Nối nghiệp
Nhưng con bé nói hiện giờ nó chưa thể nghĩ ra được nghề nào. Bố thì thích con gái làm giáo viên, bởi trong mắt bố hình ảnh thầy cô lúc nào cũng rất đẹp. Còn chị, không phải nói cũng biết chị thích con bé nối nghiệp chị. Khi xin ý kiến bà nội của Ly, bà cười bảo:
- Mẹ giờ già rồi, không hiểu rõ xã hội phát triển thế nào. Các con cứ cân nhắc chọn cái nghề nào phù hợp với khả năng của con bé. Theo mẹ nghĩ đã là chân chính thì nghề nào cũng tốt, miễn là mình yêu nghề và luôn sống hết lòng với nghề thì sẽ không bao giờ phải hối tiếc.
Mẹ chồng chị trước đây vốn là một giáo viên, từng lời bà dạy bảo con cháu đều rất sâu sắc và thấu đáo. Bởi vậy mỗi khi có việc gì, vợ chồng chị thường xin ý kiến của bà. Chị rất thích câu nói của mẹ chồng:“miễn là mình yêu nghề và luôn sống hết lòng với nghề thì sẽ không bao giờ phải hối tiếc”.
Chị vừa đi vừa tủm tỉm cười, cảm thấy trong lòng thật nhẹ nhõm và yêu đời dẫu bao áp lực của một ngày dài đang chờ chị phía trước. Tia nắng ấm áp của mùa xuân nhẹ nhàng xuyên qua những chùm hoa bàng li ti lắc rắc rơi như muốn níu bước chân chị chầm chậm lại để cảm nhận chút hương sắc của mùa mới. Nhưng thói quen nghề nghiệp khiến chị bước đi lúc nào trông cũng như là rất vội. Đến nỗi thi thoảng muốn rủ chồng đi dạo, anh lại nói vui là chạy theo mệt lắm.
- Chị Đào có gì vui mà vừa đi vừa cười tươi thế?
Hai cô y tá trẻ của khoa cũng đang rảo bước dưới sân bệnh viện ngạc nhiên khi bắt gặp trưởng khoa của mình hôm nay lạ lắm, không giống cái dáng vẻ con người của công việc thường thấy mọi ngày. Chị mỉm cười gật đầu chào rồi đánh trống lảng hỏi y tá Hương đã liên hệ lại được với gia đình của bé Bình chưa.
Đó là một bệnh nhi có hoàn cảnh rất đáng thương. Mẹ bỏ đi, bố đi làm xa nên phải về ở với bà nội. Hai bà cháu hằng ngày chỉ trông chờ vào gánh rau con con. Hôm thằng nhỏ bị viêm phổi phải vào viện, trong nhà cũng chỉ có vài chục nghìn đồng. Bác sĩ Đào và các cán bộ trong khoa góp tiền biếu hai bà cháu để lo trang trải viện phí, thuốc men, sinh hoạt. Thấy thằng nhỏ còi cọc, xanh xao, chị nói với bà nội của nó là thằng bé cần được khám tổng quát, chị sẽ xin hỗ trợ của tổ công tác xã hội bệnh viện. Bà nội nó lặng im một lúc như còn e ngại điều gì rồi lấy lý do ở nhà có việc, cháu khỏi bệnh thì xin cho cháu ra viện ít bữa rồi quay lại sau. Không thuyết phục được, chị đành dặn đi dặn lại bà nhớ cho Bình quay lại viện sớm.
Sau khi dặn dò cô y tá mau chóng tìm cách liên hệ với gia đình của bệnh nhân, bác sĩ Đào bước vào phòng làm việc. Chị mở toang cánh cửa sổ đón ánh nắng tinh khôi ấm áp của ngày mới rồi đi vòng một lượt để hỏi thăm các phòng bệnh trong khoa. Thói quen này, chị đã duy trì từ khi được bổ nhiệm làm Phó khoa cho tới giờ. Đồng nghiệp quý mến khen chị chu đáo, trách nhiệm và cẩn thận. Cũng có người không ưa lại cho rằng chị rỗi hơi, làm một việc thừa thãi. Chị không quan tâm ai nói gì, nghĩ gì, chỉ thấy việc mình bớt chút thời gian đến sớm để hỏi thăm sức khỏe mọi người cũng tốt. Chữa bệnh đâu phải chỉ bằng dao kéo hay thuốc men mà còn phải bằng cả tinh thần nữa. Chị vẫn nói với các nhân viên trong khoa ai cũng có lúc phải đau ốm, bản thân các y, bác sĩ cũng không tránh khỏi điều đó, vậy nên hãy đặt mình vào vị trí của người bệnh và gia đình người bệnh để hiểu được tâm trạng và mong muốn của họ khi vào đây.
