Bắc Giang: Số hóa để giải quyết thủ tục hành chính
Chủ động, tích cực
Ngày 6/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Theo đó, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bắt đầu thực hiện từ ngày 1/6/2022; cấp huyện từ ngày 1/12/2022, cấp xã từ ngày 1/6/2023; đẩy mạnh số hóa hồ sơ còn hiệu lực tại các cơ quan chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông), bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh đều chủ động số hóa hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tiếp trước thời hạn. Đơn cử như đối với cấp xã, dù nửa năm nữa mới đến thời gian quy định nhưng ngay từ tháng 8/2022 đến nay, toàn bộ các đơn vị đã số hóa. Có được kết quả tích cực như vậy, trước hết là do sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính.
Thứ hai là sự sẵn sàng về hạ tầng khi tỉnh sớm tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với Cổng dịch vụ công tỉnh; trang bị chữ ký số đến 100% cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa các cấp; tỷ lệ ký số trong các cơ quan, đơn vị đạt cao. Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về quy trình số hóa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy vi tính, máy scan được đầu tư. Đặc biệt mới đây, tỉnh đã đưa vào sử dụng Kho dữ liệu số; thí điểm tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với 11 TTHC.
Người dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa phường Xương Giang (TP Bắc Giang). |
Sau hơn 6 tháng triển khai, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã số hóa 100% hồ sơ tiếp nhận. Từ tháng 9/2022, bộ phận một cửa xã Khám Lạng (Lục Nam) đã thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết TTHC. Ông Nguyễn Đình Công, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dù chưa đến thời gian quy định song do xã đã được trang bị đầy đủ máy vi tính, máy scan tốc độ cao nên chúng tôi triển khai sớm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và sau này cũng bớt được phần việc số hóa hồ sơ còn hiệu lực”. Được biết tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của Khám Lạng trung bình đạt hơn 80%, dẫn đầu huyện.
Cùng với số hóa hồ sơ tại chỗ (tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa) các địa phương cũng tập trung số hóa hồ sơ còn hiệu lực tại các cơ quan chuyên môn. Trong năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với 14 sở như: Công Thương; Xây dựng; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư… hoàn thành số hóa 48 nghìn trang hồ sơ từ ngày 30/5/2022 đến ngày 1/1/2021. Hiện các đơn vị đang thực hiện đính kèm kết quả giải quyết TTHC bản điện tử đã được số hóa lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Đầu tư cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ
Mục tiêu số hóa là đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và tái sử dụng kết quả nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động. Thống kê từ cơ quan chuyên môn, đến hết năm 2022, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 9,91%; tỷ lệ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa là 53,51%. Có thể thấy, kết quả thực hiện số hóa hồ sơ của tỉnh Bắc Giang khá tích cực.
Tuy nhiên tỷ lệ đính kèm kết quả giải quyết TTHC bản điện tử lên hệ thống còn thấp; thông tin, dữ liệu số hóa còn ít được khai thác, tái sử dụng; mức độ số hóa giữa các địa phương không đồng đều. Đơn cử huyện Yên Dũng có tỷ lệ số hóa đạt 51,5%, cao nhất tỉnh; tiếp theo là huyện Lạng Giang đạt tỷ lệ 45,5%. Trong khi đó huyện Yên Thế chỉ đạt 30,6% và huyện Việt Yên đạt 35,7%.
Đến hết năm 2022, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 9,91%; tỷ lệ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa là 53,51%. |
Để số hóa thì trang thiết bị phải bảo đảm; cán bộ phải tuân thủ quy trình, yêu cầu kỹ thuật; đặc biệt là việc đính kèm kết quả điện tử lên hệ thống. Bởi hiện nay tại một số nơi mới tập trung chuyển hồ sơ giấy sang bản điện tử ở khâu tiếp nhận, chưa bảo đảm yêu cầu. Các quy định về tái sử dụng dữ liệu chưa rõ ràng, đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đơn vị đã bổ sung các trang thiết bị như: Máy scan khổ lớn; màn hình tra cứu TTHC phục vụ nhiệm vụ số hóa. Chủ động phối hợp với các sở, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, tìm giải pháp tháo gỡ. Cùng đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia tạo lập, sử dụng kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Để đẩy mạnh số hóa, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các bộ phận liên quan. Đẩy nhanh tiến độ cập nhật, kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa theo quy định. Rà soát, sắp xếp, đổi mới quy trình, cách thức tổ chức công việc, nhân sự và bổ sung các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết. Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm việc vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, Kho dữ liệu số thông suốt; hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện số hóa, lưu trữ, sử dụng kết quả giải quyết TTHC. Định hướng tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia tạo lập, sử dụng kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)