Bắc Giang vượt mục tiêu vào tốp 15 nền kinh tế đầu tàu
Năm 2020, quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 16/63 tỉnh, TP cả nước (khoảng 123.000 tỷ đồng). Có ý kiến cho rằng, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 mới vươn lên vào tốp 15, mục tiêu như vậy liệu có thấp?
Giải thích điều này, ông Nguyễn Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nói rằng, khi anh đi, người ta cũng đi, anh chạy người ta cũng chạy, có phải họ đứng yên để mình vượt lên đâu. Hơn nữa, các tỉnh, TP có quy mô nền kinh tế đã vào tốp đầu tàu cả nước đều có tiềm năng, lợi thế so sánh hơn ta, được đánh giá là năng động, có bước tiến vượt bậc những năm qua.
Có thể kể tên vài địa phương ấy: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Năm 2022, Bắc Giang vượt qua Thái Nguyên, Vĩnh Phúc để xếp thứ 13 (quy mô GRDP khoảng 156.000 tỷ đồng), xếp thứ 12 là Long An và 11 là Hải Dương.
Nêu mấy ý trên để thấy quy mô GRDP của tỉnh vươn lên 3 bậc trong hai năm qua là một bước tiến ngoạn mục. Bởi vì đó là hai năm chúng ta phải đối mặt với tác động khốc liệt của đại dịch Covid -19 và những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, tình hình thế giới, khu vực diễn biến khó lường; lạm phát, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao... Vượt qua khó khăn, thách thức đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Bắc Giang năm 2021 vẫn đạt hơn 7,8%; năm 2022 ước đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Khánh Hòa, tuy nhiên năm 2021 Khánh Hòa tăng trưởng âm hơn 5,5%).
Để đạt được kết quả này là sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả bốn giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội XIX đề ra, đó là: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của địa phương; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, thế và lực của Bắc Giang đã có bước tiến vững chắc, trên đà tiếp tục bứt phá. Với thế và lực mới, mục tiêu tăng trưởng GRDP từ nay đến cuối nhiệm kỳ, quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng vững trong tốp13 nền kinh tế có quy mô lớn nhất cả nước và dự báo triển vọng có thể nâng thứ hạng cao hơn.
Để đạt mục tiêu ấy, Bắc Giang cần tiếp tục hóa giải bài toán “bốn đột phá” nêu trong Nghị quyết Đại hội XIX. Những hiến kế của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Giao thông – Vận tải, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội được trình bày trong trang báo này góp phần giải bài toán “bốn đột phá” trên. Theo đó, việc tổ chức triển khai thực hiện thành công ở các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chắc chắn sẽ tạo ra chuyển biến mới.
Trần Anh
Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tái cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững
Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững, ngoài nỗ lực cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Bắc Giang còn đề ra 27 mục tiêu theo 3 nhóm. Cụ thể gồm: Tăng trưởng kinh tế bền vững; tăng trưởng kinh tế thúc đẩy tiến bộ xã hội; tăng trưởng gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, tham mưu lồng ghép và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, hằng năm của tỉnh; đồng thời hướng dẫn các ngành, địa phương lồng ghép và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, hằng năm của ngành, địa phương. Định kỳ kiểm tra, giám sát, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch hành động; đề xuất sửa đổi, bổ sung kế hoạch trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang đã quan tâm, tích hợp các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động quốc gia 2030 và Kế hoạch hành động phát triển bền vững của tỉnh. Qua đó bảo đảm thống nhất về không gian các hoạt động KT-XH trên cơ sở kết nối quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh quá trình phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhờ vậy, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năng suất lao động xã hội tăng 15,9% (cả nước tăng khoảng 3,8-4,3%). Quy mô GRDP được mở rộng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.400 USD, tăng 15,3%, vượt 3% kế hoạch. Để duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển bền vững, Sở tiếp tục tham mưu một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng dần tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất, các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế; huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX đã xác định: Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, tập trung đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, chất lượng cao, góp phần tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Dự báo thời gian tới, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, DN vốn đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào tỉnh, nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề chất lượng cao sẽ tăng. Theo đó, Bắc Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Nổi bật là đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN như: Xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập tại DN; tuyển dụng lao động sau đào tạo; học bổng của DN cho người học; liên kết đào tạo một số nghề trọng điểm; hợp tác đào tạo theo nhu cầu DN. Năm 2022, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang đã hợp tác với 45 DN; Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp hợp tác với 55 DN; Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang hợp tác với 40 DN và Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang hợp tác với 3 bệnh viện cho hơn 4.900 học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tại DN. Người học được trải nghiệm công việc thực tế; nâng cao tri thức nhờ học đi đôi với hành, học hỏi được kiến thức từ thực tế; trải nghiệm ban đầu về môi trường làm việc và văn hóa tại DN; hiểu biết về quy trình sản xuất, tham gia sản xuất trực tiếp và có thu nhập chính đáng… DN được bổ sung nhân sự vào làm việc; tiết kiệm chi phí sử dụng lao động; có cơ hội lựa chọn nhân lực tốt để tuyển dụng chính thức sau khi người học hoàn thành khóa học mà không mất thời gian và chi phí đào tạo thêm. Qua liên kết, ngay sau khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trình độ cao đẳng, trung cấp có 92 - 95% học sinh, sinh viên được DN tuyển dụng, bố trí vào vị trí phù hợp, đáp ứng nhu cầu vị trí việc làm của DN… Mô hình liên kết đào tạo giữa DN và các cơ sở đào tạo tiếp tục được Sở chỉ đạo, nhân rộng thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của DN khi tuyển dụng lao động. Ông Trần Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Dồn lực cho giao thông kết nối, mở rộng không gian phát triển
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cần được ưu tiên đầu tư, tạo động lực, lan tỏa phát triển KT-XH của tỉnh. Vì vậy, giai đoạn 2021-2022, ngành giao thông đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư các tuyến đường mang tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn về giao thông. Tăng cường phối hợp với các tỉnh, TP giáp ranh để cùng đầu tư các công trình liên tỉnh phục vụ kết nối đối ngoại. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thực hiện ưu tiên đầu tư một số tuyến đường tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đôn đốc tiến độ, chất lượng các công trình giao thông. Đầu tư các dự án bảo đảm về quy mô, chất lượng mặt đường. Duy trì các kết quả phát triển giao thông nông thôn đã làm được trong những năm qua, Sở chú trọng công tác bảo trì và hạn chế xe quá khổ, quá tải để tăng "tuổi thọ" các tuyến đường. Đổi mới công tác bảo trì các tuyến đường tỉnh, quốc lộ (QL) ủy quyền trên địa bàn. Năm 2022, Bắc Giang đã và đang đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm như: Mở rộng làn 2 cầu Như Nguyệt bảo đảm quy mô cao tốc 6 làn xe, xây dựng và cải tạo 5 nút giao với cao tốc (nút giao đường Hùng Vương, QL17, QL37; nút giao trực thông ĐT 398 với KCN Quang Châu, nút giao tại thị trấn Vôi). Xây dựng 3 cầu vượt dân sinh trên cao tốc và QL37 phục vụ công nhân các KCN; mở rộng quy mô đường gom hai bên thuộc huyện Việt Yên và TP Bắc Giang phục vụ các KCN hai bên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang; cải tạo nâng cấp QL31 đoạn TP Bắc Giang đi Chũ, QL37, QL17 theo quy mô đường cấp III và hàng loạt đường tỉnh kết nối với tỉnh lân cận. Ngoài ra, Sở đã đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải quan tâm đầu tư xây mới cầu đường bộ Cẩm Lý tách riêng với cầu đường sắt; xây dựng làn 2 cầu Xương Giang trên cao tốc... Những công trình này sẽ mở ra không gian mới, thuận lợi cho giao thương, phát triển KT-XH. Khánh Vân (thực hiện) |
Ý kiến bạn đọc (0)