Một hôm, trong lúc ngồi ăn cơm, cả nhà lại nói đến việc chọn nghề cho bé Ly. Hai vợ chồng chị cuối cùng nghiêng về phương án cho bé Ly theo nghề y của mẹ. Bởi lực học của con khá tốt, tính cách cũng rất cẩn thận, tỉ mỉ, sống tình cảm, thương người nên chắc chắn sẽ rất phù hợp với công việc này. Và quan trọng là bé Ly cũng thích nữa. Nhưng lần này mẹ chồng chị lại phản đối dù trước đây bà luôn khích lệ bé Ly cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sĩ giống mẹ. Chị gặng hỏi thì bà bảo vì nghề y vất vả, muốn con bé chọn một nghề nào đó nhẹ nhàng hơn.
Chị tâm sự với chồng về làm dâu mẹ hai chục năm nhưng chưa bao giờ thấy mẹ than vãn gì về công việc của chị dù thời gian chị ở viện nhiều hơn ở nhà. Thậm chí những lúc mẹ hay các con mệt mỏi, ốm đau chị cũng không có nhiều thời gian ở nhà chăm sóc. Nhưng mẹ không những không trách cứ chị mà còn quan tâm, chăm sóc chị nhiều hơn. Có gì ngon cũng bảo để phần cho chị. Mấy cô em chồng thỉnh thoảng lại nói vui:
- Hình như chị Đào mới là con đẻ của mẹ, chúng con chỉ là con nuôi thôi.
Bà chẳng cần biết thật đùa thế nào, liền tỏ rõ quan điểm:
- Các cô không thể tị nạnh với chị dâu được. Công việc của chị nó quan trọng, liên quan đến tính mạng con người ta nên bản thân lúc nào cũng phải có sức khỏe và tinh thần tốt nhất. Mấy đứa giỏi thì đi làm công việc đó đi rồi về đây mẹ khác chiều chuộng.
Mấy cô em lại phá lên cười: - Đấy, cứ hễ động đến cô bác sĩ của mẹ là y như rằng bị nói ngay. Nhất chị đấy.
Chị cũng luôn cảm thấy mình thật sự rất may mắn khi có được một người mẹ chồng tốt như vậy, luôn yêu thương chị vô điều kiện. Nhờ vậy mà chị có thể toàn tâm, toàn ý với công việc. Chị đăm chiêu suy nghĩ, có lẽ có chuyện gì đó đã tác động rất lớn tới bà, mới khiến bà thay đổi quan điểm cho bé Ly học nghề y như vậy. Chị để ý mấy hôm nay nhiều lúc bà cứ ngồi bần thần như lo lắng điều gì.
Chợt có tiếng chuông cửa vang lên làm chị giật mình, cắt ngang dòng suy nghĩ. Chị bất ngờ khi thấy bà nội và bố của bé Bình tìm đến tận nhà. Bố thằng bé vừa mới hôm trước gây náo loạn ở bệnh viện, nay lại tìm đến đây không biết là có ý định gì. Chị thoáng chút ái ngại vì trước nay chị không bao giờ muốn mang những rắc rối bên ngoài về nhà, làm ảnh hưởng tới những người thân trong gia đình. Nay chồng chị và bé Ly không có nhà nhưng vẫn còn mẹ chồng đang ở trên gác. Thấy chị còn chưa hết ngạc nhiên trước sự xuất hiện đường đột này, bà nội thằng bé vội lên tiếng:
- Chào bác sĩ, hôm nay mẹ con tôi mạn phép đến đây để nói xin lỗi cô.
Chị Đào lúng túng: - Dạ không có gì đâu ạ. Mời bà và chú vào nhà.
![]() |
Minh hoạ: Hiền Nhân. |
Người đàn ông xăm trổ, tóc húi cua, nhìn đã biết là ngang tàng ấy lại chính là cha ruột của bé Bình, một thằng bé rất thông minh và hiểu chuyện. Trong khi những đứa trẻ khác vào viện thường nhõng nhẽo, sợ bác sĩ, sợ kim tiêm thì thằng bé lại rất ngoan ngoãn và hợp tác. Mỗi lần tiêm, bé Bình dũng cảm lắm, không hề xuýt xoa lấy nửa lời. Mấy hôm đầu, dù mệt mỏi nhưng thằng bé vẫn gắng gượng ăn hết bát cháo bà nội mua. Nó bảo con sẽ cố gắng ăn thật nhiều và uống thuốc cho mau khỏe để bà nội đỡ vất vả. Chị rơm rớm nước mắt, xoa đầu thằng nhỏ mà xót xa. Tại sao một đứa trẻ lại không được sống hồn nhiên đúng nghĩa với lứa tuổi của nó, sao lại phải sớm có những suy nghĩ trưởng thành như vậy.
