Chai nước mắm
Tôi ứa nước mắt nhìn chai nước mắm. Dù mẫu mã có khác xưa nhưng vẫn là nước mắm Tiền Hải. Tôi nhẹ tay mở nút chai, rót vào hai bát nhỏ để vào hai mâm cơm cúng. Một mùi thơm ngọt ngào lan toả.
Cô em gái sụt sùi:
- Đầu năm, giỗ mẹ! Mùi nước mắm cô chú biếu làm em càng nhớ mẹ, nhớ cha! Đúng là con cháu được hưởng lộc, hưởng phúc từ cha mẹ.
![]() |
Minh họa: HIỀN NHÂN. |
Tôi nhìn em gái, cô này thật hiểu chuyện. Mấy mươi năm trước, chai nước mắm Tiền Hải là món quà quý, không phải ai cũng có tiền mua, mà có tiền nhiều khi cũng không mua được. Số ít nhà được ăn loại nước mắm này vào dịp Tết hoặc ngày trọng đại nào đó. Tết hằng năm, thầy u tôi đều đặn được cô chú biếu chai nước mắm và chè, thuốc. Khi song thân còn, là thế; khi hai người khuất núi vẫn vậy. Không chỉ là giá trị vật chất, cao hơn thế, nó là cả một tấm lòng. Đúng là tấm lòng bền chặt hơn sáu mươi năm nay của cô chú với thầy u tôi. Có lần, cô viết cho tôi: "Chú vẫn quyến luyến lắm với thầy u cháu!" Hai ông bà ngót nghét tuổi 90 nói đến thầy u tôi - những người đã đi xa gần 20 năm mà như nói về người đang sống, lễ phép, thân tình.
Tôi nhìn khắp lượt anh em, con cháu, giọng trầm trầm:
- Chuyện nghĩa tình của cô chú với hai cụ có người biết, có người chưa biết. Biết rồi cũng nghe, chưa biết nên nghe.
Cháu nội lớn nhất nhà, học xong, đi làm mấy năm nay nhìn bố nói:
- Ông nội hệt như cụ Mết trong Rừng xà nu rồi!
Cả nhà im lặng nhìn tôi. Mấy đứa trẻ thấy thế cũng không chí choé nhau nữa, chờ đợi. Tôi lần giở ký ức, lựa chọn nhanh kỷ niệm.
- Năm 1957, tức là đã 66 năm rồi, mau thật. Đất nước bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp chưa được bao lâu, niềm vui hòa bình với nỗi đau oan sai cải cách ruộng đất cùng di họa của nó vẫn còn đâu đó ở thôn làng, ở ngay nhà mình. Được sửa sai, từ bờ sông, các cụ dắt tôi và ông Hai về nhà cũ nhưng ruộng thì chả còn là bao. Túng lắm! Đói lắm! Hai cụ phải làm đủ nghề. Tất nhiên là nghề chính đáng, bởi sơ sảy là gay, vẫn còn bị "để ý" mà! Có đận hai cụ kéo xe ba gác xuống tận chợ huyện miền biển mua mía về bán lại cho người ta. Hơn ba chục cây số đi chân đất, người khoác dây chão trên vai kéo, người gò lưng đẩy. Thường xuyên thì làm hàng xáo, u đội gạo sang tỉnh Nam bán. Mùa hè, thầy vác cần câu sang mạn có nhiều ao hồ hoang vắng câu cá quả. Khổ thế nhưng máu hoạt động thanh niên thời kháng chiến ở thầy - người trung niên 35, 37 tuổi vẫn còn. Thầy vẫn liên lạc với các bác, các chú trong ban chấp hành và đoàn viên thanh niên cứu quốc và cả thiếu nhi cứu quốc cũ. Đa phần các bác, các chú bị vận hạn; người lầm lũi cày ruộng ở làng xã, người phiêu bạt nơi rừng xanh, núi đỏ. Thế mà mỗi lần gặp mặt, họ vẫn dành cho nhau nụ cười ấm áp và tiếng hát - những bài hát kháng chiến vào lúc mới hoà bình - vang xa.
