Bắc Giang: Đa dạng sản phẩm vải thiều chế biến
Năm nay, tại Lục Ngạn có hơn 3 nghìn lò sấy vải và dự kiến sẽ sấy khoảng 9,5 nghìn tấn bằng lò than, 500 tấn bằng lò điện, lò hơi. Ngoài ra sẽ bảo quản lạnh, chế biến công nghiệp khoảng 3,2 nghìn tấn. Những ngày này, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hoạch quả vải tươi đem đi tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, nhiều hộ dân vận hành hết công suất các lò sấy vải.
Công ty CP Thực Phẩm Toàn Cầu kế hoạch xuất 3000 tấn đi thị trường Châu Âu giải quyết 1600 lao động thời vụ.
|
Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Ngọc Lân ở xã Phương Chiểu, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) thuê đất tại thôn Tân Trường, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) làm lò sấy vải với công suất 9 đến 10 tấn/ngày. Ông Lân cho biết: “Vụ này vải được mùa, quả chắc đẹp, chín đều nên chất lượng vải sấy bảo đảm. Do lò sấy nằm gần khu vực trồng nhiều vải thiều, người dân chở ra bán rất thuận tiện, chủ lò không phải đi gom hàng ở các mối. Hiện tôi thuê 14 người ở nhiều tỉnh làm việc ở lò sấy. Vải ra lò mẻ nào được bán hết mẻ ấy”.
Gia đình ông Vi Thành Luân ở thôn Hăng Bông, xã Hồng Giang là một trong số ít hộ sấy vải bằng lò công nghệ (sấy điện). Với hai lò sấy được đầu tư khoảng 600 triệu đồng, công suất 12 tấn/mẻ, vụ này ông Luân dự kiến sấy khoảng 200 tấn quả. “Thị trường vải sấy có tín hiệu lạc quan nên từ đầu vụ đến nay tôi tập trung vốn thu mua vải tươi với giá từ 8 đến 9 nghìn đồng/kg và đã sấy được hơn 20 tấn. Vải sấy có giá từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg. So với sấy bằng lò than, khi sấy điện cùi vải dẻo, thơm ngon hơn”, ông Luân nói.
Thời điểm này, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn cũng đang tăng cường thu mua vải thiều để chế biến thành các sản phẩm nước ép, vải đông lạnh và đóng hộp. Năm 2023, doanh nghiệp (DN) này có kế hoạch thu mua hơn 2 nghìn tấn vải nguyên liệu để chế biến. Ngoài những công nghệ, thiết bị trước đây, Công ty đầu tư hơn 2 tỷ đồng sử dụng công nghệ đóng gói khí quyển đạt tiêu chuẩn quốc tế với ưu điểm là kéo dài thời gian bảo quản và tăng độ tươi ngon của các sản phẩm chế biến.
Một số HTX trên địa bàn huyện chế biến nước rửa bát, lau sàn, lau kính, rượu vang từ vải; bánh mỳ, sữa chua vải, chè vải hạt sen và bánh vải. Những sản phẩm này được người tiêu dùng ưa chuộng.
Lò sấy vải tại thôn Tân Trường, xã Thanh Hải. |
Bên cạnh hoạt động thu mua vải thiều bán tại các chợ, nhiều thương nhân còn gom hàng cung cấp cho các nhà máy chế biến hoa quả trong nước. Vào các buổi chiều muộn, thương nhân nhiều nơi đổ về bờ đập Cấm Sơn thuộc địa phận thôn Đồng Thủy, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) để thu mua vải thiều của người dân vùng lòng hồ Cấm Sơn. Sản phẩm được mang đi bán cho các nhà máy ép nước hoa quả, lò sấy vải tại các tỉnh, TP như: Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên... Mỗi ngày có hàng chục tấn vải của bà con vùng lòng hồ cung cấp cho các nhà máy chế biến và lò sấy ngoài tỉnh.
Tính đến ngày 23/6, tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn đã tiêu thụ là 50 nghìn tấn (đạt hơn 50 % kế hoạch). Trong đó xuất khẩu hơn 22 nghìn tấn (Trung Quốc 21,8 nghìn tấn, Campuchia 390 tấn, Nhật Bản 51 tấn, châu Âu 19 tấn, Hoa Kỳ và Úc 4 tấn). |
Huyện Lục Ngạn xác định vụ vải năm nay sẽ tiêu thụ 78,3 nghìn tấn vải thiều tươi (trong nước 35 nghìn tấn, xuất khẩu 43,3 nghìn tấn). Tính đến ngày 23/6, tổng số điểm cân vải cố định là 245, tổng sản lượng đã tiêu thụ là 50 nghìn tấn (đạt hơn 50 % kế hoạch). Trong đó, xuất khẩu hơn 22 nghìn tấn (Trung Quốc 21,8 nghìn tấn, Campuchia 390 tấn, Nhật Bản 51 tấn, châu Âu 19 tấn, Hoa Kỳ và Úc 4 tấn).
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay vải thiều vẫn chủ yếu bán tươi, một số ít được chế biến đóng hộp, ép nước và sấy khô với sản lượng, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng. Việc phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu sau thu hoạch còn hạn chế, công nghệ chế biến và các giải pháp tiên tiến bảo quản vải thiều chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn mới có 1 công ty đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm quả vải sau thu hoạch và một số HTX có kho sơ chế, bảo quản lạnh với quy mô vừa và nhỏ. Có thể kể đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu có kho lạnh bảo quản vải thiều sức chứa 600 -700 tấn; HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền, Công tyTNHH Thương mại xuất nhập khẩu và Viễn thông Phú Khánh có 1 máy sấy lạnh; HTX Lục Ngạn Xanh có 1 máy sấy nhiệt; hộ gia đình ông Lương Văn Cường ở xã Tân Lập có máy sấy hơi...
Theo đánh giá của ngành chức năng, công suất, sản lượng chế biến còn thấp. Việc thu hút, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm từ vải thiều cần tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)