Bắc Giang: Tập trung số hóa, tăng hiệu quả giải quyết hồ sơ
Nhiều nơi làm trước
Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC sang dạng điện tử sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tăng cường kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu. Qua đó góp phần giảm chi phí, thời gian, nhân lực cho công tác in ấn ban hành, lưu trữ văn bản. Về phía người dân thì nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ; tiết kiệm chi phí thông qua việc khai thác kho dữ liệu điện tử.
Người dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Việt Yên. |
Dù chưa đến thời hạn bắt buộc phải số hóa nhưng tại bộ phận một cửa huyện Việt Yên công tác này đã được triển khai. Ông Trần Hữu Bình, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Từ ngày 1/7/2022, UBND huyện chỉ đạo 100% các xã, thị trấn khi tiếp nhận TTHC phải scan hồ sơ và đẩy lên hệ thống.
Để thực hiện, phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách đặt tên hồ sơ, đính kèm tệp dữ liệu, kết quả giải quyết lên hệ thống cho cán bộ một cửa huyện và các xã, thị trấn. Cùng đó yêu cầu các đơn vị rà soát trang thiết bị máy vi tính, máy scan phục vụ nhiệm vụ số hóa. Qua khảo sát trung bình bộ phận một cửa trên địa bàn huyện có từ 2-3 máy scan; đủ máy vi tính”.
Tại bộ phận một cửa huyện Việt Yên có 8 cán bộ thường trực tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC. Chị Phạm Thị Ngọc, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường trực tại bộ phận một cửa huyện chia sẻ: “Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ công dân, tôi phải nhập trên máy tính và scan thành phần hồ sơ để tải lên hệ thống mất thêm 3-5 phút. Những trường hợp công dân nộp trực tuyến thì cán bộ đỡ vất vả hơn”.
Từ tháng 7 đến nay, lĩnh vực tài nguyên môi trường có hơn 3,1 nghìn hồ sơ; tất cả đều được số hóa. Vừa tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh của ông Tăng Xuân Nụ, tổ dân phố Nham Biền, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) cán bộ một cửa huyện Yên Dũng vừa mở máy vi tính điền thông tin hồ sơ, vừa sao lưu từng loại giấy tờ kèm theo, đẩy lên hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện cho biết: “Nhận thấy ưu điểm của số hóa, qua rà soát điều kiện của huyện, máy vi tính đủ, cán bộ trẻ, có trình độ công nghệ thông tin nên từ ngày 1/8, huyện chính thức số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC tiếp nhận tại bộ phận một cửa huyện.
Để thực hiện, UBND huyện đã đầu tư mới 11 máy scan cho bộ phận một cửa huyện và các phòng chuyên môn. Tập trung nâng tỷ lệ hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình.
Chủ tịch UBND huyện tổ chức hội nghị kiểm điểm trách nhiệm từng cơ quan, địa phương theo tháng; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tại hội nghị của các thôn, tổ dân phố và bộ phận một cửa”.
Được biết từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, bộ phận một cửa huyện tiếp nhận hơn 5,1 nghìn hồ sơ (trong đó có 1.436 hồ sơ trực tuyến). Tất cả được số hóa, đẩy lên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện
Theo cơ quan chức năng, để thực hiện số hóa, cần 4 nhóm điều kiện cơ bản như: Xác định danh mục giấy tờ cần số hóa quy trình số hóa; nhân lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Cán bộ bộ phận một cửa huyện Yên Dũng thực hiện số hóa hồ sơ tiếp nhận. |
Hiện Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) đã hoàn thành tích hợp và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bắc Giang, đáp ứng điều kiện quy định về việc kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa của Chính phủ.
Sở Thông tin và Truyền thông đã mở rộng hạ tầng lưu trữ từ 10 MB lên 100 MB trên Hệ thống một cửa điện tử tỉnh để đáp ứng nhu cầu gắn kèm tài liệu số hóa. Cùng đó ban hành hướng dẫn về quy trình số hóa, hướng dẫn tạm thời cách đặt tên tệp dữ liệu phục vụ số hóa tại chỗ tại bộ phận một cửa các cấp để tạo sự đồng bộ, thống nhất phục vụ việc chuyển đổi dữ liệu hệ thống sau này.
Mục tiêu năm 2022, Bắc Giang hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt thấp nhất 50% ở cấp tỉnh, 40% ở cấp huyện và 35% ở cấp xã để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. |
Mục tiêu năm 2022, Bắc Giang hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt thấp nhất 50% ở cấp tỉnh, 40% ở cấp huyện và 35% ở cấp xã để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Do vậy thời điểm này, ở các huyện, TP, công tác chuẩn bị cũng rốt ráo hơn.
Ông Trần Quốc Toản, cán bộ Văn phòng HĐND - UBND, phụ trách bộ phận một cửa huyện Lục Ngạn cho biết: “Hiện UBND huyện đã ban hành kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phục vụ công tác số hóa. Theo đó sẽ bổ sung mua 14 máy scan cho các cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa huyện và xã Hồng Giang (đơn vị làm điểm chuyển đổi số)".
Thời điểm này, tại bộ phận một cửa TP Bắc Giang đang thử nghiệm thực hiện số hóa hồ sơ đối với một số TTHC. Cùng đó chuẩn bị bổ sung hai máy quét khổ A3 và A4; sẵn sàng thực hiện chính thức từ ngày 1/10, sớm hơn quy định 2 tháng. Các huyện khác như: Sơn Động, Tân Yên cũng đang giao cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung trang thiết bị, nhân lực bảo đảm điều kiện và thời gian thực hiện số hóa hồ sơ phát sinh mới theo quy định.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, dù chưa đến thời gian bắt buộc phải thực hiện song đã có một số đơn vị tích cực, chủ động số hóa hoặc thử nghiệm việc số hóa hồ sơ tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa.
Qua đó cho thấy quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính. Tuy nhiên để việc số hóa đạt hiệu quả, đúng mục đích thì các huyện, TP cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị như máy tính, máy scan, chứng thư số cá nhân cho bộ phận một cửa.
Hướng dẫn nội dung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đến các bộ phận chuyên môn để thực hiện đúng quy định. Rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị lập danh sách các thành phần hồ sơ đầu vào bắt buộc phải ký số. Sở Thông tin và Truyền thông cử cán bộ thường trực hướng dẫn các cơ quan, địa phương trong quá trình thực hiện.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)