Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ứng dụng phần mềm tích hợp dữ liệu bảo hiểm y tế - Giảm thủ tục khi khám bệnh

Cập nhật: 08:38 ngày 08/08/2022
(BGĐT) - Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) và y tế, gần đây, người dân Bắc Giang có thể làm thủ tục khám, chữa bệnh bằng ứng dụng phần mềm VssID (BHXH số) trên điện thoại thông minh hoặc căn cước công dân tích hợp dữ liệu thay cho thẻ bảo hiểm y tế giấy. 

Nhanh chóng, thuận tiện

Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa là một trong những đơn vị tiên phong triển khai KCB bằng ứng dụng CCCD tích hợp dữ liệu BHYT gắn chip và ứng dụng VssID. 

{keywords}

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm để thực hiện nhanh quy trình khám bệnh.

Chiều 6/8, ông Đỗ Văn Quyết (SN 1966), thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái đến Trung tâm Y tế huyện khám bệnh. Thay vì phải mất thời gian chờ làm thủ tục khai báo thông tin cá nhân, ông được nhân viên hướng dẫn dùng thẻ CCCD quét mã QR- Code, vài giây sau, trên màn hình máy tính hiển thị họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; nơi khám chữa bệnh ban đầu; mã thẻ BHYT. Ngay sau đó, ông được hướng dẫn đến phòng khám bệnh. 

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thắm (SN 2001), xã Lương Phong cũng bày tỏ hài lòng khi làm thủ tục khám bệnh qua ứng dụng CCCD nhanh chóng, tiện lợi.

Mỗi năm Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa tiếp nhận khoảng 120 nghìn lượt bệnh nhân đến KCB, hơn 80% trong số này có thẻ BHYT. Bác sĩ Vũ Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Việc ứng dụng giải pháp công nghệ mới trong quy trình tiếp nhận KCB giúp người bệnh không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, được tiếp cận sớm với dịch vụ y tế”.

Cùng với sử dụng CCCD có tích hợp dữ liệu BHYT, từ tháng 6/2021 đến nay, việc triển khai ứng dụng VssID được ví như "tấm thẻ xanh" giúp người dân thuận tiện hơn khi KCB. Ở nhiều cơ sở y tế như: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang; Trung tâm Y tế các huyện: Lục Nam, Việt Yên, Tân Yên... nhân viên hướng dẫn người dân thao tác ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy hoặc dùng CCCD. 

Bà Lưu Thị Moi, thôn Cà Phê, xã Tân Lập (Lục Ngạn) cho hay: "Trước đây, tôi thường lo lắng làm rách thẻ BHYT vì giấy in thẻ mỏng, dễ thấm nước. Nhà xa, có lần quên thẻ phải về lấy rất phiền phức. Nay dùng cách thức mới trên điện thoại, tôi thấy dễ dàng hơn rất nhiều".

Thời gian qua, BHXH các huyện, tổ công tác của BHXH tỉnh tích cực tuyên truyền để các đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu BHXH, BHYT nắm bắt đầy đủ thông tin và hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID. 

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 300 nghìn tài khoản đăng ký, đưa Bắc Giang vào nhóm địa phương dẫn đầu toàn quốc về sử dụng ứng dụng này. Bên cạnh nỗ lực của ngành BHXH, lực lượng công an các huyện, TP cũng đẩy mạnh hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử để tích hợp thông tin thẻ BHYT trên CCCD thay cho thẻ giấy. Toàn tỉnh có khoảng 330 nghìn hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử (đạt 90% chỉ tiêu đề ra của năm 2022).

Để dần thay thế thẻ BHYT giấy, Sở Y tế chỉ đạo 100% cơ sở KCB chấp nhận ứng dụng VssID hoặc CCCD có tích hợp dữ liệu thẻ BHYT. Thực hiện chủ trương này, các đơn vị đã trang bị máy quét mã QR-Code hoặc nhân viên trực tiếp ghi số thẻ BHYT hiển thị trên ứng dụng VssID có trong điện thoại của người bệnh (với trường hợp cơ sở không có đầu đọc). 

Sau một thời gian triển khai, người dân đánh giá cao về sự tiện lợi, hạn chế tình trạng phải đứng xếp hàng, tiếp xúc lâu khi làm thủ tục KCB trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp.

