũi. Theo người già nơi đây thì thuở xưa chốn này ngày đêm luôn ầm ào thác đổ. Chim hót véo von, khỉ hú vang rừng, không như bây giờ suối nguồn vẫn chảy mà tiếng thác nhỏ nhẹ thành xa xăm. Thác Khỉ Dòm mãi khe xanh núi Tú Linh kia cũng âm thầm vắng lặng.
Theo tiếng địa phương, “núi Tú Linh” trước mặt có nghĩa “núi Con Khỉ”. Ngày những người già ở đây đang còn là trẻ nhỏ vẫn thấy từng đàn khỉ thường xuyên xuất hiện trên tảng đá bằng cả gian nhà ngay bên cửa thác. Khi thì chúng chí chóe đùa nghịch, khi nhảy nhót mơn trớn nhau.
Lúc đói chúng mò vào nương rẫy bẻ trộm bắp ngô rồi cùng nhai gau gáu, thấy động là tản lên rừng đánh đu chuyền cành tứ tán như xiếc. Bà con bực lắm nhưng đành đứng nhìn coi đó là sự đã rồi, như con gà con lợn nhà mình dưới bản dần thành quen thân.
Đàn khỉ ban ngày kiếm ăn chạy nhảy bên này, tối kéo nhau phía bên kia núi tìm kiếm chốn bình yên, tới sáng lại rào rào chuyền cành sang bên này nhảy nhót kiếm ăn. Cuộc sống thường nhật khiến chúng an toàn thân thiện không mối bận tâm. Chỉ khi bóng dáng người xuống suối tắm trong những ngày hè nóng bức thì cả đàn khỉ từ tấm đá nơi thác đổ bắt đầu ngó nghiêng phải trái với hai con mắt lạ lẫm rồi đôi khi bắt chước.
Nhiều lần vậy nên mỗi khi muốn trở lại thác Khỉ Dòm tắm, ai đó chỉ cần ới nhau: “Ai khỉ dòm không nhỉ” là hiểu, là cùng nhau vùng vẫy để lũ khỉ lại được thể… ngó nghiêng. Ấy vậy mà có lần bị lỡ trớn, vì chủ quan chẳng để ý, lũ khỉ vốn hiếu động sà xuống đống quần áo cuỗm ngay một chiếc rồi nhảy tót lên cành, phải khó khăn lắm người mới giành lại được.
Chuyện của người già bên thác Khỉ Dòm còn nhiều song giờ chỉ là những giai thoại được xâu chuỗi thành hoài niệm về một thời con người và thú rừng thân thiện như con chó trong nhà, như con gà ngoài ngõ. Những gì đang diễn ra trước mắt vẫn là tiếng nước róc rách luồn qua từng kẽ đá. Đó đây hiện hữu đống tro tàn dường như vẫn ấm nóng hơi người.
Lăng Quốc Kỳ cho biết đó là những dấu tích từ các thầy cô giáo vừa để lại sau thời gian hạn hẹp của ngày nghỉ cuối tuần. Vì các thầy cô đa số xa nhà ở lại tranh thủ thư giãn cho ngày qua đi để lại bắt tay vào công việc. Họ vào đây nhóm lửa đốt than nướng thịt tổ chức ăn uống như chuyến dã ngoại ngắn mà vui vẻ, hữu ích.
Theo xu thế công nghệ 4.0, người dân Bắc Hoa đã bắt đầu truy cập dò tìm theo hình thức du lịch sinh thái cộng đồng trên cơ sở phát huy ưu thế sẵn có bản địa theo tiêu chí vùng miền và đậm đà bản sắc dân tộc.
“Em ơi mùa xuân đến rồi đó”. Mặc đất trời giá rét, mặc dịch giã nhưng chẳng thể nào ngăn nổi tiếng loa từ chợ phiên Thác Lười ngân vang tiếng gọi xuân sang.
Bài, ảnh: Ngô Minh Bắc
Ý kiến bạn đọc (0)