"Bảo vệ Hà Nội" để giữ hậu phương lớn cho các tỉnh phía Nam
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh là Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, trưởng nhóm F5. Nhóm này gồm các chuyên gia đa ngành tập hợp thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19 nhằm đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch.
Những diễn biến hết sức phức tạp của ổ dịch Thanh Xuân Trung tuần vừa qua khiến người ta không khỏi liên tưởng đến ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng ở TPHCM - nơi đánh dấu điểm bùng phát dữ dội của dịch Covid-19. Tiến sĩ có nghĩ những kịch bản đã xảy ra với TPHCM sẽ xảy đến với Hà Nội từ ổ dịch này?
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh. |
Tôi không nghĩ ổ dịch Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giống ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp, TPHCM). Đặc điểm của ổ dịch Thanh Xuân Trung là các ca bệnh tập trung một chỗ, còn ổ dịch nhóm truyền giáo là người dân đến từ nhiều địa điểm quận huyện, tỉnh, thành phố, tham gia truyền giáo rồi lây ra khắp thành phố.
Tuy nhiên, ở Thanh Xuân Trung lại có đầy đủ các dấu hiệu chỉ điểm cho một ổ dịch cực kỳ lớn trong thời gian tới, nếu không có những biện pháp quyết liệt và kịp thời.
Thanh Xuân Trung là một trong những khu vực mật độ dân số cao nhất Hà Nội (40.000 người/km2 - cao gấp 16 lần mật độ dân cư trung bình tại Hà Nội), với nhiều ngõ ngách nhỏ. Đây là nơi tồn tại nhiều xóm trọ sinh viên được xây san sát và những khu tập thể cũ với diện tích căn hộ nhỏ, đông hộ gia đình. Đây cũng là nơi tập trung nhiều chợ truyền thống (gồm cả những chợ lớn, chợ cóc với vài hàng quán nhỏ mọc tùy tiện trong các ngõ hẻm). Người dân trong khu vực này có thói quen đi chợ cóc và giao lưu nội khu.
Trên facebook có chia sẻ đoạn clip người dân vượt rào cách ly đi chợ mua đồ ăn, điều đó chứng tỏ ý thức người dân còn chủ quan. Những F0 được phát hiện ở đây cũng có thành phần đa dạng, từ tiểu thương, công chức, bảo vệ, nhân viên siêu thị... đến những người thường xuyên ở nhà ít tiếp xúc với ai - nghĩa là tình hình lây nhiễm đã rất phức tạp.
Điều may mắn nhất cho Hà Nội là ổ dịch Thanh Xuân Trung được phát hiện sau khi Thủ đô thực hiện Chỉ thị 16 từ cuối tháng 7, nên hạn chế được đáng kể tốc độ lây lan sang các khu vực khác. Số ca nhiễm mỗi ngày của Hà Nội vẫn có xu hướng tăng, nhưng có dấu hiệu được kiềm chế, chứng tỏ việc giãn cách theo Chỉ thị 16 có những hiệu quả nhất định.
Cho đến thời điểm này, Hà Nội chưa ghi nhận bằng chứng của việc tăng ca bệnh theo hàm mũ như ở TPHCM. Nếu thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp chống dịch, Hà Nội vẫn có cơ hội và thời gian để kiểm soát được ổ dịch này, tránh lặp lại kịch bản của TPHCM.
Vậy những biện pháp cần làm ngay để kiểm soát ổ dịch này?
Bản đồ lây lan của các ca nhiễm trong khu vực này có bán kính 2 km. Với mật độ dân số đông như vậy, lực lượng địa phương sẽ không thể kiểm soát tốt việc phong tỏa nên thành phố cần tăng cường tăng cường công an và quân đội vào giúp Thanh Xuân Trung, để nội bất xuất, ngoại bất nhập khu vực này. May mắn là đến hôm qua, lực lượng công an đã vào cuộc.
Có thông tin cho biết, những ngày đầu phong tỏa không chặt chẽ dẫn đến hiện tượng người dân ở các khu chung cư và xóm trọ vẫn đi chợ nội khu và giao lưu với nhau, nhưng hiện nay công an phường đã đặt camera theo dõi ở các khu vực, và nối trực tiếp với màn hình chính ở trụ sở. Việc phong tỏa có thể quyết liệt, thậm chí cực đoan một chút, nhưng phải đảm bảo về an sinh cho người dân trong khu vực.