Rà soát, sớm khắc phục bất cập

Ứng dụng VssID và CCCD tích hợp dữ liệu BHYT là bước tiến trong thực hiện chuyển đổi số của ngành BHXH, mang lại thuận lợi cho người dân. Phần mềm này bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe, bởi lẽ người dân có thể tra cứu trên phần mềm VssID để nắm bắt lịch sử KCB của cá nhân qua nhiều năm cũng như giám sát việc thực hiện chính sách về BHYT.

{keywords}

Cán bộ BHXH tỉnh (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại.

Tuy vậy, sau một thời gian áp dụng đã bộc lộ bất cập. Ông Vũ Trí Quý, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Nam cho biết: "VssID chỉ thực hiện trên điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet. Đa số người sử dụng BHXH số là cán bộ, công chức, viên chức, người trẻ tuổi còn bệnh nhân cao tuổi, người không có điện thoại thông minh vẫn dùng thẻ BHYT giấy. Vì vậy, Trung tâm duy trì nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu của người dân".

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hằng ngày có nhiều bệnh nhân đến đăng ký KCB, nhất là vào những ngày đầu tuần. Nhiều người có CCCD nhưng chưa đăng ký mã định danh điện tử, dữ liệu BHYT chưa được tích hợp nên không thể sử dụng. Có trường hợp đã cài đặt ứng dụng VssID nhưng vẫn có thói quen dùng thẻ BHYT giấy. Để khắc phục, Bệnh viện bố trí nhân viên trực tại các bàn tư vấn, hỗ trợ người dân làm thủ tục.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 300 nghìn tài khoản đăng ký ứng dụng VssID, đưa Bắc Giang là tỉnh nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu toàn quốc về sử dụng ứng dụng này. Ngoài ra còn có khoảng 330 nghìn hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử để tích hợp thông tin thẻ BHYT trên CCCD.

Việc dùng CCCD gắn chip và ứng dụng VssID khi khám bệnh là bước tiến lớn của ngành BHXH, y tế trong thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số, giúp tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Với ý nghĩa đó, thời gian qua, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị đẩy mạnh sử dụng các phương thức mới trong quy trình KCB, hướng tới mục tiêu ngày càng thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia chính sách bảo hiểm".

Tới đây, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, tăng diện bao phủ ứng dụng, phấn đấu mục tiêu 100% người dân dùng điện thoại thông minh được cài đặt và sử dụng thành thạo các tính năng ưu việt của VssID. 

Hiện nay, lực lượng công an các cấp làm việc cả ngày nghỉ, trực tiếp đến thôn, tổ dân phố giúp bà con đăng ký thông tin, chuẩn hóa dữ liệu để sớm tích hợp thông tin cá nhân trên CCCD. Những phương thức mới khi triển khai sẽ không tránh khỏi bất cập. Vì vậy, các cơ sở KCB vừa triển khai ứng dụng số kết hợp rà soát nắm bắt thông tin, đề xuất cơ quan chức năng phối hợp giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.

Bài, ảnh: Mai Toan

Mức hưởng bảo hiểm y tế với điều trị nội trú quy định thế nào?
Khi người tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh đúng tuyến theo quy định và xuất trình đầy đủ thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, họ sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ 100%, 95%, hoặc 80% chi phí khám, chữa bệnh. Điều này tùy thuộc vào đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. 
Triển khai cấp thuốc lao từ nguồn bảo hiểm y tế
Từ ngày 1/7, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc bắt đầu cấp thuốc lao cho bệnh nhân qua bảo hiểm y tế. Việc này đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam.
Ký kết kế hoạch phối hợp bảo đảm ANTT trong lĩnh vực bảo hiểm
(BGĐT) - Ngày 23/5, Công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang ký kết Kế hoạch phối hợp. Tham dự có các đồng chí: Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh. 
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Chủ động lúc trẻ, yên tâm khi về già
(BGĐT) - Gần đây, nhiều người dân ở Bắc Giang đã chủ động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ngay từ khi còn trẻ, còn khả năng lao động để về già có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tạo điểm tựa an sinh cho bản thân.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...