Bắc Giang: Sửa đổi, bổ sung Đề án phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
Phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD đáp ứng yêu cầu các công trình, dự án, thúc đẩy phát triển KT - XH. |
Đề án đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Tạo ra các sản phẩm chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, sử dụng phế thải công nghiệp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đa dạng các sản phẩm VLXD có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tỉnh và khu vực.
Tiếp tục đưa công nghệ xử lý khí thải, bụi, chất thải rắn vào các cơ sở sản xuất VLXD có phát thải, từng bước chuyển đổi hoặc loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Về phương án phát triển VLXD tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Đề án tập trung phát triển các nhóm sản phẩm như: Xi măng, gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, vật liệu lợp, vật liệp ốp lát, bê tông và cấu kiện bê tông, cát, đá, sỏi xây dựng, vôi công nghiệp, vật liệu san lấp và các loại VLXD khác…
Trong đó, đối với sản phẩm xi măng phấn đấu đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanhke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng.
Đối với gạch đất sét nung, mục tiêu trong giai đoạn 2031-2050 là tiếp tục duy trì năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu nội tỉnh. Tỷ lệ gạch đất sét nung còn khoảng 30% - 40% trong tổng sản lượng vật liệu xây. Tỷ lệ sản phẩm gạch nung trang trí, mỏng, rỗng... giá trị gia tăng cao chiếm 80%. Giảm mức tiêu hao nhiệt, mức phát thải CO2 từ 20% đến 30% so với giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm gạch không nung kích thước lớn, cấu kiện, tấm tường, vật liệu nhẹ nhằm giảm thời gian thi công, hạ giá thành xây dựng, giảm thiểu phát thải trong quá trình xây dựng.
Vật liệu xây không nung, khuyến khích đầu tư sản xuất các chủng loại có kích thước lớn, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu là chất thải công nghiệp, xây dựng; các sản phẩm nhẹ; siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới, vật liệu xanh...
Các loại VLXD khác tiếp tục mở rộng thị trường, tiếp nhận và phát triển sản xuất những chủng loại vật liệu trang trí hoàn thiện, vật liệu mới có chất lượng cao nhưng chưa sản xuất được trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích đầu tư phát triển các loại VLXD mới như: Vữa khô trộn sẵn, các loại phụ gia có tính năng năng đặc thù, các loại vật liệu nội, ngoại thất từ gỗ công nghiệp, tấm nhựa PVC, hợp kim nhôm; đá nhân tạo; tấm tường 3D; kính cường lực, kính an toàn; cấu kiện xây dựng lắp ghép,...
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án; tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất VLXD thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD; xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các hành vi vi phạm khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD trái phép và kinh doanh không có nguồn gốc hợp pháp…
Ý kiến bạn đọc (0)