Sau khi Bình ra viện, các cô y tá không làm thế nào gọi điện được cho bà nội nó. Bác sĩ Đào nhờ người hỏi dò địa chỉ nhưng vì họ chỉ đến đây thuê trọ hay ở nhờ nhà người thân nên rất khó tìm. Bất ngờ sáng hôm đó bà nội và bố thằng bé hộc tốc bế nó chạy vào viện cấp cứu vì nó tự nhiên bị ngất ở trường. Nghe được thông tin, bác sĩ Đào vội vàng từ trong khoa chạy ra phòng cấp cứu:
- Thằng bé là bệnh nhân của chị mới ra viện tuần trước.
Nghe thấy vậy, bố bệnh nhân hùng hùng hổ hổ xông tới chửi bới, quát nạt:
- Các người làm ăn vô trách nhiệm thế à. Sao để nó ra nông nỗi này. Con tôi mà có mệnh hệ gì, tôi sẽ kiện các người.
Người mẹ anh này ra sức can ngăn: - Lỗi tại mẹ, tại mẹ, con ơi.
Không để ý đến lời của mẹ, anh ta vẫn tiếp tục đứng ở bên ngoài nói những lời khó nghe. Một người phụ nữ trung niên ở gần đó chứng kiến mọi việc liền bức xúc lên tiếng:
- Anh xót con anh thì có thể muốn nói gì cũng được sao. Anh có biết những người đang vất vả cứu chữa cho con anh ở trong kia suốt từ hôm qua tới giờ chưa được một phút nào nghỉ ngơi không. Vậy đó không phải là trách nhiệm thì là gì. Rồi còn bố mẹ họ sẽ như thế nào khi chứng kiến cảnh con mình bị người ta chửi mắng, đe dọa như thế này. Ai cũng cư xử như anh thì còn ai dám làm cái nghề này nữa.
Mọi người có mặt ở đấy thấy người phụ nữ nói rất có lý nên ra sức đồng tình. Bố thằng nhỏ dường như đã nhận ra cái sai của mình. Anh ta ngồi bệt xuống dưới đất bưng mặt khóc. Người phụ nữ cũng nhanh chóng rời đi vì không muốn mọi người nhìn thấy những giọt nước mắt đang chực trào ra. Bà chính là mẹ chồng của bác sĩ Đào. Hôm đó, thấy người hơi mệt nên bà vào viện khám. Cũng không muốn nói với con dâu vì đêm qua chị trực thức cả đêm, sáng ra lại bảo phải tăng cường vì đông bệnh nhân. Ngờ đâu lúc ở viện, bà lại phải chứng kiến cái cảnh xót xa này, tim bà thắt lại.
Vừa ngồi xuống ghế, bà nội thằng bé nghẹn ngào nói:
- Mong cô thông cảm bỏ qua cho em nó. Không giấu gì cô, bé Bình còn có một chị em sinh đôi với nó, nhưng đứa chị đã mất từ lúc mới sinh ra. Nên giờ thấy bé Bình lại bị như vậy, bố nó hoảng quá, mất bình tĩnh nên đã cư xử không phải.
Bác sĩ Đào nghe thấy vậy thì lặng người đi. Bố thằng bé đưa tay lên quệt ngang dòng nước mắt rồi nói lời xin lỗi. Chị thấy lòng nhẹ nhàng khi cảm nhận được sự ăn năn và cả chân thành trong sâu thẳm tâm hồn của một người cha nhất mực thương con. Trước đây cũng vì cờ bạc mà người đàn ông này đã đẩy gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, nhà cửa phải bán hết. Không chịu được nên mẹ bé Bình đã bỏ đi. Bấy giờ anh ta mới thức tỉnh và quyết tâm tu chí làm ăn, trang trải hết nợ nần để quay về. Cũng may là Bình được cấp cứu kịp thời nên không có gì nghiêm trọng cả. Chỉ mấy hôm nữa là thằng bé có thể ra viện. Nó vui lắm, khoe với bác sĩ Đào:
- Bố con về lần này sẽ không đi nữa đâu. Thể nào mẹ con cũng sắp về nữa.
Bố thằng bé xúc động khi nghe bác sĩ Đào kể lại. Ba người họ đều cười rất vui khi nói chuyện về thằng nhỏ, trong mắt họ ánh lên niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Lúc này, đứng ở cầu thang, mẹ chồng chị cũng đã nghe được hết câu chuyện. Bà rơm rớm nước mắt bước về phòng. Những lỗi lầm cần được hóa giải để cho cuộc sống này thêm những yêu thương và bình yên. Bà lại thầm ước ao cô cháu gái ngoan hiền của mình sau này cũng có thể nối nghiệp mẹ làm bác sĩ, một nghề cứ thầm lặng hy sinh thế thôi mà ấm áp biết bao.
Truyện ngắn của Việt Nga
Ý kiến bạn đọc (0)