Bắc Giang thực hiện các chính sách đặc thù: Khơi nguồn lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn
Trong số đó phải kể đến NQ số 07/NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn. Qua thảo luận, HĐND tỉnh quyết định chọn lĩnh vực này bởi giao thông nông thôn có ý nghĩa lớn trong phát triển KT-XH đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bắc Giang.
Trồng ớt chuông trong nhà màng tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng) - mô hình được thực hiện theo NQ số 46/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh. Ảnh: Trịnh Lan |
Mặc dù là tỉnh miền núi, địa bàn rộng song quá trình thực hiện NQ đã mang lại kết quả rất tích cực, được nhân dân đánh giá cao. Từ đó đã tạo ra phong trào phát triển giao thông nông thôn rộng khắp, huy động được các nguồn lực xã hội để thực hiện, kết nối thuận lợi giữa các thôn, xã, vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH; góp phần thiết thực vào hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2018 và 2019, toàn tỉnh có hơn 2,8 nghìn km đường giao thông được cứng hóa, cạp mở rộng nhờ chính sách này.
NQ số 46/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2020 cũng được triển khai tích cực, tạo sự phát triển về chiều sâu và chuyển biến mạnh mẽ về chất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Từ 71 mô hình trong hai năm 2017, 2018, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 249 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 411 nghìn m2 nhà lưới, nhà màng. Các mô hình đã đi vào sản xuất ổn định và hiệu quả, có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp và HTX, điển hình như các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên.
Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn tập trung có sự tham gia hợp tác, liên kết trong việc chuyển giao quy trình công nghệ, cung ứng vật tư kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất của các mô hình tăng từ 20-30% so với sản xuất thông thường.
NQ số 34/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 và NQ số 12/2018/NQ-HĐND ngày 11-7-2018 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2018 và giai đoạn 2019-2021 nhằm hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông (ngầm, đường tránh lũ, khắc phục sạt lở, trơn trượt), công trình thủy lợi (hồ, đập).
Tổng kinh phí hỗ trợ cả hai giai đoạn 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Cùng đó, các thôn, bản này khi xây dựng đường giao thông nông thôn được hỗ trợ xi măng theo NQ số 07/2017/NQ- HĐND ngày 13-7-2017. Việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần giúp các thôn bản giải quyết phần nào yêu cầu cấp thiết về giao thông, thủy lợi, các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, giúp người dân vươn lên phát triển KT-XH, thoát nghèo bền vững.
Thực hiện NQ số 19/2017/NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hợp đồng giáo viên mầm non; mức thu học phí bậc học mầm non trong các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh, theo đó, những giáo viên đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp theo vị trí được hợp đồng làm việc tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.
Chế độ tiền lương và các chế độ khác của giáo viên hợp đồng lao động theo NQ này được bảo đảm như giáo viên hợp đồng làm việc trong biên chế. Ngân sách tỉnh và huyện, TP hỗ trợ đóng BHYT, BHXH và các khoản đóng góp bắt buộc.
Riêng hợp đồng giáo viên mầm non tại huyện Sơn Động và các xã đặc biệt khó khăn do ngân sách cấp tỉnh chi trả 100% lương, phụ cấp và các khoản đóng góp. Không chỉ được ghi nhận trong tỉnh, chính sách đặc thù này còn được đánh giá cao trong toàn quốc, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, bảo đảm đời sống, an sinh cho đội ngũ này, giúp họ yên tâm, gắn bó với nghề.
Tăng cường giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các NQ
Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, mỗi kỳ họp HĐND tỉnh đều thông qua nhiều NQ trong đó có các NQ mang tính chính sách đặc thù của địa phương. Để bảo đảm hiệu quả khi thực hiện, trước đó, việc nghiên cứu, chuẩn bị được tiến hành kỹ lưỡng về tính thực tế (xem xét nhu cầu thực tế đặt ra và nguồn lực để thực hiện), tính pháp lý, sự chặt chẽ.
Do đó phải làm tốt khâu khảo sát nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thực tế địa phương, nhất là khả năng tác động của chính sách đến KT-XH của địa phương. Để NQ ban hành bảo đảm đúng trình tự, các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị văn bản; khâu thẩm tra, thẩm định của các ban HĐND tỉnh phải xem xét NQ ban hành có phù hợp với các quy định của pháp luật và có tính khả thi hay không.
Quá trình xem xét dự thảo được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng. NQ sau khi ban hành cần tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân qua các kênh như: Hoạt động của các đại biểu và tổ đại biểu HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri, thông qua hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với những NQ cần ban hành kế hoạch và hướng dẫn thì ngay sau đó UBND tỉnh và các ngành sẽ ban hành kế hoạch và văn bản hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động giám sát của HĐND đối với việc thực hiện các NQ để đánh giá quá trình, kết quả thực hiện, nắm bắt những vấn đề phát sinh cần phải xử lý. Có thể thấy do công tác chuẩn bị chu đáo, các NQ ban hành đều rất chặt chẽ, bảo đảm tính pháp lý, khi thực hiện tạo ra sự chuyển biến tích cực về KT-XH của địa phương.
Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVIII vừa qua tiếp tục ban hành nhiều NQ có tính chất chính sách đặc thù của địa phương như: NQ quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 - 2025; NQ quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên trường trung học phổ thông chuyên và trường trung học cơ sở trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ quy định chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang…
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện. Các NQ này đều hướng đến góp phần thực hiện các mục tiêu KT-XH của tỉnh, đó là tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy giáo dục mũi nhọn của tỉnh; thể hiện tính nhân văn, động viên khích lệ người cao tuổi; thực hiện nếp sống văn hóa và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)