Ngừng một lát, tôi kể tiếp:
- Cô vừa là em họ, vừa là thiếu nhi cứu quốc của thầy. Cô là con út trong gia đình đông anh em. Cũng như các chị, cô nền nã, nói năng nhẹ nhàng, khuôn phép và đảm cả việc nhà, việc xã hội. Cô có năng lực vận động, tổ chức bạn bè và nhân dân từ sớm. Cô nói dễ nghe và quan trọng là miệng nói tay làm. Chú là du kích, đoàn viên cứu quốc, phụ trách thiếu nhi của xã. Chú hiền lành, chắc chắn, thường mủm mỉm cười nhiều hơn nói, mà nói thì thủ thỉ, tâm tình. Năm ấy, chú học chưa cao nhưng vóc dáng, cử chỉ, cả lời nói đã là của một người có học, tự tin, khoáng đạt nhưng khiêm nhường. Hình như cả cô và chú đều đã để ý đến nhau, có điều không ai dám nói. Ông nhà mình tinh ý nhận ra nên khi chú kín đáo gặp riêng, ông đã đoán ra việc gì.
- Anh! Anh giúp em một việc ạ!
- Có gì thế em? Mua mấy cây mía hay bảo chị đổi gạo “bông" (ấy là gạo cũ, 13 cân một tháng cho cán bộ) lấy gạo mới?
Chú đỏ mặt, ấp úng:
- Không! Không phải thế ạ, mà là...
- Thế thì chỉ có chuyện lấy vợ. Nói anh nghe nào! Thoát ly mấy năm rồi mà sao nhút nhát thế?
Được lời như cởi tấm lòng, chú thì thầm:
- Vâng anh. Em thích một cô làng anh...
- Cô em họ anh chứ gì?
Chú bừng đỏ mặt:
- Anh thật tinh.
Ông lại cười:
- Anh phụ trách định lấy thiếu nhi à?
Chú thật thà:
- Cô ấy 18 rồi anh! Là đoàn viên lao động rồi.
- Anh trêu chú thôi! Em anh, anh biết tuổi nó chứ. Nhưng anh hỏi chú: Chú thích hay muốn cưới nó làm vợ?
Chú nói chắc nịch, như một lời thề:
- Em muốn lập gia đình anh ạ. Chúng em đã đến tuổi trưởng thành và biết nhau sơ sơ. Hai đứa hai làng nhưng cùng xã...
Ông lại hỏi:
- “Nói lời thì giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”! Em nhờ anh gì nào? Đi hỏi vợ cho em à? Làm ông mối à? Anh chịu!
- Anh giúp em được gặp cô ấy đã, được không ạ?
- À! Bước tìm hiểu. Lối mới, đời sống mới. Việc này thì anh làm được!
Ông về nói chuyện với bà. Bà đăm chiêu:
- Một việc nghĩa tình vun vén hạnh phúc, khi các em nhờ cậy nên làm. Đành rằng bây giờ mình đang tối mắt, tối mũi kiếm cái ăn và nuôi con. Nhưng nói thật là tôi vẫn ngại, nhà ạ!
Ông im lặng lắng nghe.
- Miệng lưỡi thế gian ghê gớm lắm! Còn không ít người kỳ thị, nói lời độc địa với mình. Đấy! Hợp tác xã họ đã cho mình vào đâu? Con mình có được chia mẩu tẩy, cái bút chì của thiếu nhi Đông Đức đâu? Tôi sợ, do mình giúp cô chú ấy mà có kẻ phá đám, việc không thành, mình đâm ra có tội với các em!
Ông trầm ngâm một lúc rồi giảng giải:
- U mày nói cũng phải! Tôi cũng nghĩ đến việc này. Khó cũng phải vượt. Tôi sẽ ý kiến với anh em cùng thời làm thanh niên cứu quốc. Phải ủng hộ đồng chí của mình! Phải ủng hộ đám cưới đời sống mới!
Nói là làm. Ông tạo điều kiện cho cô chú gặp nhau với cùng một lời dặn: "Các em tìm hiểu nhau cho kỹ, thật kỹ. Đồng ý rồi thì nói với anh!". Rồi ông gặp các cụ hai bên, từ thăm dò, tháo gỡ rào cản. Thuận là ông mình họ hai đằng, lại được các cụ đều quý mến, tin tưởng. Thế là cô chú đến được với nhau. Một năm sau, đám cưới theo nghi thức mới được tổ chức, không cỗ bàn, rượu chè nhưng có văn nghệ, có đôi chim gù và chữ cái đầu tên cô chú lồng vào nhau cùng hàng khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ!" trên phông vải ở phòng hội hôn! Ông mình làm tổ chức nhé! Đến nay, hình ảnh đám cưới cô chú với sự hoạt ngôn của ông mình vẫn đậm trong trí nhớ tôi.
Mọi người hồ hởi cười vui. Mấy đứa trẻ còn vỗ tay hò reo.