Cần triển khai việc cách ly F1 và quản lý F0 tại nhà cho những gia đình có đủ điều kiện. Ở các khu quá chật hẹp, cần đưa các gia đình đi cách ly tập trung tại khu cách ly, bảo đảm mỗi gia đình một phòng khép kín để tránh lây chéo. Phong tỏa chặt tâm dịch lại rồi cách ly, điều trị, hỗ trợ thực phẩm bên trong, còn khu xung quanh vừa xét nghiệm sàng lọc, vừa tiêm vắc xin.
Trong chuyến làm việc đột xuất ở phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu di dời để làm giảm mật độ dân cư ở khu vực này. Tôi tán đồng với chủ trương này, vì việc di dời dân ở những nơi mà nhà cửa san sát, không đảm bảo quy định về giãn cách là cần thiết. Điều này TPHCM đang làm rồi. Nhưng việc di dời này chỉ nên thực hiện nếu chúng ta đảm bảo những hộ dân trong diện - được bảo đảm mỗi hộ một phòng khép kín, có khu vực vệ sinh riêng. Còn nếu di dời mà không đảm bảo giãn cách thì lợi bất cập hại.
Ngoài nguy cơ đến từ những ổ dịch như Thanh Xuân Trung hay Văn Chương - Văn Miếu, Hà Nội còn đang đối diện với những nguy cơ nào, thưa bà?
Nếu theo dõi các ca bệnh được phát hiện ở Hà Nội thời gian gần đây sẽ thấy nhiều trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Những ca này rải rác khắp thành phố, lại chưa tìm ra được các yếu tố dịch tễ. Nó chứng tỏ những "hạt mầm" dịch bệnh đã xuất hiện khắp Hà Nội, chỉ chờ cơ hội bùng lên.
Thế nên tuy có nhiều ý kiến phản đối việc xét nghiệm diện rộng ở Hà Nội, khi tỷ lệ ca phát hiện chỉ ở mức 0,01% nhưng tôi vẫn cho đây là việc Hà Nội nên làm. Nếu không xét nghiệm như vậy sẽ không biết mức độ lây lan hiện đang thế nào. Khi đã rõ tình hình, Hà Nội có thể tập trung xét nghiệm các nhóm nguy cơ cao như bệnh nhân có triệu chứng nghi mắc Covid-19, cán bộ y tế, người làm nghề dịch vụ, shipper, nhân viên hiệu thuốc, người bán hàng tại các chợ.
Hà Nội sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều khi mà một lực lượng lớn các bác sĩ của Thủ đô đã và đang tăng cường cho TPHCM chống dịch, chưa thể trở về một sớm một chiều.
Điều đáng lo ngại thứ hai là dù tỷ lệ tiêm vắc xin ở Hà Nội ở nhóm người trên 18 tuổi mới đạt được 50%, nhưng người cao tuổi (nhóm trên 65 tuổi) lại không dễ tiếp cận được vắc xin do việc thực hiện chính sách tiêm chủng của thành phố đang cẩn trọng không cần thiết.
Nếu như TPHCM tiêm cho người cao tuổi ngay tại các điểm tiêm chủng cấp phường, thì ở Hà Nội, nhóm tuổi trên 65 được yêu cầu phải đến bệnh viện. Nhưng hướng dẫn cho việc đăng ký tiêm ở bệnh viện với nhóm này chưa rõ ràng, theo số liệu đợt tiêm lần thứ 7 của Hà Nội, tỷ lệ tiêm cho người già mới chỉ được 0,2%. Đây sẽ là rủi ro lớn cho hệ thống y tế nếu dịch bùng phát mạnh.
TPHCM đang có kế hoạch tiêm vắc xin cho hơn 800.000 trẻ em để mở cửa trường học. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu vắc xin trên toàn quốc hiện nay, tôi cho rằng việc bảo vệ tính mạng cho người yếu thế (cụ thể là người cao tuổi) cần được ưu tiên hơn việc mở cửa trường học.
Chúng ta biết rằng kể cả khi trẻ em được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin, các cháu vẫn có thể bị lây nhiễm virus tại trường học và có thể lây cho người cao tuổi trong gia đình. Trẻ em bị nhiễm virus hầu hết không có triệu chứng hoặc mắc bệnh nhẹ, trong khi cứ 3 người từ 65 tuổi trở lên nhiễm virus thì có một người tử vong. Nếu TPHCM đã tiêm đủ vắc xin cho người cao tuổi của thành phố thì đó là một việc chưa cần thiết.
