Chị Phan Thị Kim Liên - Vẹn toàn việc hội, việc nhà
Học hết lớp 9, chị phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Năm 1989, chị xây dựng gia đình và ra ở riêng với 5 sào ruộng. Ba con lần lượt ra đời, hai vợ chồng chăm chỉ cày cấy nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Vay mượn thêm người thân, bạn bè, năm 2011, vợ chồng chị Liên đấu thầu nhận gần 6 nghìn m2 đất đồi để trồng vải thiều, chăn nuôi gà.
Mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà của chị Phan Thị Kim Liên. |
Ban đầu, chị dành phần lớn số vốn để cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại nên chỉ trồng được 50 cây vải thiều và mua hơn 100 con gà giống. Chị tìm đến những chủ trại gà ở các vùng lân cận để học hỏi kỹ thuật, nắm bắt quy trình chăm sóc. Mỗi năm dành dụm tích lũy, ngoài chi phí cho sinh hoạt, chị lại mở rộng mô hình. 5 năm gần đây, mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị Liên phát triển với 300 cây vải thiều và 6 nghìn con gà thịt, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Phó Bí thư Chi bộ, chị Liên luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao, gương mẫu trong mọi hoạt động. Chị đến từng hộ nghèo tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo.
Đơn cử như chị Dương Thị Quý (SN 1983), sau khi được hỗ trợ bò giống năm 2019, đến nay, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Được biết, trong số 103 hội viên phụ nữ ở thôn Thiều thì có gần 50% thuộc hộ khá, giàu, chỉ còn hai hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền chị Liên được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện khen thưởng; hai năm 2020, 2021 là điển hình phụ nữ thoát nghèo, làm kinh tế giỏi của tỉnh.
Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)