Bảo vật quốc gia bia hộp đá Đồi Cốc: Ghi dấu công đức Trạng nguyên Giáp Hải
Du khách tham quan Bia hộp đá Đồi Cốc. |
Quý hiếm, tiêu biểu, độc đáo
Ông Hà Văn Cổn, Trưởng thôn Cốc (xã Dĩnh Trì) cho hay, đến nay vừa tròn 20 năm nhân dân thôn Cốc phát hiện và gìn giữ bia hộp đá tại đình của thôn và nay tại đền thờ Trạng nguyên Giáp Hải cùng thân phụ của ông. Việc trông coi cổ vật do Chi hội Người cao tuổi và đích thân Trưởng thôn đảm nhiệm. Trải qua bao năm tháng, khối bia được nhân dân nâng niu bảo vệ vẹn nguyên ánh lên màu xanh bóng của đá. Mùng một, ngày rằm hằng tháng, Hội Người cao tuổi thôn và bà con đến thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân.
Bia hộp đá có dạng khối chữ nhật gồm hai phần thân bia và nắp đậy ốp khít vào nhau. Nắp đậy kích thước 72x49cm, độ dày bia 16cm. Lòng nắp và mặt thân bia đều được mài phẳng, nhẵn, khắc văn tự Hán cổ và chữ Nôm. Ba diềm cạnh khắc chìm họa tiết hoa dây cuốn trổ tay mướp. Diềm trên khắc chữ khổ to, nét kép “Thái Bảo Giáp phủ quân mộ chí”. Bia hộp đá thời Mạc được các nghệ nhân dân gian xưa sử dụng liên hoàn các kỹ thuật thủ công thô sơ, kỹ thuật xẻ đá, mài, chạm khắc chữ và hoa văn không cầu kỳ. Chữ trên bia là kiểu chữ khải, đường nét mảnh, khắc nông. Tuy vậy những họa tiết hoa văn và nghệ thuật khắc chữ đã đạt đến độ tinh xảo thường gặp ở các tác phẩm điêu khắc đá thời Mạc. Bia được khắc vào ngày 26 tháng 12 năm Kỷ Dậu niên hiệu Cảnh Lịch thứ 2 (1549).
Là một cổ vật được tạo tác cách đây gần 500 năm, bia hộp đá thời Mạc mang nhiều thông tin có giá trị lịch sử. Nội dung văn bia là tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Giáp Hải; xác định ngôi mộ Khánh Sơn tiên sinh, thân phụ của ông. Văn bia còn làm sáng tỏ những huyền thoại ly kỳ liên quan đến thân phận Trạng nguyên dưới triều nhà Mạc. Đến nay cả nước mới phát hiện 12 tấm bia tương tự. Vì vậy Bia hộp đá Đồi Cốc là hiện vật mang tính tiêu biểu, độc đáo đại diện cho thời Mạc ở nước ta.
Theo các tài liệu nghiên cứu lịch sử, ông đã phò nhà Mạc 49 năm và từng giữ nhiều chức vị cao, đặc biệt là Thượng thư sáu bộ, được vua ban lá cờ thêu đôi câu đối: Trạng đầu Tể tướng đẩu Nam tuấn/ Quốc lão đế sư thiên hạ tôn (Là Trạng nguyên, Tể tướng cao đẹp như sao đẩu trời Nam/ Bậc Quốc lão, thầy dạy vua thiên hạ đã tôn vinh).
Bảo vệ, phát huy giá trị cổ vật
Ông Tạ Quang Như, Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì cho biết, từ khi phát hiện, cùng với việc kịp thời báo cáo cấp trên để tiến hành xem xét giá trị của bia hộp đá, chính quyền và nhân dân xã Dĩnh Trì đã cùng nhau làm tốt công tác giữ gìn, bảo vệ nguyên vẹn hiện vật. UBND xã chỉ đạo Đài truyền thanh xã, các tổ chức đoàn thể, thôn phối hợp tuyên truyền cho nhân dân để cùng chung tay bảo vệ hiện vật; qua đó giáo dục lòng tự hào về cha ông và truyền thống hiếu học cho con cháu địa phương. Xã cũng quan tâm làm tốt công tác xã hội hoá, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà lưu giữ cổ vật, trong đó có sự đóng góp đáng kể của con cháu dòng họ Giáp ở mọi miền Tổ quốc. Từ nguồn kinh phí được TP hỗ trợ, mới đây, xã đã cho làm tủ kính cường lực, đai kim loại trang trí và bảo vệ cổ vật. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Dĩnh Trì chú trọng vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp nơi lưu giữ bia đá. Tiếp tục huy động xã hội hoá để tu sửa nơi lưu giữ gắn với cụm di tích lịch sử đình thôn Cốc; phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức những đợt tham quan, giáo dục truyền thống tại đây.
Người dân thôn Cốc rất tự hào về di sản cha ông để lại. Ông Nguyễn Đình Niên, 75 tuổi nói: “Sau khi phát hiện bia hộp đá, nhiều người đến hỏi mua song nhân dân trong thôn cương quyết không bán mà bảo nhau gìn giữ cho con cháu đời sau. Khi cần đóng góp kinh phí để bảo vệ bia, tôn tạo di tích, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia”.
Được biết, UBND TP Bắc Giang đã quy hoạch, dành mặt bằng xây dựng đền thờ Trạng nguyên Giáp Hải với diện tích khoảng 1 nghìn m2 tại tổ dân phố Giáp Hải, phường Dĩnh Kế, quê hương của ông. Dự kiến ngôi đền sẽ được xây dựng trên nền di tích trước đây bảo đảm diện tích, không gian phù hợp, xứng tầm với công đức của Trạng nguyên Giáp Hải; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách đến dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào về bậc tiền nhân. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ là điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa kết nối với Khu di tích chiến thắng Xương Giang. Hiện nay, UBND TP phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin TP, UBND phường Dĩnh Kế, nhân dân tổ dân phố và các đơn vị liên quan xúc tiến thủ tục cần thiết để sớm khởi công xây dựng ngôi đền.
Kim Hiếu
Ý kiến bạn đọc (0)