Mấy tháng qua, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác đã nhường vắc xin cho TPHCM, bây giờ là lúc chúng ta phải tập trung vắc xin cho nhóm tuổi từ 50 trở lên, người cao tuổi ở các tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội và các địa phương có đang có dịch bùng phát, mật độ dân số cao.
Ít nhất chúng ta cần phải có một vũ khí gì đó để chống dịch. Nhưng trong hoàn cảnh vắc xin chưa có đủ như hiện nay, năng lực y tế của Hà Nội đang mong manh hơn bao giờ hết khi chi viện cho phía Nam, chúng ta buộc phải chọn phong tỏa để "câu giờ" chờ vắc xin và tăng nhanh năng lực điều trị.
Hà Nội đang được coi là hậu phương chống dịch cho TPHCM và các tỉnh phía Nam. Nên trong lúc dịch bệnh ở phía Nam chưa kiểm soát được, chúng ta phải bảo vệ Hà Nội. Một khi Hà Nội bùng dịch, các bác sĩ Thủ đô đang chi viện cho miền Nam sẽ buộc phải quay về, lúc đó sẽ là khó khăn trăm bề cho chúng ta.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội) đang làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức ở Bình Dương nhưng mấy hôm nay phải bay ra Hà Nội để lên phương án xây dựng Bệnh viện Hồi sức 500 giường - đó là một ví dụ cho thấy nếu không kiểm soát được dịch ở Hà Nội, thì hậu phương của các tỉnh phía Nam cũng không còn nữa.
Hà Nội có thể rút ra những bài học gì từ chuyện chống dịch của TPHCM, thưa Tiến sĩ?
Có những việc chưa làm tốt ở TPHCM - không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác cần rút kinh nghiệm, ví dụ như: Tránh hiện tượng giãn cách trên giấy, tụ tập ngoài đời, người dân tập trung quá đông ở các khu tiêm chủng, điểm xét nghiệm và siêu thị. Phải bảo đảm được an sinh xã hội cho dân nghèo để họ yên tâm thực hiện các chủ trương của chính quyền. Tránh chuyện ra quyết định vội vã dựa trên số liệu kém chất lượng, bị động trong công tác hậu cần không chỉ trong thuốc, trang thiết bị y khoa, sinh phẩm xét nghiệm mà còn cả hàng hóa thiết yếu, không tính toán được về logistic.
Ngoài ra Hà Nội nên tiến hành thí điểm cách ly F0 và F1 ngay tại nhà từ bây giờ. Vì có thể chỉ một thời gian tới thôi, Hà Nội sẽ không còn đủ nguồn lực để cách ly tập trung nữa. Thực tế là việc cách ly F0, F1 tại nhà đã được triển khai ở Sài Gòn dù khá muộn. Nên Hà Nội hãy coi đó là việc tất yếu. Giải pháp đó không chỉ giúp giảm lây nhiễm chéo trong khu cách ly mà còn giúp giảm bớt gánh nặng của đội ngũ y tế. Hãy biết chắt chiu sức lực của họ cho những việc khó khăn và cần thiết hơn những ngày tới.
Tiến sĩ ủng hộ quan điểm phong tỏa nhưng cũng có nhiều ý kiến từ cơ quan hữu trách nói rằng đã đến lúc chúng ta phải học cách sống chung với dịch. Liệu hai quan điểm này có mâu thuẫn nhau?
Trong cuộc họp mới đây giữa Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.
Tôi cho rằng cần phải hiểu đầy đủ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chúng ta sống chung với Covid-19, nghĩa là không còn kỳ vọng "zero Covid" (không có Covid-19-PV) nữa nhưng mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong thì Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh. Mà muốn giảm tử vong nhất định phải tiêm bằng được vắc xin cho nhóm người cao tuổi, nhóm có bệnh nền, để tránh quá tải về y tế và chuẩn bị đủ năng lực xét nghiệm và điều trị.
Nếu tỉnh, thành phố nào chưa thể tiêm được vắc xin cho 90-95% nhóm tuổi từ 50 trở lên và nhóm có bệnh nền, đều phải chọn giải pháp phong tỏa tạm thời để chờ vắc xin.
Chừng nào Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã tiêm vắc xin cho toàn bộ nhóm này thì đến lúc thay vì đề nghị phong tỏa, tôi sẽ là người đưa ra kiến nghị kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách theo từng giai đoạn. Đồng thời giám sát sự xuất hiện của các biến thể cần quan tâm để xây dựng chiến lược ứng phó mới.
Cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)