Ban Văn hóa-Xã hội: Khảo sát mô hình trường học mới và VNEN
Đoàn khảo sát làm việc tại trụ sở UBND xã Vân Hà. |
Theo ý kiến của đại diện chính quyền địa phương, giáo viên, phụ huynh học sinh thì việc áp dụng phương pháp học tập mới giúp phát huy tính chủ động, tích cực của người học; tăng khả năng làm việc nhóm; học sinh tự tin, tuy nhiên chỉ phù hợp với học sinh lực học khá, còn đa số các em lực học trung bình trở xuống khó theo kịp.
Đội ngũ giáo viên của Trường Tiểu học Vân Hà số 2, Trường THCS Vân Hà thiếu và không ổn định. Người dân ở đây chủ yếu làm nghề truyền thống, ít có thời gian giám sát việc học tập của con em. Việc đánh giá thông qua nhận xét mà không cho điểm đối với học sinh tiểu học khiến phụ huynh khó nắm bắt thực lực của con trên lớp. Phía xã đề xuất dừng triển khai mô hình.
Phát biểu tại đây, đồng chí Bùi Văn Hạnh nhấn mạnh phương pháp giáo dục có tác động trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức, hình thành năng lực, phẩm chất người học. Qua nắm bắt, trong quá trình triển khai xây dựng mô hình ở các địa phương trong tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sự không đồng đều về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khả năng tiếp thu của người học.
Một tiết học của lớp 5A, Trường Tiểu học Vân Hà số 2 - nơi triển khai mô hình VNEN. |
Đồng chí đề nghị lãnh đạo huyện Việt Yên, xã Vân Hà tiếp tục khắc phục khó khăn, đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm đội ngũ giáo viên, tạo thuận lợi cho các trường tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục và đào tạo. Ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường cần thường xuyên nghiên cứu, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, đề xuất, Ban Văn hóa-Xã hội tổng hợp, tham mưu với HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, quyết định tiếp tục duy trì hay tạm dừng mô hình trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Được biết, trước đó, Ban Văn hóa-Xã hội đã khảo sát nội dung này tại huyện Yên Dũng, Tân Yên và TP Bắc Giang.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)