Bắc Giang - Miền di sản
Dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Biểu diễn quan họ tại Lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên). Ảnh: Nguyễn Hưởng |
Trong địa dư của tỉnh hầu hết đều thuộc sơn phận các dãy núi lớn như; Yên Tử, Thái Hòa, Bảo Đài, Cai Kinh và một số núi như dãy Nham Biền, Quảng Phúc, Trung Sơn, Tiên Sơn, Thù Sơn... Trong đó dãy núi Yên Tử- Huyền Đinh và dãy Bảo Đài làm nên con sông Lục Nam với thung lũng Lục Nam, Lục Ngạn rộng lớn. Dãy núi Cai Kinh và dãy núi Bảo Đài cùng dãy Quảng Phúc, Nham Biền làm nên con sông Thương bên đục bên trong bao đời.
Về phía Nam dãy núi Thù Sơn, Tiên Sơn, Nham Biền là con sông Cầu nước chảy lơ thơ làm thành ranh giới giữa tỉnh Bắc Giang với tỉnh Bắc Ninh. Cả ba con sông này đều chảy về sông Lục Đầu rồi chảy xuôi ra Biển Đông. Nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy địa thế Bắc Giang như hình một chiếc quạt lớn xòe ra với ba thung lũng sông: Sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam hội tụ cả về sông Lục Đầu.
Các cụ nói rằng: Bắc Giang là vùng đất "Địa linh nhân kiệt" của nước ta. Điều đó thật là chí lý, bởi vì vùng đất nào mà thủy tụ khí dừng, khí dừng thì sinh khí tụ, sinh khí tụ thì địa linh. Địa linh thì sinh nhân kiệt (phò vua giúp nước). Chả thế, năm 2014 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin phép tỉnh cho khắc hoàn thiện tấm bia lớn dựng ở sân Bảo tàng tỉnh. Mặt trước khắc đủ tên tuổi sự nghiệp 58 vị tiến sĩ văn và các tạo sĩ võ thời phong kiến.
Mặt sau tấm bia ấy khắc bài "Xương Giang phú" của Lý Tử Tấn ca ngợi chiến thắng Xương Giang năm 1427 lẫy lừng oanh liệt. Bia đá khắc xong, ai đã từng đọc, khó tính đến mấy cũng phải thừa nhận Bắc Giang là nơi "Địa linh sinh nhân kiệt" thực sự chứ không phải hão huyền.
Một góc Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: Ngô Hồng Thái |
Cái tên Bắc Giang có từ thời Tiền Lê- trước thế kỷ X. ở đất này đã có dấu tích của cư dân hậu kỳ đá ở An Châu, Khe Táu, Chũ phố, Chũ làng, Bố Hạ. Các dấu tích ấy cách ngày nay trên dưới một vạn năm. Sau đó kéo thẳng đến thời đại đồng thau thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Nghĩa là ở Bắc Giang đến giờ đã phát hiện đủ các dấu tích của các thời kỳ đá cũ, đá mới, thời đại đồ đồng, đồ sắt và bước vào các giai đoạn lịch sử có chữ viết với nhiều trang sử hào hùng từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến thời Hai Bà Trưng đánh giặc Hán... Rồi tiếp nối vào thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ.
Ngay buổi đầu thời Lý, ở đất Bắc Giang đã có 3 đời phò mã nhà Lý (họ Giáp, họ Thân). Họ này giúp vua nhà Lý giữ gìn biên cương phía Bắc. Đến đời Trần, Trần Hưng Đạo đã chọn đất Bắc Giang lập phòng tuyến Sa Lý- Biển Động- Nội Bàng chặn đánh quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Thái tử Thoát Hoan nhà Nguyên phải chui vào ống đồng mới chạy thoát khỏi trận tuyến của ta. Lại đến thế kỷ XV (nhà Lê)- Lê Lợi lên ngôi đánh giặc Minh- ông đã chọn Xương Giang làm địa bàn chính đập tan hơn 10 vạn quân Minh ở cánh đồng Xương Giang, đem lại thái bình thịnh trị cho đất nước Đại Việt.
Từ sau thế kỷ XV mảnh đất Bắc Giang ít biến động lớn nên dân tình thịnh vượng dần. Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Giang là địa bàn chính của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo gần 30 năm (1884 - 1913). Sau đó lại được T.Ư Đảng chọn vùng đất Hiệp Hòa làm An toàn khu II của cách mạng. Nơi đây quần chúng đã nuôi giấu cán bộ của Đảng trong thời kỳ trước 8/1945.
Xứ ủy Bắc Kỳ đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho nhiều cán bộ trong cả nước, để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Bắc Giang đã được chọn khu Mai Sưu (Lục Nam) làm trung tâm huấn luyện quân chống Mỹ, các binh đoàn từ đây đi tới các chiến trường làm nhiệm vụ, lập nhiều chiến công thi đua với hậu phương lớn miền Bắc: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Bước vào thời kỳ đổi mới cho tới nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh quan tâm tới việc phát triển toàn diện các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh. Trên địa bàn toàn tỉnh, diện mạo các huyện, xã đều có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các khu công nghiệp được mở ra thu hút nhân lực lao động, giải quyết việc làm. Ở đâu bà con nhân dân cũng thi đua xây dựng nông thôn mới.
Để có được thành quả đó thì sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương thì thực dày công, khó thể nói ngay ra được. Kết quả thực đáng phấn khởi, mọi người dân đều tự hào và tiếp tục phát huy. Riêng về lĩnh vực văn hóa, du lịch ngày nay ai cũng thấy rõ ràng rằng vốn di sản văn hóa của Bắc Giang khá đồ sộ. Đó là kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, dân ca quan họ, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa.
Các di tích về phong trào khởi nghĩa Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên) đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. 16 xã của Hiệp Hòa được công nhận là An toàn khu II. Khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử đã được mở ra thu hút khách tham quan…
Trần Văn Lạng
Ý kiến bạn đọc (0)