Bắc Giang: Bệnh nhi mắc tay-chân-miệng có xu hướng tăng
Hiện đang là mùa cao điểm của nhiều bệnh truyền nhiễm, các cơ sở y tế đều có đông trẻ em đến khám, điều trị. Trong đó, các huyện Tân Yên, Yên Thế và TP Bắc Giang có nhiều ca mắc.
Khám cho bệnh nhi mắc tay-chân-miệng tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sáng ngày 20/7. |
Ngày 20/7, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 18 ca điều trị nội trú. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyết, Phó trưởng Khoa cho biết: Từ đầu tháng 7/2020 đến nay, số bệnh nhi mắc tay-chân-miệng vào điều trị tăng cao, nhất là trong một tuần trở lại đây.
Trung bình mỗi ngày có 5-7 trường hợp nhập viện. Trong khi những tháng trước chỉ có lác đác một vài ca. Điều đáng quan tâm là đã xuất hiện một số ca bệnh nặng. Tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển tuyến kịp thời cho 2 bệnh nhân có diễn tiến xấu ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện, 2 ca bệnh đang được điều trị tích cực, sức khỏe tiến triển tốt.
Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay-chân-miệng cao nhất. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng dễ mắc nhất vào những ngày mùa hè, thời tiết nắng nóng. Đây là bệnh do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây ra, thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71; lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc.
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3-6 ngày. Bệnh khởi phát với các triệu chứng dễ nhận biết như: Đau họng, đau răng, miệng, sốt, chảy nhiều rãi; sau đó xuất hiện các nốt phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân.
Trẻ đã mắc tay-chân-miệng vẫn có thể mắc lại. Hiện chưa có vắc xin dự phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh diễn tiến nặng có thể gây ra biến chứng như: Viêm màng não, viêm cơ tim, bại liệt.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần giữ gìn môi trường, nhà ở sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)