Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy và học

Cập nhật: 11:03 ngày 31/01/2023
(BGĐT) - Là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn những khó khăn nhất định song ngành Giáo dục huyện Yên Thế tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Hứng thú từ mỗi giờ học

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Đồng Kỳ có 16 lớp, 471 học sinh và 30 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đây là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Hiện 100% giáo viên nhà trường sử dụng giáo án điện tử dạy trên lớp thay vì soạn giáo án giấy như 2 năm trở về trước. Các phòng học được trang bị ti vi màn hình lớn, có kết nối mạng internet phục vụ môn học. 

{keywords}

Giờ học Tin học tại lớp 3C, Trường Tiểu học Đồng Kỳ.

Cô giáo Phan Thu Hường, tổ trưởng khối lớp 2-3 của trường chia sẻ: “Trước đây, khi dạy môn tiếng Việt hay Toán, giáo viên phải chuẩn bị rất nhiều đồ dùng do mình tự làm như: Tranh ảnh, các tấm thẻ, biểu bảng, con số để minh họa, mất nhiều thời gian và chi phí. Giờ đây, giáo viên kết hợp khai thác học liệu trên sách mềm và một số phần mềm khác do các trường đại học, nhà sản xuất cung cấp được cơ quan chuyên môn thẩm định để dùng trong tiết học”. 

Bằng việc xem tranh ảnh, video clip, hình minh họa sinh động, hấp dẫn, học sinh hứng thú với tiết học hơn, chất lượng giờ học được nâng lên. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để giáo viên trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ lẫn nhau. Giáo án của giáo viên được nhà trường duyệt thông qua hệ thống phần mềm.

Thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và ngành Giáo dục về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; ngành Giáo dục huyện đã quán triệt, triển khai tích cực tới toàn bộ 56 trường học do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện quản lý. Hiện 100% các trường phổ thông đã khai thác, xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành gồm bài giảng, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; 70% trường học sử dụng hồ sơ, sổ sách quản lý điện tử; 100% giáo viên ở các trường phổ thông khai thác, tham gia xây dựng hệ thống học tập điện tử do Bộ GD&ĐT triển khai.

Đặc biệt, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy, học trực tuyến được tăng cường. Phòng GD&ĐT huyện tham mưu UBND huyện lắp đặt thêm 39 phòng họp và gần 200 phòng học trực tuyến. Đến nay, 100% các trường phổ thông trên địa bàn huyện đều có phòng học trực tuyến (trung bình mỗi trường có từ 4-5 phòng). 

Ngoài máy vi tính do các trường trang bị, hầu hết giáo viên tự mua máy tính xách tay để phục vụ giảng dạy. Hằng năm, các trường đều được bổ sung, nâng cấp hệ thống máy tính, đường truyền Intenet. Năm học 2021-2022, Trường THCS Tam Hiệp là một trong 2 trường trên địa bàn tỉnh được Sở GD&ĐT lựa chọn thí điểm về chuyển đổi số, trong đó đã hoàn thành thí điểm ứng dụng phần mềm Onluyen.vn cho học sinh khối 7, khối 8 đối với các môn Địa lý, Lịch sử và Vật lý.

Khơi gợi, khích lệ sức sáng tạo

Nhằm khích lệ sức sáng tạo của giáo viên đồng thời làm phong phú tài liệu, dữ liệu, chia sẻ phương pháp giảng dạy; các trường học khuyến khích giáo viên quay video bài giảng trực tuyến đưa lên kho học liệu của Phòng GD&ĐT huyện và các trường. Riêng năm học 2021-2022 có hơn 80 video bài giảng của các trường được đưa lên kho học liệu làm tư liệu học tập. Kỹ năng khai thác, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy học tại các trường được nâng lên. Nhiều cuộc thi do phòng GD&ĐT triển khai, tổ chức theo hình trực tuyến thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia. 

Huyện phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường học, cơ sở giáo dục số hóa tài liệu, giáo trình; 100% học sinh các cấp của huyện được tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến; xây dựng cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) và hệ thống học trực tuyến tại các trường học.

Năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Tổ chức các tiết học, hoạt động giáo dục, tập huấn, sinh hoạt và hội thảo chuyên môn bằng hình thức trực tuyến. Hướng dẫn học sinh lập tài khoản, khai thác triệt để các ứng dụng của phần mềm để nâng chất lượng dạy, học. Việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là một trong những tiêu chí quan trọng khi chấm điểm, đánh giá, xếp loại thi đua trong công tác quản lý, dạy và học ở các trường.

Cùng với việc tổ chức dạy và học, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành được các đơn vị triển khai tích cực. Hiện 100% các trường thực hiện quản lý hành chính, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 70% cuộc họp giữa Phòng GD&ĐT và các trường được áp dụng hình thức trực tuyến; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3 trở lên, trong đó 30% xử lý ở mức độ 4. 

Tại Trường THCS thị trấn Bố Hạ, nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, nhất là phương pháp, phần mềm kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Thành lập tổ cán bộ, giáo viên phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nhà trường. 

Thầy giáo Phan Hải Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Bố Hạ cho biết: “Nhà trường khai thác có hiệu quả các phần mềm kiểm tra, đánh giá do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT cung cấp (phần mềm xét tốt nghiệp THCS, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục). Sử dụng CNTT trong tính điểm, thống kê chất lượng giáo dục. Thực hiện quản lý, sử dụng sổ theo dõi, học bạ, nhập điểm, nhận xét và đánh giá học sinh trên phần mềm và cơ sở dữ liệu của Sở GD&ĐT”.

Việc ứng dụng CNTT đã góp phần đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng hạ tầng số của ngành Giáo dục theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Theo ông Nguyễn Hữu Bắc, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Thế, đến nay, 55/56 trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 98,2%). Cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý và hoạt động giáo dục. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh năm học vừa qua có 32 em đoạt giải, tăng 7 giải so với năm học 2020-2021.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục bám sát các đề án, kế hoạch, hướng dẫn của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, UBND huyện Yên Thế về ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường học, cơ sở giáo dục số hóa tài liệu, giáo trình; 100% học sinh các cấp của huyện được tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến; xây dựng cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) và hệ thống học trực tuyến tại các trường học.

Bài, ảnh: Công Doanh

Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu năm 2022
Ngày 25/12, Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức công bố 10 sự kiện ICT (công nghệ thông tin) tiêu biểu năm 2022.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường tự do sáng tạo trong giảng dạy, học tập
(BGĐT) - Sáng 18/11, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2022) tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Lục Ngạn.
Hướng dẫn hoạt động đầu tư công nghệ thông tin, chuyển đổi số
(BGĐT) - Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có Công văn số 1089 về hướng dẫn hoạt động đầu tư công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh và sổ tay về CĐS.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...