- Cô chú sống với nhau thật hạnh phúc. Cuộc sống của họ dần thay đổi, ngày một tốt hơn. Chú học thêm, làm đến gì, chú cũng chả khoe. Cô thoát ly làm cán bộ phụ nữ các cấp. Các con cô chú đều trưởng thành, tử tế. Cô chú đã ra Hà Nội ở lâu rồi, ông bà đều đã lĩnh Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng mấy năm nay! Cô vẫn làm cán bộ tổ dân phố, bà con tín nhiệm, yêu quý lắm!
Nhà tôi xuýt xoa:
- Em đã gặp cô chú mấy lần. Lần gần nhất là cả ông, cả bà về giỗ Tổ. Hai ông bà là mẫu người phúc hậu, sâu sắc, hòa đồng, dễ gần.
Tôi gật đầu:
- Cuộc sống có nhiều thay đổi, có nhiều khúc lận đận, có nhiều lúc nở mặt, nở mày, nhà mình thế, cô chú cũng thế! Có một điều không thay đổi đó là nghĩa tình cô chú dành cho ông bà mình, cho cả nhà mình. Từ cái Tết năm đầu tiên cô chú lấy nhau cho đến tất cả các Tết, lúc các cụ còn cũng như khi đi xa, năm nào chú cũng biếu quà - chai nước mắm cốt Tiền Hải và gói chè, bao thuốc. Khi còn ở gần, chú đến tận nhà chúc Tết, vướng bận quá không về quê được, cô chú gửi. Lần đầu, thấy chú đưa quà, ông mình nghiêm giọng: "Chú lễ ông mối đấy à? Sao còn lạc hậu, cổ hủ thế?". Chú đỏ mặt, mỉm cười: "Ôi anh! Lễ thì phải con gà, thủ lợn hoặc cái chân giò chứ? Chúng em có chút quà nhỏ cảm ơn anh chị xe duyên cho chúng em thôi! Có đáng là bao ạ!". Gói quà ấy, nhất là chai nước mắm cốt những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước, thời người ta gọi là "bao cấp" ấy là cả một khó khăn, dành dụm, chắt bóp mới mua được, là tất cả tiêu chuẩn Tết của cán bộ cấp kha khá!
Em dâu tôi trầm trồ:
- Cô chú đều sống có trước có sau! Ân tình sâu nặng thật!
Sẵn mạch cảm xúc, tôi kể thêm câu chuyện 55 năm về trước. Năm tôi về dạy thực tập ở trường cấp 3 miền biển, cũng là cái duyên để nhớ lại hồi các cụ buôn mía ở chợ nơi đây. Một hôm, đang ngồi ở quán nước cổng trường cùng mấy bạn trong đoàn thực tập thì có một người dừng xe đạp trước cửa quán. Một thoáng ngạc nhiên, tôi nhận ra chú. Thấy thế, chú cười phân trần: "Chú nhìn thấy cháu nên vào! Sao cháu lại ở đây?". Tôi kể chú nghe việc về thực tập ở trường. Chú bảo chú công tác ở huyện, giờ đạp xe xuống xã. Chú cháu chuyện trò một lúc thì trống báo hết tiết học, tôi có tiết dạy tới nên xin phép vào trường. Bạn tôi định trả tiền quán, chú ngăn lại: "Cháu để chú! Chú mời! Kể chú không vội thì mời các cháu xơi cơm". Chú hỏi tôi nhà trọ và bảo: "Nếu kịp, chú kiếm chút quà, Chủ nhật cháu về chuyển giúp tới thầy u nhé!". Chú giúi vào tay tôi mấy đồng, bắt nhận: "Để cháu mua cái cặp hoặc cái túi xách mà đựng giáo án, chứ bọc trong tờ báo thế này nhàu mất!". Trưa về, tôi đã thấy chai nước mắm cốt gói bọc cẩn thận chú gửi gia đình chủ nhà trọ!
Con gái tôi cười:
- Thế bố có quà biếu ông bà ấy chưa ạ?
Tôi cũng cười:
- Có! Có rồi! Mãi mới có!
Mấy đứa trẻ đồng thanh:
- Là quà gì đấy ông? Ông bật mí đi!
Tôi nhìn con cháu, trả lời chung:
- Là các tác phẩm văn học của ông, mẹ con giúp ông gửi ra Hà Nội biếu hai cụ đấy!
Tôi không nói ra, chứ trong tâm tưởng, tôi sẽ viết về cô chú, chỉ viết về chai nước mắm của cô chú biếu thầy u tôi. Mùi thơm, vị ngọt đậm đà của nước mắm cô chú cho đã thấm cả vào cuộc đời tôi.
Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh
Ý kiến bạn đọc (0)